Cha mẹ sao cứ phải áp đặt chuyện kết hôn của con cái?

16:30 | 05/11/2024;
Trong khi nhiều ông bố, bà mẹ như ngồi trên chảo lửa vì con cái đến tuổi dựng vợ, gả chồng mà cứ “ì thì lì” thì chị Lê Phương Loan (tỉnh Thái Bình) lại cho rằng, mình đang tận hưởng thời gian được ở bên các con.

Cũng vì tư tưởng này mà chị Loan bị cả mẹ đẻ lẫn mẹ chồng trách giận. Mẹ đẻ mắng con gái: "Con trai lớn phải dựng vợ, con gái lớn phải gả chồng, không thể cứ sống với bố mẹ mãi được. Con nhà người ta, con bồng con bế rồi, đằng này hai đứa đều 25-27 tuổi rồi mà cứ hết du lịch chỗ nọ, phượt chỗ kia, học hết cao học rồi chẳng yêu đương, lập gia đình gì cả, như thế không được". 

Còn mẹ chồng thì trách vợ chồng chị Loan không nghiêm khắc, để các con tự do thái quá. Trước sự không hài lòng của ông bà nội ngoại với các con, chị Loan chỉ biết dạ vâng, nhận trách nhiệm về mình và hứa sẽ khuyên giải "để bọn trẻ hiểu trách nhiệm và bổn phận của người làm con đối với gia đình, ông bà, tổ tiên". 

Còn sâu thẳm tâm tư, chị không muốn can thiệp quá sâu vào sự lựa chọn của các con.

"Có bậc cha mẹ nào lại không mong con cái thuận buồm xuôi gió, công danh sự nghiệp, hạnh phúc riêng. Sinh con ra, chăm bẵm từ tấm bé, tôi thuộc tính tình từng đứa như chỉ tay mình. Đâu phải cứ làm cha làm mẹ là được quyền áp đặt con phải thế này, thế kia. 

Cuộc đời của các con do các con nỗ lực phấn đấu, xây đắp; hạnh phúc của các con cũng do các con vun vén, lựa chọn mới bền. Chúng ta đâu sống thay được cuộc đời và hạnh phúc của chúng. Vậy hà cớ gì mình áp đặt các con phải làm theo ý mình?", chị Loan chia sẻ. 

Tuy nhiên, chị Loan cũng bày tỏ rằng, cha mẹ không áp đặt, bắt các con phải sống theo ý mình nhưng không thể bàng quan, thờ ơ với hạnh phúc của các con được. Thay vào đó, vợ chồng chị chia sẻ, phân tích quan điểm, ý kiến của mình để các con tham khảo.

Cha mẹ sao cứ phải áp đặt chuyện kết hôn của con cái?  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chị Loan kể, trong số đồng nghiệp của mình có 1 chị có con gái 31 tuổi chưa xây dựng gia đình. Thay vì nghĩ tích cực như chị Loan, chị ấy luôn tỏ ra ủ ê, lo lắng, thậm chí ngại tiếp xúc và xấu hổ mỗi khi có ai đó hỏi han về cô con gái "muộn chồng". 

Suy nghĩ về cô con gái "bom nổ chậm" khiến chị hay cau có, về nhà hễ nhìn thấy con là chị ấy tỏ ra khó chịu, coi con gái chẳng khác nào cái… gai trước mắt.

Về phần con gái chị đồng nghiệp, bản thân cô có những niềm trắc ẩn trong chuyện tình cảm, khó chia sẻ với gia đình. Lại thêm người mẹ suốt ngày chì chiết, nói bóng nói gió, so sánh với "con nhà người ta" khiến cô stress. 

Vậy là đùng cái, cô ấy xin chuyển công tác, vào TPHCM sống và làm việc. Vậy là từ đó, tình cảm mẹ con vốn rạn nứt càng trở nên xa cách. Mãi sau này, khi con gái đã vào TPHCM một thời gian, ở nhà, người bạn thân của con mới cho chị đồng nghiệp biết rằng, hồi học đại học, con gái chị ấy đã từng yêu sâu sắc một người nhưng trước khi tốt nghiệp, cậu bạn trai đó qua đời vì tai nạn giao thông. 

Vậy là kể từ đó, cô không thể mở lòng với bất kì ai bởi sự ám ảnh và sang chấn tâm lý mạnh. Cho đến lúc này, đồng nghiệp của chị Loan ân hận vì thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ với con.

Liên hệ từ câu chuyện của gia đình người đồng nghiệp đến gia đình mình, chị Loan tâm sự: "Kể cả sau này các con nói, chúng cảm thấy tự tin và hạnh phúc nếu sống một mình hay có sự lựa chọn khác thì tôi cũng ủng hộ các con. Với tôi, điều quan trọng nhất là các con cảm thấy hạnh phúc với sự lựa chọn của mình thì tôi chẳng có gì phải lăn tăn, suy nghĩ".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn