Cha mẹ đừng vội mừng khi con nghe lời răm rắp

18:17 | 17/05/2022;
Dạy con nghe lời răm rắp trong mọi tình huống không phải là phương pháp giáo dục khoa học.

Một số bậc phụ huynh luôn nhấn mạnh với con rằng, chúng phải nghe lời ông bà khi ở nhà, nghe lời thầy cô khi đến trường, nghe lời tuyệt đối anh chị của chúng. Điều này thấm nhuần vào tư tưởng của trẻ ngay khi còn nhỏ nhưng có thật sự là điều tốt? Liệu cha mẹ có hạnh phúc khi con mình trở thành đứa trẻ ngoan, không có chính kiến, phục tùng người khác vô điều kiện?

Bắt trẻ vâng lời chưa hẳn là điều tốt. Để trẻ trình bày ý kiến, tôn trọng quyết định của trẻ mới là điều tốt nhất. Cha mẹ cần cho con quyền được phát ngôn, đừng bắt con nghe lời một cách mù quáng.

Cha mẹ đừng vội mừng khi con nghe lời răm rắp: Thất bại lớn, hãy dạy con cách nói "KHÔNG" - Ảnh 1.

Bắt trẻ vâng lời chưa hẳn đã là điều tốt nhất. Ảnh minh họa

TẠI SAO SỰ VÂNG LỜI RĂM RẮP CỦA CON LẠI LÀ THẤT BẠI CỦA CHA MẸ?

1. Những đứa trẻ quá nghe lời sẽ không có chính kiến

Mỗi người có một suy nghĩ khác nhau và nên bày tỏ điều đó. Nhưng với những đứa trẻ quá nghe lời, chúng thường lo lắng trước cảm xúc của người khác mà từ bỏ suy nghĩ thật của bản thân. Dần dần lớn lên, chúng nghe lời người khác vô điều kiện để không khiến ai phật lòng và bản thân cũng không cần suy nghĩ nhiều.

Theo thời gian, tư duy não bộ của trẻ sẽ không phát triển, không có chính kiến rõ ràng. Lúc này, trẻ giống như một chiếc thuyền không có cánh buồm, trôi lênh đênh trên biển mà không có định hướng. Vì vậy, cha mẹ hãy cho con cơ hội được bày tỏ suy nghĩ trong quá trình giáo dục. Những điều có thể nói, hãy cho trẻ nói thay vì dặn chúng phải vâng lời.

2. Ngăn chặn bản chất của trẻ

Việc nuôi dạy con không phải chỉ là cho ăn uống đầy đủ, hay đưa sách vở cho con tự học mà đòi hỏi cha mẹ phải nỗ lực dạy dỗ chúng. Bản chất của trẻ là nghịch ngợm, hiếu động, không chịu ngồi yên một chỗ. Nhưng cha mẹ luôn áp đặt, bắt bỏ tính ham chơi và bắt nghe lời răm rắp mọi chuyện.

Tình trạng kéo dài sẽ khiến trẻ bị ức chế, thay đổi tính cách theo chiều hướng tiêu cực. Chúng dần đánh mất bản chất, ý niệm về bản thân, mọi niềm tin chỉ dựa vào người khác. Những đứa trẻ đặc biệt nghe lời có xu hướng nhát gan, luôn nhượng bộ khi lớn lên.

Cha mẹ đừng vội mừng khi con nghe lời răm rắp: Thất bại lớn, hãy dạy con cách nói "KHÔNG" - Ảnh 2.

Những đứa trẻ đặc biệt nghe lời có xu hướng nhát gan, luôn nhượng bộ khi lớn lên. Ảnh minh họa

3. Trẻ trở nên "bình thường"

"Bạn có muốn con mình trở nên khác biệt?", "Bạn có muốn con mình vượt trội?", "Bạn có muốn con mình trở nên xuất sắc trong học tập cũng như trong cuộc sống?". Tất nhiên câu trả lời của các bậc phụ huynh là "có" và họ sẽ tìm mọi cách để con trở nên ưu tú. Những đứa trẻ nghe lời theo kiểu bị bó buộc khó có thể thành công vì chúng cho rằng, chỉ phép tắc mới là điều nên làm.

Trong thời đại ngày nay, những đứa trẻ dám đổi mới, dám bứt phá sẽ luôn tiến lên phía trước. Còn những đứa trẻ bình thường, ngại thay đổi sẽ an phận lùi về phía sau. Thoáng qua, chúng ta thấy rằng trẻ ngoan ngoãn, nghe lời sẽ khiến cha mẹ hài lòng, yên tâm. Nhưng thật ra, trẻ nghe lời răm rắp sẽ giống như một con rối, mai này lớn lên "đặt đâu ngồi đấy" khiến cha mẹ phiền lòng.

CÁCH GIÚP TRẺ TRỞ VỀ CON NGƯỜI THẬT CỦA MÌNH

1. Giúp trẻ mạnh dạn nói "không"

Liệu con bạn có dũng cảm nói lời từ chối với cha mẹ, với mọi người xung quanh không? Hãy để trẻ dũng cảm nói "không". Hãy để trẻ bộc lộ những suy nghĩ một cách thật lòng, thực hiện những điều bản thân yêu thích. Đó là sự tôn trọng dành cho trẻ mà cha mẹ nên làm. Chỉ khi trẻ dũng cảm từ chối trước mặt cha mẹ mới dám từ chối người khác.

Từ chối là cách để trẻ bảo vệ bản thân trước mọi sóng gió cuộc đời. Từ chối giúp trẻ không còn cảm thấy sợ hãi, không bị người khác điều khiển, dám sống thật với chính mình mà không cần tô vẽ gì thêm.

Cha mẹ đừng vội mừng khi con nghe lời răm rắp: Thất bại lớn, hãy dạy con cách nói "KHÔNG" - Ảnh 3.

Cha mẹ cần dạy con nói "không" trước một số tình huống. Ảnh minh họa

2. Chấp nhận những sai lầm của trẻ

Chấp nhận những sai lầm của trẻ sẽ giúp trẻ tiến bộ trông thấy. Nếu trẻ mắc lỗi mà cha mẹ thiếu kiên nhẫn, luôn nổi nóng sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè, lo sợ.

Chẳng hạn như khi con làm đổ nước canh ra quần áo, có 2 kiểu cha mẹ xuất hiện. Người có thái độ tiêu cực sẽ quát mắng, trách móc: "Sao con hậu đậu thế, làm việc gì cũng không nên hồn. Việc đơn giản làm không xong thì sao làm được việc lớn". Còn người có thái độ tích cực sẽ ứng xử khác: "Con có sao không, có bị bỏng tay chân không? Lần sau con chú ý cẩn thận nhé! Hãy lót khăn vào bát để đỡ nóng, bưng bằng 2 tay và đặt nhẹ nhàng xuống bàn".

Cha mẹ tích cực cho phép con mắc lỗi, giúp con nhìn thấy sai lầm và đưa ra phương pháp hữu ích để không tái phạm.

Cha mẹ đừng vội mừng khi con nghe lời răm rắp: Thất bại lớn, hãy dạy con cách nói "KHÔNG" - Ảnh 4.

Cha mẹ nên bình tĩnh, nhẹ nhàng trước những lỗi lầm của con. Ảnh minh họa

3. Luôn luôn khuyến khích trẻ

Khuyến khích con bằng những lời động viên sẽ giúp con tự tin hơn rất nhiều. Một số cha mẹ nghiêm khắc hiếm khi khuyến khích con. Họ cảm thấy con cần tự lập, không cần lời khích lệ nên họ phớt lờ mọi chuyện xung quanh con. Theo thời gian, trẻ rơi vào thụ động, im lặng nghe theo hoặc có thể nổi loạn.

Động viên, khích lệ là điều cần thiết cho trẻ trong quá trình trưởng thành. Điều này khiến trẻ cảm thấy tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ dành cho mình. Và trẻ sẽ muốn đền đáp công ơn ấy bằng những hành động thiết thực.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn