Cha, mẹ làm ăn xa: Nhiều mối nguy bủa vây con trẻ

13:28 | 02/07/2020;
Tình trạng những người trẻ rời bỏ quê hương đi làm ăn xa không chỉ dẫn đến những bất cập trong vấn đề lao động ở địa phương mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Việc những đứa trẻ phải sống xa cha mẹ không chỉ thiếu đi sự chăm sóc, dạy dỗ trực tiếp và còn đối mặt với những nguy cơ từ bên ngoài.

Thiếu thốn tình cảm

Tại tỉnh Sóc Trăng, tình trạng nhiều xóm làng chỉ còn đa phần người già và trẻ nhỏ đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt trong những năm qua khiến cho số lao động rời bỏ quê hương để đến các tỉnh, thành phố như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... làm việc ngày càng nhiều. Đa phần những người này làm việc tại các khu công nghiệp, số còn lại tìm các công việc tự do khác như bốc vác, thợ hồ ở các công trình xây dựng, giúp việc...Tại nhiều huyện như Long Phú, Trần Đề, Vĩnh Châu... thuộc tỉnh Sóc Trăng, có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những căn nhà khóa trái cửa im ỉm, lu nước cạn trơ đáy, cuốc xẻng nằm chỏng chơ vì đã lâu không có người dùng sử dụng.

"Tôi đâu thể sát sao, kèm cặp các cháu như cha mẹ chúng được. Tôi nghĩ nếu ở địa phương có việc làm, cha mẹ chúng về đây có công việc ổn định, có thời gian chăm sóc con thì tốt nhất. Chứ giờ cứ như vậy, chúng nó lỡ có hư hỏng, mình nhiều khi cũng không biết được".

Thạch Thị Hoa, 56 tuổi, ngụ xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, Sóc Trăng

Trong căn nhà trống hoác ở xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), nhiều năm qua, bà Châu Thị Mến (65 tuổi) vẫn một mình gồng gánh chăm lo cho hai đứa cháu là Trần Thị Tuyết (học lớp 8) và Trần Văn Sang (học lớp 6). Bà Mến cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở quê không có việc làm nên cha mẹ hai đứa nhỏ phải lên Bình Dương làm công nhân cho một công ty giày da kiếm sống. "Hàng tháng, cha mẹ bọn trẻ cũng gửi về một khoản tiền nhỏ để nuôi hai đứa. Nếu có công việc quan trọng hoặc vào dịp lễ Tết thì cha mẹ bọn trẻ mới về được. Tôi cũng già rồi, chẳng chỉ dạy được gì cho chúng trong việc học hành. Hai chị em chúng nó chỉ dạy cho nhau. Tôi cũng bảo chúng nó là cha mẹ đi làm xa, thương cha mẹ thì phải ngoan, lo học hành cho tốt", bà Mến tâm sự.

14 tuổi - Tuyết cũng đã hiểu được những thiệt thòi khi mà hai chị em phải ở với bà, không có được sự chăm sóc, chỉ bảo của cha mẹ. Khi có những thắc mắc, suy nghĩ trong cuộc sống, Tuyết cũng không biết chia sẻ cũng ai, bởi những điều đó thường chỉ có cha mẹ mới có thể tâm sự được. "Biết cha mẹ đi làm ăn xa là vì cuộc sống khó khăn nhưng nhiều lúc cũng buồn chứ. Cha mẹ cũng ít gọi điện về lắm", Tuyết ngập ngừng nói.

Cha, mẹ làm ăn xa: Nhiều mối nguy bủa vây con trẻ - Ảnh 2.

Trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ khi cha mẹ đi làm ăn xa

Nhiều mối nguy bủa vây

Ở xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), việc người dân rời bỏ quê hương để đi kiếm việc làm ở các thành phố lớn đang là vấn đề xã hội nổi cộm. Ở nhiều ấp, nhiều gia đình chỉ có người già và trẻ em tự chăm sóc lẫn nhau. Những đứa trẻ vì thế cũng rất dễ trở thành "miếng mồi" của các tệ nạn xã hội khi thiếu sự chăm sóc, quản lý của cha mẹ. Ông Lê Trường Hận, Ban Công tác Mặt trận Khóm 6 (phường 9, TP.Sóc Trăng) cho biết, ở góc độ gia đình, khi người dân rời quê hương đi làm kinh tế ở nơi khác sẽ giúp cho gia đình có thêm thu nhập. Thế nhưng, ở góc độ khác, việc hầu hết các em nhỏ phải sống xa cha mẹ, thiếu sự quan tâm chăm sóc nên không nhận thức được đầy đủ vai trò của việc học tập, bị cám dỗ. "Chắc chắn sẽ có nhiều trẻ không chuyên tâm vào việc học hành. Đó là chưa kể các em sống trong môi trường thiếu tình thương rất dễ dẫn đến việc mắc nhiều lỗi lầm, nếu không được giáo dục tốt kết hợp cả gia đình và nhà trường thì dễ gây ra nhiều hệ lụy", ông Hận nhấn mạnh.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức giáo dục kiến thức tiền hôn nhân cho nữ thanh thiếu niên; thành lập câu lạc bộ tiền hôn nhân nhằm phổ cập kiến thức, tư vấn về đời sống gia đình, giúp các em trang bị những kiến thức đời sống cần thiết. Ngoài ra, cũng đã tập trung truyền thông phòng chống xâm hại tình dục trẻ em để giúp các em có đầy đủ kiến thức để bảo vệ bản thân trước những cạm bẫy trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Huệ Chi

Bà Nguyễn Thị Huệ Chi - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng - cho hay, tình trạng người lao động trên địa bàn rời quê hương đi làm xa đã diễn ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế của tỉnh chưa phát triển thì tình trạng này vẫn đang tiếp tục diễn ra. "Việc cha mẹ đi làm xa, không có thời để gần gũi chăm sóc các con sẽ dẫn đến việc các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Không có cha mẹ bên cạnh, các em cũng không thể chia sẻ, tâm sự được nhiều cuộc sống hằng ngày, ảnh hưởng đến việc phát triển tâm sinh lý của trẻ. Nghiêm trọng hơn, các em còn có thể phải đối mặt với vấn đề có những lối sống tiêu cực, thậm chí rất dễ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục", bà Chi chia sẻ.

Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian qua, Hội cũng đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần hạn chế tối đa những hệ lụy của việc người lao động ly hương. Trong đó, các cấp Hội đã trực tiếp xuống động viên người dân, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần trong điều kiện có thể.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn