Cha mẹ giúp con bỏ dần 6 thói quen xấu gây hại sức khỏe

21:06 | 31/07/2020;
Cắn móng tay, ngoáy mũi, nhổ tóc… là một số thói quen xấu mà trẻ có xu hướng dễ mắc từ khi còn nhỏ. Dưới đây là những cách đơn giản phụ huynh nên tham khảo để giúp trẻ khắc phục.

Một số thói quen xấu của trẻ khiến nhiều phụ huynh khó chịu. Nhất là khi thói quen xấu như cắn móng tay, ngoáy mũi, mút ngón tay… đi kèm với nỗi lo lắng về vệ sinh, gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ, đặc biệt trong mùa dịch. Song, điều quan trọng phụ huynh cần nhớ là sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng nhắc nhở khi cố gắng giúp trẻ gỡ bỏ dần thói quen xấu.

Khắc phục 6 thói quen xấu gây hại sức khỏe của trẻ - Ảnh 1.

Bố mẹ hãy dành thời gian để hướng dẫn trẻ cách chăm sóc, giữ sạch móng tay và luôn cắt tỉa gọn gàng. (Ảnh minh họa)

Cắn móng tay

Khi buồn chán, căng thẳng hoặc khi mải xem tivi, đọc sách, trẻ dễ có thói quen cắn móng tay. Hoặc đơn giản trẻ cắn móng tay vì móng bị gãy, bị khô.

Thói quen này khiến trẻ dễ bị vi khuẩn, vi trùng "tấn công". Và việc cắn móng tay liên tục có thể dẫn đến chảy máu, viêm da quanh móng, gây nhiễm trùng.

Phụ huynh không nên nói với trẻ rằng thói quen đó thật bẩn, khó coi… Hãy thường xuyên nhắc trẻ không cắn móng. Bố mẹ hãy dành thời gian để hướng dẫn trẻ cách chăm sóc móng, bao gồm cả việc giữ ẩm cho móng mỗi ngày. Chú ý giúp trẻ giữ sạch móng tay và luôn cắt tỉa gọn gàng. Thậm chí, thời gian đầu, bố mẹ có thể dùng những miếng dán y tế để che những móng đã bị trẻ cắn quá cụt, tránh tổn thương.

Mút ngón tay

Thói quen này khá phổ biến ở nhiều trẻ nhỏ. Giống như các thói quen khác, mút ngón tay cũng có thể do trẻ buồn chán hoặc vì nó khiến trẻ dễ ngủ hơn.

Ngoài việc gây hại cho ngón tay như bị mòn vẹt, biến dạng, còn nhiều mối lo lắng khác về sức khỏe khi thói quen này của trẻ kéo dài. Chúng ảnh hưởng xấu đến răng miệng và việc mọc răng ở trẻ nhỏ. Mút ngón tay khi chưa vệ sinh sạch sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Thậm chí trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, có xu hướng trở nên bướng bỉnh hơn trẻ khác.

Nếu trẻ còn nhỏ, đang bú, bố mẹ nên sử dụng ti giả, đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ vào việc khác, đeo găng tay, bôi thực phẩm có vị đắng lên ngón tay trẻ… Với những trẻ lớn hơn, bố mẹ nên nhắc nhở, dành thời gian và quan tâm đến trẻ, động viên, chia sẻ với nỗi lo lắng của trẻ. Bố mẹ nên quy định thời gian và có phần thưởng nếu trẻ bỏ được thói quen xấu này.

Thói quen ngoáy mũi, nhất là khi tay trẻ không được vệ sinh sạch, sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào bên trong mũi, gây hại cho sức khỏe.

Ngoáy mũi

Là thói quen xấu phổ biến ở nhiều trẻ. Phụ huynh cần phải dạy trẻ rằng việc ngoáy mũi nơi công cộng là không lịch sự. Hướng dẫn trẻ sử dụng khăn giấy và sau đó vứt bỏ vào thùng rác.

Liên tục ngoáy mũi có thể tăng nguy cơ chảy máu mũi. Đặc biệt, nếu tay không được vệ sinh sạch, sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào bên trong mũi, gây hại cho sức khỏe.

Phụ huynh không nên chỉ trích thói quen này của trẻ, nhất là chỗ đông người. Việc làm đó dễ làm trẻ khó chịu, cố tình chống đối. Thường xuyên nhẹ nhàng nhắc nhở trẻ. Trường hợp trẻ bị đau mũi, tổn thương, cần phải vệ sinh mũi thật sạch và thoa thuốc cẩn thận.

Liếm môi

Môi khô và nứt nẻ có thể là nguyên nhân khiến trẻ liếm môi để làm ẩm hoặc bóc những lớp da bị bong.

Thói quen này kéo dài có thể gây đau, chảy máu. Môi của trẻ dễ bị đỏ và lớp da liên tục bong chóc.

Lúc này, phụ huynh không nên chê bai tình trạng môi của trẻ, vì dễ khiến chúng thêm khó chịu, căng thẳng. Hãy thường xuyên nhắc trẻ uống đủ lượng nước cần thiết giúp tăng cường độ ẩm cho môi. Cung cấp cho trẻ một loại son dưỡng môi với những thành an toàn, để sử dụng hàng ngày. Nếu trẻ còn quá nhỏ, bố mẹ có thể sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như dầu dừa, mật ong trước khi đi ngủ.

Khắc phục 6 thói quen xấu gây hại sức khỏe của trẻ - Ảnh 2.

Khi thấy trẻ có thói quen nhổ tóc, phụ huynh cần nhắc ngay và cần phải kiên trì nhắc nhở. (Ảnh minh họa)

Nhổ tóc

Nếu do thói quen, trẻ nhổ tóc vô thức khi bị căng thẳng. Khi thấy, phụ huynh nên nhắc trẻ ngay. Nói cho trẻ biết đó là một tật xấu cần phải bỏ. Việc nhắc nhở của phụ huynh cần phải kiên trì, liên tục. Với những trẻ nhổ tóc do thói quen lâu ngày, cần cho trẻ đi khám da liễu, nếu bị ngứa cần phải có thuốc trị. Bố mẹ cũng nên cắt tóc ngắn, gọn gàng cho trẻ.

Nếu nhổ tóc do bệnh lý khác có thể bị lo âu, trầm cảm và nhổ tóc mới khiến trẻ thấy dễ chịu. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ có tư vấn cụ thể.

Nghiến răng

Thường xuất hiện khi trẻ đang ngủ và rất có thể sẽ tiếp tục đến khi trẻ lớn. Trẻ có thói quen nghiến răng thường tác động nhiều vào hàm. Điều này có thể gây đau đầu, hại răng hoặc gây đau nhức hàm, đau tai.

Nếu thấy trẻ nghiến răng, phụ huynh có thể đánh thức hoặc lay nhẹ trẻ dậy. Lúc này, trẻ có thể tỉnh nhưng không hoàn toàn trong giây lát và quên đi việc nghiến răng. Bố mẹ nên cho trẻ đi khám nha khoa định kỳ và chăm sóc răng miệng tại nhà để hạn chế những hư hại cho răng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn