Nhiều cha mẹ Việt áp đặt các biện pháp hà khắc để con được bằng "con người ta", nhưng cha mẹ Nhật lại đề cao việc dạy con tự lập thay vì áp đặt.
3 bài học dành cho trẻ em Nhật, được chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng tập Tomato childern’s Home chia sẻ với hàng trăm phụ huynh tại Hội thảo "Trẻ em Nhật được dạy sống tử tế như thế nào?" do NXB Phụ nữ tổ chức.
Thứ nhất, nếu những việc làm của mình gây phiền phức hay ảnh hưởng tới người khác thì đó là điều đáng xấu hổ. Những mẩu chuyện về trách nhiệm của trẻ em Nhật Bản khiến cha mẹ Việt phải suy nghĩ lại về cách dạy con của mình. Một ngày các em bé Nhật Bản tới trường, trong cặp đồ dùng của các em được chuẩn bị chu đáo: Từ khăn ăn, đũa muỗng,… Vì tới trường không có ai để phục vụ, các con tự ăn, tự phục vụ lẫn nhau, tự dọn bàn ăn, trải khăn ăn. Ăn xong, thu xếp khay ăn và mọi thứ vào chỗ cũ, sau đó cúi đầu cảm ơn các cô chú và nhân viên nhà bếp đã giúp mình có bữa ăn ngon.
Giáo dục về ăn uống là điều tất yếu trẻ em Nhật nào cũng cần học (Nguồn: cbc.ca) |
Thứ hai, người Nhật tin rằng, con người bên cạnh sự phát triển của bản thân thì luôn cần tương tác với xã hội và nâng cao ý thức cộng đồng. Chúng ta đều nhớ đến câu chuyện trong sự kiện Sóng Thần, nước Nhật bị tàn phá, nhưng trong thời điểm khó khăn, thức ăn khan hiếm mà họ vẫn xếp hàng nhận lương thực viện trợ mà không hề tranh giành với nhau. Có những em bé dù được nhường vị trí xếp hàng trước nhưng vẫn từ chối đứng đợi tới lượt mình.
Chị Uyên Phương chia sẻ, trong lần tới Nhật, một người bạn của chị để quên chiếc điện thoại trên tàu điện ngầm. Chiếc điện thoại nằm trên ghế, đi từ ga đầu đến ga cuối và vòng lại mà vẫn còn nguyên tại vị trí đó. Ý thức của họ cho thấy việc sống tử tế trong cộng đồng, tử tế với nhau vô cùng quan trọng.
"Coi trọng nhìn nhận ưu điểm của trẻ và khuyến khích con" là một trong những đặc trưng của giáo dục Nhật (Nguồn: japanschoolnews.com) |
Thứ ba, đặc trưng của giáo dục theo phương pháp Nhật Bản là coi trọng nhìn nhận ưu điểm của trẻ và khuyến khích ưu điểm của con thay vì nhìn những điểm chưa tốt để trách móc. Chị Uyên Phương ấn tượng với bộ phim với câu khẩu hiệu “Cố lên Chiaki!”. Trước kia chị thấy kỳ lạ khi lúc nào mọi người cũng động viên nhau cố gắng. Sau này chị đọc nhiều, đi nhiều và thấy rằng người Nhật ít khi nào dạy con theo kiểu chê bai hay "thương cho roi cho vọt" hay có ý nghĩ chê con để con thấy xấu hổ mà tiến bộ. Người Nhật nhìn vào điểm tốt nhất của con để kịp thời động viên con.
Vậy cha mẹ sẽ rèn con tự lập bằng phương pháp hà khắc hay nhẹ nhàng? Chuyên gia Uyên Phương kể về câu chuyện của một cậu bé Việt Nam 1 tuổi được mẹ rèn cho ngủ riêng. Mẹ để bé vào một phòng riêng, đêm dậy không thấy mẹ, bé khóc rất dữ dội. Bé càng khóc, mẹ càng trốn vào một phòng khác. Bé đi quanh trong nhà tìm mẹ, bé chỉ thấy đôi dép của mẹ ở nhà, nhưng không thấy mẹ đâu. Sau đó trở đi bé cực kỳ sợ hãi. Đó là hệ lụy khi cha mẹ không hiểu con mình. Chúng ta thấy cảnh trẻ em Nhật cởi trần chạy giữa trời tuyết, nhiều người sẽ nghĩ "kiểu Nhật là hà khắc". Kỳ thực không phải vậy, tùy từng tình huống, tùy hoàn cảnh. Muốn áp gì lên con, phải hiểu con trước đã.
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có nhu cầu tự lập, đó là nhu cầu tất yếu của con người mà không cần phải dạy. Song trẻ chỉ có nhu cầu tự lập khi trẻ yên tâm rằng mình được yêu thương đủ đầy. Nếu trẻ sợ mất ba, mất mẹ và bất an thì không thể tự lập.
Chuyên gia Nguyễn Thúy Uyên Phương lưu ý trong 3 năm đầu đời, cha mẹ hết sức cẩn trọng trong việc áp đặt biện pháp kỷ luật thép với con. Phải luôn chắc rằng con được yêu thương đủ đầy. Tức là, hãy dành thời gian để gần gũi, chia sẻ, trò chuyện với con thay vì hà khắc, bắt phạt. Đó cũng chính là cách thức giáo dục mà cha mẹ Nhật đang thực hiện một cách vô cùng hiệu quả.