Nhiều cha mẹ đang thương con không đúng cách, chiều con vô tội vạ. Ảnh minh họa: internet. |
Bé 1-2 tuổi không chịu đánh răng, dụ mấy cũng không được, thế là cha mẹ đành để đó, vì con không thích. Kệ cho miệng con hôi rình, răng bị sâu, bị hư.
Bé 2-3 tuổi, nghiền sữa, uống sữa thay thức ăn. Dù cân nặng tốt nhưng nhợt nhạt, nhìn là biết thiếu máu thiếu sắt, bởi tuổi này cần ăn hơn cần sữa. Dù được cảnh báo nhưng thấy con khóc, con ọe khi bị bắt ăn cơm, thấy thương con, xót con, tội con, nên thôi...
Bé 3-4 tuổi, ngậm núm vú giả như vật bất ly thân. Hơi khó ở - ngậm ti giả. Hơi buồn ngủ - ngậm ti giả. Ốm - ngậm ti giả. Ra ngoài đường gặp người lạ - ngậm ti giả. Nhiều khi con “luyện” cho ba mẹ, chỉ cần thấy con “ra dấu” là dâng ti giả liền tay. Sau 2 tuổi, bé ngậm ti giả nhiều không tốt, ảnh hưởng đến răng, chưa kể tăng nguy cơ viêm mũi họng, viêm tai giữa. Nghe bác sĩ nói thế, ba mẹ gật gù, sau đó lại nói, em có thử được 1 ngày rồi, nhưng mà nó khóc đòi tội quá, thôi, em cứ cho thêm vài tháng nữa, sau đó thì tính nhé!
Bé 7-8 tuổi mê đồ ngọt, ăn bao nhiêu cũng được. Uống sinh tố phải một ly to/ngày. Ăn kẹo là phải cả chục cái. Ăn bánh thì là một lần “quất” một cái bánh gatô to. Ăn chocolate thì thanh này thanh kia. Nói ba mẹ phải kiểm soát chế độ ăn của con. Bé béo phì rồi, sẽ tăng nguy cơ hen suyễn, tiểu đường, dậy thì sớm, bệnh tim mạch, cao huyết áp... Người nhà đồng thanh: Dạ cũng biết bác sĩ ơi, mà giảm ăn nhìn nó đói, nó thèm, tội nghiệp nó quá, sao ngưng cho nó ăn được?
Bé 11 tuổi, chơi game, vào internet, chat facebook với bạn bè mải mê mà không buồn nói chuyện với ba với mẹ. Con thức đêm đến 1-2 giờ sáng vì bận chơi vi tính. Khuyên ba mẹ phải kiểm soát, vì con thiếu ngủ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Hơn nữa, ba mẹ cũng không kiểm soát được. Thì... bác sĩ ơi, nguyên ngày nó học mệt rồi, bây giờ cắt giải trí của nó thì tội nó quá!
Ảnh minh họa: Internet |
Bé 15 tuổi bắt đầu biết rung động, đi chơi mặc đồ hở hang, quần soóc ngắn cũn cỡn, áo hở ngực, bạn trai bạn gái nắm tay sờ chân tự do. Ba mẹ tặc lưỡi... thôi kệ, tụi nhỏ bây giờ hiện đại nên khác mình, miễn chưa sao là được?!
Vậy khi con bạn 16 tuổi, bạn của con tặng thuốc trắng hít phê lòi. Con bạn thử một lần thấy thích, lần hai lần ba thấy bay bổng, thêm vài lần nữa, con bạn nghiện... Lúc này bạn có thương con, tội nghiệp con như trước, mà chìa tiền cho con bạn mua thêm mấy gói một tuần để đủ phê không?....
Nghĩ lại đi ba mẹ ạ! Những gì biết không tốt, nên từ chối. Những thói quen biết không khỏe mạnh, nên thẳng thắn khước từ. Những gì sẽ gây hậu quả cho hôm nay và mai sau, nên cứng lòng uốn nắn!
Trẻ sâu răng nhiều, không ăn được vì đau...
Trẻ thiếu máu, thiếu sắt sẽ không phát triển tốt, nhất là về trí não...
Trẻ viêm tai giữa nhiều lần, sẽ có khi cần phẫu thuật...
Trẻ bị lệch răng, sẽ có thể cần chỉnh nha...
Trẻ béo phì ăn ngọt, sẽ có thể trở thành tiểu đường cần chích insulin suốt đời, hoặc bị tim mạch sớm, hoặc bị nội tiết, cần điều trị dài hơi, đau đớn...
Trẻ không ngủ đủ, dễ nổi loạn, dễ trầm cảm hơn...
Trẻ buông thả quá, bữa nào vác bụng bầu về nhà nếu là con gái, hoặc thông báo ba mẹ sắp có cháu nếu là nam, hoặc dấm dúi dắt nhau đi nạo phá để lại di chứng lâu dài...
Ảnh hưởng không chỉ đến con, mà còn đến cả gia đình...
Trẻ 16 tuổi phê thuốc, chắc chắn cả dòng họ xôn xao, ba mẹ lo lắng khóc lóc tột cùng... Nhưng, nếu cai tốt vài ba tháng, là có thể xong xuôi cả... Đâu lâu dài biến chứng tùm lum như những thứ kể trên....
Vậy sao phê thuốc lại được lo, còn những thứ kia thì không được?
Đúng là, những gì thấy ngay trước mắt, thì lo nhất nhất... Những thứ gì không thấy rõ, chỉ là “nguy cơ”, thì thật là lành tính và thong thả... Phải chăng lỗi ở ba mẹ?
Thương nên sáng suốt! Tội nghiệp nên đúng chỗ! Ba mẹ nhớ nha!