Cha mẹ nên đưa con đi khám ngay nếu con nghịch và hiếu động thái quá

07:02 | 08/05/2019;
“Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ gặp phải các vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ”, bác sĩ Lê Công Thiện chia sẻ.

Ngày 7/5, bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi (Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai) cho biết, thời gian qua, Viện đã điều trị cho nhiều trẻ bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Theo đó, hầu hết các trẻ đến khám và điều trị có biểu hiện không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát, tăng hoạt động, đặc biệt là tại lớp học.

Theo bác sĩ Lê Công Thiện, rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tại Việt Nam, trong số 1.320 trẻ được nghiên cứu, tỷ lệ trẻ có vấn đề về chú ý chiếm khoảng 4%. Bệnh thường khởi phát sớm, từ trước khi trẻ lên 7 tuổi, trong đó bé trai mắc nhiều hơn bé gái.

84351985.jpg
Trẻ nghịch thái quá, cha mẹ cần đưa con đi khám để xác định có phải bị bệnh không

 

Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý có biểu hiện như thiếu kiên trì trong các hoạt động đòi hỏi sự tham gia của nhận thức; dễ xung động, cảm xúc, ví dụ như cô giáo chưa hỏi hết câu hỏi trẻ đã trả lời, hoặc nói quá nhiều, khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hàng ngày.

Những biểu hiện của trẻ tăng động luôn ở mức độ thái quá, chỉ thích làm theo ý mình mà không quan tâm tới thế giới bên ngoài. Trẻ nói nhiều, hay ngắt lời người khác nhưng lại khó diễn đạt về ngôn ngữ. Hay leo trèo, chạy nhảy và cảm thấy khó chịu khi phải ngồi yên. Trong mọi việc, trẻ thường hấp tấp, thiếu suy nghĩ và không chịu chờ đến lượt.

Những nỗ lực của cha mẹ và thầy cô gần như vô ích, bởi trẻ nhìn thấy sách vở là phớt lờ, mọi chữ nghĩa như nhảy múa trong đầu, nghe giáo viên giảng bài mà luôn nghĩ đến đồ chơi, không tập trung chú ý và chậm tiếp thu. Đến những thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng hay quên và thường bị thất lạc đồ chơi, dụng cụ học tập do để lung tung...

59651840_362456797732294_5730228315579482112_n.jpg
Các bác sĩ Viện sức khỏe tâm thần tư vấn cho bệnh nhân

 

Bác sĩ Thiện cũng cho rằng, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ gặp phải các vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, có nhiều nguyên nhân gây nên rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ như: di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường sống. Vì thế, việc phát hiện sớm, điều trị sớm, can thiệp đúng cách có vai trò quan trọng trong cải thiện, hồi phục chức năng cho trẻ mắc bệnh.

“Khi trẻ có biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý, cha mẹ và nhà trường nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để được khám, đánh giá chính xác và tư vấn, can thiệp điều trị kịp thời”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Theo các chuyên gia, điều trị chứng tăng động rất ít khi dùng tới thuốc bởi nguy cơ về tác dụng phụ còn cao hơn lợi ích mang lại. Thay vào đó, cha mẹ hãy kiên trì và dành nhiều thời gian giúp con sớm điều chỉnh hành vi. Khi muốn con làm một việc gì đó, phụ huynh hãy hướng dẫn thật chi tiết, dễ hiểu theo từng bước và có thưởng phạt hợp lý. Cùng con học và tham gia các trò chơi vận động để tăng sự tập trung. Chế độ ăn nên tăng cường trứng, sữa, thịt, cá sẽ tốt hơn những đồ ăn ngọt, thực phẩm chế biến sẵn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn