Chị Nguyễn Hải Đông (Khu đô thị Việt Hưng, Gia Lâm, Hà Nội) có con đồng tính 18 tuổi. Chị cho biết: “Khi con gái tôi nói cháu chỉ thích con gái và có bạn gái, tôi đã không thể nói hay có bất kỳ phản ứng gì, kể cả là khóc. Tôi chỉ im lặng. Vài tuần sau khi biết chuyện, tôi lặng lẽ dắt con đi đến bệnh viện chuyên khoa về thần kinh để thăm khám. Tại đây, tôi nhận được tư vấn là cháu nó hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì về thần kinh. Vấn đề của cháu không liên quan gì đến việc chữa trị… Trở về, một mặt tôi hiểu rằng những gì đang diễn ra với con là rất khó thay đổi, là mình chỉ còn cách duy nhất là chấp nhận. Điều đó thể hiện ở việc tôi vẫn im lặng, không chửi mắng, ngăn cản gì, để mặc cho con được tự do thể hiện xu hướng tình dục của mình. Tôi cũng không can thiệp khi thỉnh thoảng thấy con đưa về nhà một đứa con gái nào đó như là người yêu… Song mặt khác, tôi cũng lại luôn gặp khó khăn khi phải đối diện với sự thật. Tôi đã phải bán nhà, chuyển việc, chuyển chỗ ở cách nhà cũ hàng mấy trăm cây số đến 1 nơi không ai biết mẹ con tôi là ai. Giờ đây, tôi cũng hầu như dám không mời bất kỳ bạn bè mới nào đến chơi nhà. Mỗi lần đi chơi, đi nghỉ mát cùng cơ quan, chỉ có tôi và cô con gái nhỏ xuất hiện. Ngay cả trên facebook, zalo… các hình ảnh, hoạt động, sự kiện của gia đình cũng luôn vắng mặt người con lớn. Có nhiều người đang tưởng nhà tôi chỉ có mẹ con gái sống cùng nhau. Tôi vẫn còn cảm thấy khó khăn khi giới thiệu với mọi người, với đồng nghiệp, với cư dân nơi tôi ở về đứa con lớn của mình. Để chấp nhận giới tính thật của con, tôi vẫn cần có thêm chút thời gian nữa”.
Trung tâm ICS – Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam mới đây đã nghiên cứu về “Nhu cầu tư vấn của phụ huynh khi biết con mình là người đồng tính”. Khảo sát được thực hiện dựa trên 60 mẫu nghiên cứu xuất hiện trên báo giấy, báo mạng, trang xã hội và các hội thảo. Kết quả cho thấy, gia đình có người đồng tính có nhu cầu cần được tư vấn là rất cao. Có đến 40% các bậc phụ huynh được hỏi cho biết họ có nhu cầu tìm hiểu kiến thức liên quan đến đồng tính, gần 32% quan tâm đến việc làm thế nào để chấp nhận và có những hỗ trợ con cái, gần 17% quan tâm đến cách để thay đổi và 10% lo lắng về chuyện gia đình và con cái của người đồng tính trong tương lai… |
Cô Nguyễn Thị Hiền (ở xã Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội) thì biết chuyện con mình công khai về giới tính vào hồi tháng 8 năm ngoái. "Lúc nghe tin này, tôi bủn rủn hết cả chân tay, không làm được bất kỳ việc gì nữa, chỉ nằm khóc. Chiều ấy cũng đúng ngày chồng tôi đi điều dưỡng trở về. Tôi nghĩ mãi, không biết bắt đầu nói với chồng thế nào".
Cô Nguyễn Thị Hiền: "Đêm đầu tiên khi biết chuyện của con, tôi đã trằn trọc đến 2 giờ đêm không ngủ được. Tôi đã phải gọi ông nhà tôi dậy để nói lại tin này". |
Sau đó, vợ chồng cô Hiền đã không thể có phản ứng gì với con, không gọi điện hỏi han vì thực sự họ không biết nên bắt đầu thế nào, nên hỏi con điều gì. Sau đó: "Người làng biết chuyện, họ còn những định kiến nên vẫn xôn xao. Vài người quen đến nhà có ý thăm hỏi sức khỏe của tôi lẫn “tình hình”, “phản ứng” của gia đình…; Nhưng tôi vẫn im lặng, không chia sẻ gì. Đã mấy tháng trôi qua, dần dần, gia đình tôi cũng học được cách chấp nhận. Cả nhà thấy càng phải yêu thương con hơn. Mình là cha mẹ, nếu mình phản đối hay xua đuổi thì có khi còn mất cả con”.
Với gia đình anh chị Lê Thị Thu Hà - Vũ Văn Tuấn ở Long Biên, Hà Nội cũng có con Vũ Thanh Phong là người đồng tính. Chị Hà là người được Phong “come out” (công khai) đầu tiên, vì Phong hiểu tính mẹ rất biết lắng nghe mọi người. Mới đầu chị Hà có shock, ngạc nhiên, cũng như nhiều lần hỏi lại Phong để xác minh lại con có thực sự là người đồng tính không. Nhưng rồi dần dần chị Hà cũng đã đọc thêm thông tin, tài liệu và chấp nhận con.
Giờ, trong gia đình anh chị Tuấn- Hà, việc Phong là người đồng tính đã trở thành chuyện bình thường. |
Anh Tuấn thì có khó hơn một chút. Anh không nói gì nhiều, vì quan điểm anh là cuộc sống của con thì con tự lựa chọn, quyết định, đau khổ hay hạnh phúc là tự do con gặt hái lấy. Anh không hoàn toàn ủng hộ, nhưng cũng không làm gì ngăn cản hay phản đối. Đặc biệt là bà ngoại, người đã nuôi Phong từ bé và yêu Phong nhất. Tuy không hiểu nhiều về đồng tính và rất buồn trong những thời gian đầu nhưng rồi bây giờ bà cũng đã hiểu (nhờ sự giúp đỡ của chị Hà) và mọi chuyện trở lại bình thường như không có gì xảy ra cả.