Những điệu trống hùng hồn
6h sáng, cậu bé Bùi Hải Đăng (9 tuổi) vươn vai thức dậy, hít thật sâu vào lồng ngực mùi thơm của nắng mới. Đăng lúi húi phụ ba xếp quần áo rồi dắt xe ra cửa. Ba Đăng, anh Bùi Thanh Hồng (31 tuổi) đặt con ngồi sau xe, dặn cậu bé ôm chặt rồi nổ máy.
Trên đoạn đường dài 14km từ thị xã Hoà Thành đến núi Bà Đen (Tây Ninh), Đăng liên tục nói về những động tác múa Chhay-dăm mà cậu bé luyện tập tối qua. Chỉ còn 1 tiếng nữa, nhạc sẽ nổi lên, Đăng và bố lại ôm trống, hoà mình vào điệu múa truyền thống của người Khmer.
9h sáng, trên đỉnh núi Bà Đen cao 986 mét, những cô thiếu nữ trong trang phục áo dài xếp thành hàng, nở nụ cười với du khách. Đăng và ba cùng đứng vào đội múa, mang trên mình chiếc trống truyền thống. Trống để múa Chhay-dăm được làm từ thân cau, một đầu phình to được bịt bằng da, một đầu bằng kim loại để tạo được thanh âm đặc sắc.
Tiếng nhạc vang lên, Đăng dùng tay gõ vào trống nhịp nhàng, bước chân cậu nhanh thoăn thoắt. Bố Đăng đứng hàng sau, cùng bạn diễn nhào lộn, anh phối hợp cùi chỏ, đầu gối và tay để tạo ra điệu trống hùng hồn. Mỗi động tác múa Chhay-dăm đều dứt khoát, đồng đều. Màn biểu diễn khép lại trong tiếng vỗ tay không ngớt của du khách.
Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa truyền thống biểu diễn trong các dịp lễ hội và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Thông thường, những nghệ sĩ múa truyền thống phải được tập luyện từ nhỏ, trải qua quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Để có thể biểu diễn được những màn múa Chhay-dăm đẹp mắt, người nghệ sĩ đòi hỏi phải thực hiện thành thục cái yếu tố về kĩ thuật, cảm nhận được từng giai điệu trong toàn bộ màn trình diễn.
Cũng giống như những nghệ sĩ khác trong đoàn, ngày nhỏ, anh Hồng hay theo chân tụi trẻ con trong vùng đến toà thánh xem múa Chhay-dăm. Điệu múa truyền thống của người Khmer vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ đã thu hút Hồng. Anh xin người chú được học múa rồi theo đoàn đi biểu diễn khắp nơi.
Khó khăn để giữ nghề
Suốt 9 năm ròng rã, Hồng không nhớ hết số lần mình bị chấn thương, tay chân xây xát, rướm máu. Có lần, anh bị va vào trống phải đi bệnh viện may 3 mũi. Bộ môn nghệ thuật này đòi hỏi kĩ thuật, lòng kiên trì cùng quyết tâm cao độ. Đam mê cháy bỏng cứ thôi thúc Hồng phải cố gắng từng ngày, không bỏ cuộc. Công việc chính của Hồng là tài xế, mỗi khi có thời gian, anh lại lao vào tập luyện. Vài năm sau, Hồng lập gia đình, bé Hải Đăng chào đời.
Khi Đăng được 4 tuổi, anh thấy con nghe nhạc múa Chhay-dăm là lại đứng lên, nhún nhẩy. Anh bèn tìm một cuộn ống chỉ, giả làm trống rồi tập cho con. Nhìn cậu bé say sưa với chiếc trống. Những buổi chiều tà, gia đình Hồng quây quần, tiếng trống Chhay-dăm cứ vang mãi, đến khi mặt trời khuất sau ngọn núi Bà Đen.
Hai năm dịch bệnh khiến mọi lễ hội tạm ngưng lại, chiếc trống nằm im lìm góc nhà. Hai bố con nhớ nghề quay quắt. Giữa năm 2022, Hồng nhận được lời mời theo đoàn biểu diễn tại khu du lịch núi Bà Đen.
"Lúc được trở lại biểu diễn, tôi vui lắm. Khán giả dõi theo từng bước chân mình đi, từng nhịp tay mình gõ, họ thích thú với những thanh âm mà mình mang lại. Múa Chhay-dăm là một phần đời của tôi, của Đăng, của anh em trong đoàn. Tôi mong muốn được gìn giữ điệu múa truyền thống này", anh Hồng tâm sự.
Theo Hồng, công việc chính của anh là nghề tài xế, quanh năm rong ruổi khắp các con đường xa gần. Tuy bận rộn, anh vẫn dành ngày cuối tuần, những lúc rảnh rỗi hiếm hoi để tham gia múa Chhay-dăm. Đây là đam mê đã chảy trong huyết quản anh từ thời bé, dù công việc này không phải là nguồn thu nhập chính của gia đình anh.
Hồng chia sẻ: "Mỗi lần bước lên sân khấu cùng con, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi vui khi con mình trưởng thành từng ngày, biết cách nỗ lực theo đam mê của nó. Và điều quan trọng nhất, cả hai bố con đều có thể góp sức mình để gìn giữ nghệ thuật múa truyền thống của dân tộc".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn