“Chậm chút nữa là vĩnh viễn mất con”

17:56 | 07/08/2015;
“2 ngày bé phải nằm cách li trong phòng chăm sóc đặc biệt của khoa Cấp cứu Nhiễm là khoảng thời gian vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa. Chậm cấp cứu thêm vài giờ, có thể tôi đã mất con vĩnh viễn”, chị Trần Thị Hồng Hương, quê Nha Trang bàng hoàng.

Những ngày đầu tháng 8, cậu con trai 10 tuổi Phạm Văn Hiếu của chị Hương đang chuẩn bị cho mùa khai giảng. Bỗng nhiên, bé kêu đau đầu. Nghĩ con chỉ bị cảm thông thường, chị Hương ra tiệm thuốc “kể bệnh” rồi mua thuốc về nhà cho con uống. Song, bệnh tình có dấu hiệu gia tăng, đến ngày thứ 3, khi bé không còn dậy nổi, thỉnh thoảng lịm đi, vợ chồng chị Hương vội vã đưa con nhập viện.

Sống ở TP Nha Trang, gia cảnh nhà chị Hương khá chật vật. Chị là công nhân, làm tại một khu công nghiệp gần nhà. Chồng chị kiếm sống bằng nghề “thợ đụng” - ai thuê gì làm nấy. Tháng nào “trúng mánh” lắm, 2 vợ chồng mới kiếm được khoảng 6 triệu đồng. “Nhà nghèo nên vợ chồng tôi chỉ dám sinh mình bé Hiếu. Dự định khi nào dành dụm được kha khá thì sẽ sinh tiếp. Nhưng 10 năm rồi, kế hoạch đó vẫn chưa được thực hiện. Bây giờ bé bị bệnh nằm đây, tôi phải xin nghỉ việc dài ngày, còn ông xã thì ngược xuôi chạy đi mượn tiền của người quen. Không biết khi trở về có còn việc để làm”, chị Hương thở dài.

Chị Trần Thị Hồng Hương bên con sau giờ phút sinh tử (ảnh chụp 1/8/2013)

Đối với người phụ nữ vừa bước sang tuổi 30 này, đứa con đang nằm trên giường bệnh của khoa Cấp cứu Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), chằng chịt những sợi dây truyền dịch, truyền thuốc, cùng tiếng kêu tít tít không ngừng của máy đo nhịp tim… là tất cả những gì quý giá nhất. Cố kìm nén cảm xúc nhưng vẫn không ngăn được giọt nước mắt đang lăn dài trên má, chị Hương kể: “Bé rất ngoan, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Ngay cả những ngày mới bị sốt và đau đầu, bé vẫn lui cui chuẩn bị sách vở, bút viết để sửa soạn đi học. Vậy mà…”.

Chị Hương ngồi túc trực bên câu con trai đang nằm li bì. Tay phải chị không ngừng xoa bóp bắp chân của con để thằng bé đỡ đau khi thuốc vào cơ thể, chốc chốc chị lại đưa bàn tay trái đặt lên trán để xem bé có hạ sốt không. Chị chia sẻ: “Khi nhập viện, bé mê man không biết gì, không nhận ra ba mẹ bên cạnh, bác sĩ nói bé bị viêm màng não nặng, cần đưa vào nằm cách li trong phòng chăm sóc đặc biệt để được theo dõi”.

Bây giờ, tất cả tâm trí chị đều dồn hết vào bệnh trạng của con, mặc cho nguy cơ mất việc treo lơ lửng cùng những món nợ ngày càng chồng chất.

 

Trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc bệnh

Nghe nhiều về bệnh viêm màng não, nhưng phải đến khi được các bác sĩ giải thích và phân tích, chị Hương mới giật mình nhận ra nhà mình “vẫn còn có phước”. Vì nếu không điều trị kịp thời, con trai của chị có thể đối diện với nguy cơ bị điếc, mù lòa, động kinh, yếu liệt tay chân hay nặng hơn sẽ không còn nhận biết được người thân, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Cấp cứu Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết: “Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng của màng não, nguyên nhân có thể do vi trùng hay siêu vi trùng. Đa số các trường hợp vi trùng hay siêu vi trùng từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não. Bệnh có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, song thường xảy ra ở trẻ em (nhất là trẻ em dưới 5 tuổi) vào mùa nắng nóng, khi trẻ thường mắc các bệnh nhiễm siêu vi đường hô hấp. Đó cũng là điều kiện để thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não”.

Triệu chứng của bệnh viêm màng não rất đa dạng, chủ yếu là sốt kèm theo sự thay đổi về tri giác. Nặng hơn có thể xuất hiện tình trạng co giật, li bì, hôn mê. Diễn tiến bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh: Nếu do vi trùng sẽ gây tử vong hay để lại di chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời. Nếu do siêu vi trùng thì bệnh sẽ tự khỏi.

“Để điều trị khỏi bệnh viêm màng não do vi trùng (viêm màng não mủ), cần phải nhập viện sớm, sử dụng kháng sinh thích hợp và nằm viện ít nhất 10 ngày, trong khi viêm màng não do siêu vi trùng thì không cần thiết phải điều trị kháng sinh và thời gian theo dõi tại bệnh viện chỉ kéo dài từ 3 đến 5 ngày.

Để phát hiện sớm bệnh viêm màng não, cần đưa trẻ đến bác sĩ khám khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, nôn ói, đau đầu, thóp phồng và đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi có có các dấu hiệu nặng như co giật, bỏ bú, bỏ ăn, li bì, hôn mê.

Đối với trẻ chưa thể đến bác sĩ khám ngay thì điều trị tại nhà chủ yếu là hạ sốt và quan trọng nhất là theo dõi tình trạng bệnh của trẻ. Nếu trẻ bị viêm màng não thì các triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu sẽ diễn biến ngày càng nặng hơn. Do đó, khi thấy các triệu chứng trên ngày càng nặng thì phải khẩn trương đưa trẻ đi cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Cấp cứu Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM)

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn