Cha tôi - Người bảo vệ tổ ấm

08:57 | 09/03/2019;
60 tuổi, bố tôi là Hà Đắc Biên (hiện 72 tuổi, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Trang thiết bị Y tế Việt Nam) vẫn quyết tâm học thêm một ngoại ngữ mới, 65 tuổi vẫn mời gia sư về dạy đàn piano. Bố là người thầy đầu tiên của con và mãi mãi là người thầy nghiêm khắc, tình cảm nhất, dẫn dắt con trên mọi bước đường đời...

Dấu ấn cha trong từng bước con đi 

Hè năm con học lớp 3, chữ con quá xấu, bố quyết tâm luyện chữ cho con. Mỗi ngày, trước khi đi làm, bố viết mẫu cho con 20 trang tiếng Việt và 20 trang tiếng Nga. Kết quả là sau đợt luyện tập gắt gao ấy, chữ của con đẹp như chữ in trong quyển Tấm Cám mà Thụy Điển in cho Việt Nam. Từ năm lớp 4, con thường xuyên được chọn viết bích báo cho lớp, đi học tiếng Nga với chuyên gia Nga thì được tín nhiệm viết vào nhật ký của cô giáo.

 

viet-anh-2.JPG
Tác giả và cha

 

Trước khi bắt đầu năm học mới, bố thường đèo hai chị em con đi mua sách, vở, dụng cụ học tập rồi lại cẩn thận bọc từng cuốn vở, dán và viết nhãn vở từng môn học. Đến khi con học lớp 12, bố vẫn duy trì thói quen ấy.

 

Gia tài lớn nhất thuở ấu thơ mà bố tặng cho hai chị em là kho sách khổng lồ. Nào là “Bá tước Mông tơ Crixtô”, “Papilon người tù khổ sai”, “Trà Hoa Nữ”, “Ba người lính ngự lâm”..., nào là “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy Hử”, “Cổ học tinh hoa”... Vì con yêu tiếng Nga nên bố còn dẫn con đến làm quen với các cô bán sách ở cửa hàng sách Ngoại văn, để mỗi khi có sách mới về, các cô đều giới thiệu ngay và cho “đọc chùa” trước khi quyết định mua. Bố con mình quen cô Hòa từ hồi cô còn làm ở Ngoại văn (Tràng Tiền) khi cô còn rất trẻ, và thân với cô tới khi tóc cô đã bạc, chuyển về hiệu sách ở Giảng Võ, cho đến khi cô về hưu.

 

Cả tuổi thơ con gắn bó với tiếng Nga nên với các thầy cô dạy tiếng Nga cho con, bố mẹ luôn có những tình cảm trân trọng đặc biệt. Bố thường xuyên lui tới thăm hỏi và lắng nghe những ý kiến của các thầy cô để giúp con học tốt hơn. Bố bày cho con phương pháp “cắt-dán” mà bố đã áp dụng trong việc học ngoại ngữ. Sau này, con đã áp dụng phương pháp ấy để học thêm nhiều ngoại ngữ khác cũng như dạy lại cho học trò của mình.

 

Bố còn đảm nhiệm cả vai trò trưởng hoặc phó ban phụ huynh để gần gũi với các hoạt động của trường lớp, để hiểu hơn về tâm tư nguyện vọng của tuổi học trò chúng con.

 

Vị “bác sĩ gia đình” có một không hai 

Ngày xưa, ngoài việc cơ quan, bố còn bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình: Từ chụp ảnh đám cưới (ngày chụp, đêm về tráng phim rửa ảnh trong phòng bếp 4m2), làm sữa đậu nành giao cho các quán nước chè, đến dệt mành, may quần đùi, làm đồ khảm trai...

 

Chúng con đã có một tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc. Bố luôn sợ các con bị hóc xương nên bữa ăn nào có món cá, bố cũng tỉ mẩn ngồi gỡ từng chiếc xương dăm rồi mới gắp vào bát hai cô con gái. Đến tận bây giờ, khi chúng con đã bước vào U50, mỗi khi ăn cơm cùng bố mẹ, bố vẫn giữ thói quen gỡ xương cho chúng con như thủa nhỏ.

 

Thời trẻ, mẹ con luôn yếu vì mắc bệnh tim bẩm sinh và nay khi đã về già, mẹ lại mắc bệnh về cột sống, đĩa đệm, viêm xoang, mất ngủ, và bố luôn chăm chút mẹ, dành hết việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa để mẹ đỡ vất vả. Chúng con vẫn nói vui rằng, bố là “bác sĩ gia đình” bởi không chỉ chăm sóc mẹ, khi chúng con nhỏ, bố toàn tự tiêm cho con gái theo đơn và chỉ định của bác sĩ mỗi khi ốm đau. Cho đến tận bây giờ, con vẫn chưa một lần tắm gội bằng nước lạnh dù là giữa mùa hè nóng nực bởi bố đã giữ gìn thói quen ấy cho chúng con từ thủa lọt lòng.

 

Vào những ngày mưa to, đường ngập, bố cho con ngồi trên boóc-ba-ga, còn bố trùm áo mưa, dắt xe lội bì bõm, quần xắn cao, có hôm đi qua đoạn khách sạn Hà Nội, nước ngập gần đến ngang hông.

 

Thời bao cấp, điện rất phập phù, hôm có hôm không. Tối nào bố cũng phải ngồi bên sút-von-tơ, vừa canh điện lên xuống, vừa quạt tay cho các con mát và không bị muỗi đốt để tập trung vào học.

 

protectfamily.jpg
Ảnh minh họa

 

Nhớ mãi cuốn sổ tay cha tặng

Bố cũng là người biên tập những bài báo đầu tiên của con trước khi nộp cho các tòa soạn. Bản thảo những cuốn sách đầu tiên của con dịch, bố cũng đọc bông, soát morát. Bố còn thường xuyên tặng quà cho hai cô con gái, khi thì dịp Tết, sinh nhật, ngày 8/3, 20/10... hay chẳng nhân dịp gì cũng có thể có quà.

 

Ngày con lên đường sang Liên Xô du học, bố trao cho con cuốn sổ tay bé xinh, bìa da màu lá cây đậm, dặn con khi sang đến nơi hãy mở ra đọc. Con đã khóc sưng cả hai mắt khi đọc những lời dặn dò của bố. Bố dặn con kĩ lắm, từ việc học tập phải chuyên tâm ra sao, đối xử với bạn bè phải chan hòa giúp đỡ thế nào, kính trọng nghe lời thầy cô như cha mẹ... đến việc sử dụng điện nước sao cho an toàn, tiết kiệm, sang đường phải đúng nơi quy định chứ không được bạ đâu sang đấy như ở Việt Nam, phải luôn giữ ấm đầu và chân vì hai bộ phận đó là quan trọng nhất, bị nhiễm lạnh là ốm ngay...

 

Con nhớ nhất mấy câu bố viết bằng bút đỏ và gạch chân: “Dục tốc bất đạt”/“Cái gì mua được bằng tiền là rẻ nhất”/“Ở nhà ai cũng nhường con, ra đời con phải nhường tất cả mọi người”. 3 câu này con đã tuân thủ suốt từ ngày ấy đến tận bây giờ.

 

Rồi khi con chuyển ngang sang nghề dạy học, bố luôn căn dặn con: Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, chỉ được phép “vẽ” lên đó những bông hoa, tuyệt đối không “xả rác”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn