Chăm con mùa rét thế nào khi trời chuyển lạnh sâu xuống dưới 10 độ

11:04 | 19/12/2022;
Nhiệt độ giảm dần vào sáng sớm và đêm khuya khiến các gia đình có con nhỏ lo lắng trẻ sẽ dễ bị ốm.

Bố mẹ lo lắng khi con bị ốm mỗi lúc giao mùa

Thời điểm trẻ dễ ốm

Thời điểm giao mùa Thu - Đông, hoặc các đợt lạnh sâu trong mùa Đông được coi là lúc bùng phát nhiều dịch bệnh ở trẻ em nhất, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa.  

Nhiệt độ thay đổi thất thường, độ ẩm không ổn định, đan xen những ngày lạnh khô là những ngày mưa ẩm khiến trẻ dễ lây nhiễm virut. 

Bước vào mùa đông, nhiệt độ ngày một giảm sâu xuống dưới 10 độ nhất là vào thời điểm sáng sớm và tối muộn khiến nhiều gia đình có con nhỏ băn khoăn trẻ rất dễ ốm trong giai đoạn này. Các bệnh viện, phòng khám nhi luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm mũi họng cấp...

Vì sao trẻ dễ ốm khi trời rét? 

Theo các chuyên gia y tế, trung bình trẻ em thường mắc cảm cúm và viêm nhiễm đường hô hấp từ 5 – 7 lần mỗi năm và những lần ốm này thường trong khoảng thời gian giao mùa.

Virut dễ phát sinh ở điều kiện nhiệt độ thấp. Trẻ đang ở trong nhà ấm áp mà ra ngoài lạnh đột ngột cũng dễ nhiễm phải virut hơn. Bên cạnh đó, khi trời rét, trẻ nhỏ có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn cũng dễ lây nhiễm các vi khuẩn, virus. Chơi cùng nhau trong nhà có nghĩa là trẻ ở gần nhau hơn, cùng nhau hít thở một bầu không khí trong một không gian có thể dễ lây và mắc các bệnh lý nhiễm trùng.

Ngoài ra, các thói quen ăn, ngủ thường xuyên bị thay đổi, gián đoạn trong mùa đông có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương và kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm trùng. Trẻ nhỏ là đối tượng có hệ miễn dịch cùng sức đề kháng kém nên rất dễ bị ốm. 

Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp trên không nguy hiểm nhưng nếu điều trị sai cách sẽ dẫn tới tình trạng nặng hơn. Ví dụ như khi trẻ bị viêm đường hô hấp cấp, trẻ sốt quá cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt có thể dẫn đến mất nước và rối loạn chuyển hóa khác, nguy hiểm hơn là có thể dẫn tới tử vong. Vì thế bố mẹ phải cực kỳ cẩn thận khi chăm sóc con mình. 

Nên chăm sóc trẻ trong mùa lạnh ra sao?

Chị Vũ Thu Hà (29 tuổi, sống tại Hà Nội), mẹ của em bé Coca trộm vía luôn khoẻ mạnh mỗi khi thời tiết giao mùa, kể ra khi trời chuyển rét dưới 10 độ chia sẻ một số bí quyết chăm sóc con, hy vọng có thể giúp ích cho các bố mẹ. 

- Khi ở trong nhà mặc bộ quần áo dài tay mỏng, luôn để ý xem con chạy nhảy, nghịch ngợm có bị đổ mồ hôi không. 

- Vẫn cho con ra ngoài vận động nhưng lưu ý nên từ lúc 10h sáng - 16h chiều. Hạn chế ra đường lúc sáng sớm và đêm khuya vì đây là lúc trời lạnh nhất. 

Em bé Coca vẫn được mẹ cho ra ngoài nhưng cần giữ ấm và hạn chế đi vào lúc sáng sớm, đêm khuya. 

- Khi ra ngoài không cần mặc quá nhiều lớp áo mà vừa đủ (1 áo giữ nhiệt, 1 áo len, 1 áo khoác dày). Có thể đội thêm mũ, găng tay, đi tất... bảo vệ chủ yếu là cổ, chân, tai... vì gió lùa vào khiến con dễ bị cảm lạnh. 

- Tắm cho con trước 16h chiều. Tránh gió lùa vào phòng tắm, bật đèn sưởi và để nhiệt độ nước phù hợp. 

- Trước mỗi đợt lạnh nên tăng đề kháng cho con để khi trời trở rét, con sẽ đỡ bị ốm. 

- Ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường hoa quả, rau xanh, đặc biệt là các loại quả họ nhà cam.

Một số lưu ý khác

Với trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn vì trong sữa mẹ chứa đầy đủ chất dinh dưỡng và chứa cả kháng thể chống lại một số bệnh. Một số loại kháng thể tiêu biểu trong sữa mẹ là immunoglobulin (IgA – IgM IgG), lactoferrin, nhân tố nhị phân, IgA, lactoferrin. Mỗi loại kháng thể mang vai trò, chức năng riêng với hệ miễn dịch của trẻ.

Với trẻ từ 1-3 tuổi

- Nếu bắt buộc phải ra ngoài, phải cho trẻ mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Tránh cho trẻ đến nơi đông người, không thoáng khí.

- Cha mẹ không để trẻ bị lạnh đột ngột, nếu đi ra ngoài lạnh cần mở cửa từ từ để trẻ thích nghi dần với nhiệt độ môi trường trước khi ra ngoài, tránh sốc nhiệt.

- Trẻ vẫn phải tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ trong mùa đông nhưng không nên tắm kéo dài quá 10 phút; không nhất thiết phải tắm hàng ngày, chỉ cần tắm 2- 3 lần/tuần, hàng ngày cha mẹ lau rửa và thay quần áo sạch sẽ cho trẻ.

- Trẻ cần được ăn uống đủ chất để tăng cường dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch. Có thể cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, các thực phẩm từ sữa, trứng...

- Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh cho trẻ với các bệnh đã có vắc xin, trẻ cần được tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi phòng bệnh như: Cúm, sởi, ho gà, viêm phổi do phế cầu...

- Đưa trẻ đi khám ngay khi: Trẻ sốt cao liên tục đến 48 tiếng hoặc sốt kèm theo các triệu chứng ho nhiều, khò khè, khó thở, than đau tai hay chảy mủ tai, tiêu chảy phân nhày, máu; than đau bụng hay nôn ói...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn