Cha mẹ là điểm tựa vững chắc đồng hành cùng con tự kỷ

06:14 | 26/07/2018;
Khi bạn có con mang chứng tự kỷ, cuộc sống hạnh phúc, hôn nhân gia đình sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trên thực tế, rất hiếm trẻ tự kỷ may mắn có đủ cả cha, mẹ. Để trẻ tự kỷ hòa nhâp cuộc sống tốt hơn, cha mẹ hãy là điểm tựa vững chắc đồng hành cùng con tự kỷ trên bước đường đời rất dài phía trước.

Nhiều mẹ có con tự kỷ cảm thấy đơn độc trên hành trình chữa trị cho con

Trên một diễn đàn dành cho trẻ tự kỷ mới đây, tâm sự chứa đầy nước mắt của rất nhiều mẹ có con tự kỷ cho thấy cần có sự đồng lòng, sẻ chia và cảm thông nhiều hơn với các mẹ không may có con tự kỷ. Những bất ổn trong gia đình có con tự kỷ hiện vẫn còn rất nhiều, với nhiều nguyên nhân.

Mẹ Trần Thị Hoài, ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) nghẹn ngào tâm sự: “Lần thứ 2 trong đời, em cảm thấy cô đơn lạc lõng đến đáng sợ. Hai mẹ con đưa nhau đi lang thang ngoài đường trời lất phất mưa, mà em không ngăn được nước mắt. Lần thứ nhất là vợ chồng ly hôn, con em mới tròn 1 tuổi, 2 mẹ con đưa nhau đi thuê nhà giữa đêm, không có người thân bên cạnh, số tiền cầm theo cũng dần cạn kiệt .

Còn lần thứ 2 này là khi cô giúp việc bảo tìm người khác, cô ấy không làm nữa. Cô giúp việc này ở với 2 mẹ con từ khi vợ chồng em ly hôn, đến nay cũng được hơn 3 năm”.

Hoài cho biết, lúc này, cô rất sợ sự thay đổi, sợ xáo trộn cuộc sống, sợ người lạ đến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con trai tự kỷ. Hoài cũng thừa nhận: “Chăm một đứa con vừa bại não, vừa tự kỷ như con em rất vất vả. Chính vì vậy, em cũng cố đi làm thêm để đủ tiền tăng lương dần cho cô giúp việc và đối xử với cô như mẹ mình. Lương của cô giúp việc từ 3,5 triệu đồng/tháng, tăng dần lên 4 triệu đồng, rồi 4,5 triệu đồng, bây giờ là 6 triệu đồng gần 2 năm nay. Giờ cô ấy đòi tăng thêm nữa mới làm, không thì nghỉ luôn”. 

tre-tu-ky1.jpg
Trẻ tự kỷ rất cần sự quan tâm, thấu hiểu của gia đình, ông bà, cha mẹ
(Ảnh minh hoạ)

Nhìn con khóc đòi theo cô giúp việc mà Hoài xót ruột, nhưng số lương ấy cho cô giúp việc đã là gần nửa tháng lương mà Hoài kiếm được hàng tháng rồi. Hoài chia sẻ: “Em buồn lắm các mẹ ạ, giờ chồng không có, em thấy mình cô đơn kinh khủng. Em phải đi làm để lo cuộc sống của 2 mẹ con, không thể gửi cháu đi lớp được, vì bệnh của cháu cũng nặng. Nếu cho đi lớp, con em không biết gì cả, ăn thì cơm cũng phải xay nhuyễn, phải bón và con nuốt chửng không nhai. Uống nước cũng vậy, con không có nhu cầu gì, đến giờ thì cho con ăn uống thôi. Con không nói được và không hiểu mệnh lệnh gì hết.

Chị Bùi Liên chia sẻ: “Hoàn cảnh nhà mình thê thảm hơn, vì gia đình chồng gây áp lực, buộc mình phải nghỉ việc 2 năm nay để chăm con. Không việc làm, không có tiền. Chồng thờ ơ, không đưa đồng nào nuôi con. Mình làm đủ thứ việc để kiếm tiền, rồi không may rơi vào vòng lao lý. Nhiều lúc muốn kết thúc cuộc sống để không phải đau khổ, nhưng thương con không có mẹ sẽ thê thảm cỡ nào. Vậy mình phải đứng lên bước tiếp. Giờ mọi chuyện cũng qua với sự yêu thương, giúp đỡ của bạn bè. Lúc khó khăn tuyệt vọng nhất thì chồng bỏ mặc 2 mẹ con. Giờ con học lớp 4 tuy không lanh lẹ bằng bạn, nhưng với mình, con đã tuyệt vời lắm rồi”.

Cha mẹ hãy là điểm tựa vững chắc đồng hành cùng con tự kỷ 

Chia sẻ những vấn đề này, anh Andy Trung, Giám đốc Vietnam Therapeutic Riding Center - Tiếng Nói Tự Kỷ Việt Nam đồng cảm, cho rằng: Khi bạn có con mang chứng tự kỷ, cuộc sống hạnh phúc, hôn nhân gia đình sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thời gian, tiền bạc và nhu cầu cuộc sống đều dành cho đứa con mang chứng tự kỷ. Sẽ là may mắn nếu hai vợ chồng đồng sức, đồng lòng vì con. Nhưng sẽ là đau khổ nếu một trong hai bố hoặc mẹ không thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ nỗi khó khăn này của con trong gia đình.

Ngoài ra, sự nhận thức về chứng tự kỷ trong gia đình như ông bà, vợ chồng, người thân và đồng nghiệp là yếu tố rất quan trọng trong quan hệ vợ chồng khi có con mang chứng tự kỷ. Việc nghe từ một phía hay những thông tin, kiến thức chưa đầy đủ, thiếu chính xác về Hội chứng tự kỷ của con, dân đến cuộc sống hạnh phúc dễ bị tan vỡ. Các cuộc cãi cã, nghi ngờ, xung đột, đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân đứa con mang chứng tự kỷ lại càng trở nên nặng nề. Điều đó dễ dẫn đến xung đột và không ít cặp vợ chồng đã chia tay trong hôn nhân vì có đứa con tự kỷ.

Hầu hết các bà mẹ đơn thân có con mang chứng tự kỷ đang phải gồng mình lên trong cuộc chiến cứu con. Với thiên chức làm mẹ, họ sống tất cả vì con. Kể cả đứa con suốt đời với tên gọi là “Tự Kỷ”. Trong cuộc chiến này, bóng dáng người đàn ông nhòa đi rất nhiều. Sự cảm thông hay nhẫn nhịn thường không thể bằng được phụ nữ. Điều đó lại rất quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, can thiệp và hòa nhập cuộc sống của Trẻ Tự Kỷ với cộng đồng.

Với tư cách là người sáng lập Dự án Tiếng nói tự kỷ Việt Nam, tôi mong muốn gia đình tự kỷ Việt Nam đồng lòng để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Các bậc cha mẹ hãy chia sẻ và nâng cao nhận thức của xã hội về Hội Chứng Tự Kỷ tại Việt Nam, để là cha mẹ là điểm tựa vững chắc đồng hành cùng con tự kỷ trên bước đường đời còn rất dài phía trước./.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn