Cha mẹ ráo riết tìm lò luyện thi cho con

13:46 | 17/02/2017;
Luyện thi kiểu truyền thống hay luyện thi trực tuyến đều được nhiều mẹ có con thi THPT Quốc gia năm nay ráo riết tìm hiểu, khi kỳ thi đang đến rất gần.

Ăn Tết xong, chị Nguyễn Lan Hương (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt đầu công cuộc tìm “lò” cho con gái năm nay thi THPT Quốc gia, nhưng cả tháng rồi vẫn chưa ưng ý trung tâm nào.

“Cả kỳ nghỉ Tết, tôi thấy con cắn miếng bánh chưng cũng không yên, nhấp nha nhấp nhổm nên tôi khuyên cháu nên đăng ký học trung tâm luyện thi để thay đổi không khí, bớt căng thẳng. Hai mẹ con sau đó cùng tìm chỗ học đảm bảo chất lượng, nhưng không hề dễ chút nào dù đã được nhiều người tư vấn và trực tiếp đến quan sát”, chị Lan Hương chia sẻ.

Điểm đến đầu tiên của hai mẹ con là trung tâm bồi dưỡng văn hóa Thăng Long ở gần ĐH Bách khoa. Sau khi quan sát lớp học thấy sĩ số đông quá, chị tá hỏa bảo con rút lui. “Mỗi lớp phải nhồi đến gần 70 cháu khiến tôi thấy hoảng. Ở trường, 30 - 40 học sinh thầy cô giảng dạy tận tình mà học còn chẳng ăn thua, huống hồ đông như vậy. Để kiếm chỗ ngồi đẹp phải đến từ sớm, mất thời gian mà không biết hiệu quả đến đâu”, chị Lan Hương nói.

 Cận cảnh một lớp luyện thi THPT Quốc gia buổi tối. Ảnh: D.H.

Từng thất vọng về lò luyện thi, Thanh Duyên, cựu sinh viên ĐH Tổng hợp Hà Nội, chia sẻ: “Trước đây, đi lớp luyện thi với các bạn chủ yếu do tò mò, đỡ lo lắng nếu chẳng may bỏ sót kỹ năng nào đó. Tuy nhiên, sau 1 tuần luyện ở các lò, em quyết định dừng lại”.

Theo Duyên, chương trình học trong các lò luyện thi hầu như các thầy cô ở trên lớp đều truyền đạt, nếu không có kiến thức thì vào học các lớp cấp tốc, các lớp ôn luyện cũng bằng không. Hơn nữa, vì quá đông nên luôn trong tình trạng thầy cứ nói, trò cứ nghe, ít có sự tương tác và trao đổi thông tin nên em thấy không hiệu quả.

Đây cũng là lý do khiến nhiều lò luyện thi trực tuyến khá phổ biến, nhất là gần đến thời điểm thi. Nhiều lời chào mời rất hấp dẫn như: “Luyện thi trực tuyến bám sát đề thi THPT quốc gia 2017”, “Luyện thi chương trình chuẩn kì thi THPT Quốc gia 2017”, “ôn thi THPT Quốc gia 2017″… nhằm kích thích học sinh đăng ký tham gia.

Click vào một trung tâm có tên H.N, có nhiều gói đăng ký học giá “siêu mềm” được đăng tải như: “Ưu đãi khủng khởi động kỳ thi 2017” với các gói luyện thi trọn gói khá mới như: “Gói luyện thi trọn gói gồm môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh, Văn có giá gốc 1.800.000 đồng giảm còn 1.350.000 đồng; trọn gói tổ hợp môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội có giá gốc 2.400.000 đồng giảm còn 1.800.000 đồng…”.

Nguyễn Thanh Trà (học sinh THPT Việt Đức, Hà Nội) cho biết: “Kinh nghiệm của em là chỉ đăng ký ôn ở những trung tâm có tiếng tăm, tham khảo thêm bạn bè, đăng ký ôn thử trước khi quyết định”. Nhiều học sinh lập nhóm chung trên facebook để trao đổi kinh nghiệm ôn tập, website ôn thi có chất lượng… Xu hướng này ngày càng phổ biến khi số lượng thành viên mỗi nhóm trên facebook kết nối lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sĩ tử cùng tham gia.

Trước những lo lắng của thí sinh, nhiều giáo viên đưa ra lời khuyên, việc ôn thi tại lò luyện truyền thống hay online đều phải cân nhắc, tránh mất thời gian, tiền bạc vô ích. Với những bạn đã nắm khá kỹ kiến thức cơ bản, không cần thiết phải đến các lớp luyện thi. Còn các mẹo, kỹ năng, các em hoàn toàn có thể trao đổi thêm với giáo viên bộ môn, với bạn bè hoặc tìm những anh chị thi từ năm trước để hỏi.

Các lò luyện thi trực tuyến cũng là sự lựa chọn đáng lưu tâm cho những sĩ tử muốn thử “đo” năng lực làm bài, độ nhanh nhạy với các bài thi trắc nghiệm hoặc thử các mẹo làm bài thi. Quá trình này cũng chỉ nên thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Không nên quá phụ thuộc vào những lớp luyện thi online tránh lan man, nhiều lúc gây rối cho người học.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn