'Chạm' đến tâm hồn trẻ tự kỷ để mở ra thế giới nghệ thuật

18:13 | 05/03/2017;
Khi giai điệu ca khúc 'Nhật ký của mẹ' vang lên trong buổi khai mạc triển lãm 'Chạm', cả không gian Gallery Cúc (tầng 5 Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) đã lặng đi.
Mọi ánh nhìn đều dồn về người đang thể hiện bản nhạc ấy - Nguyễn Trung Hiếu, một thanh niên 18 tuổi có vẻ ngoài khá điển trai, nụ cười tươi tắn. Trong số đó, có những người mẹ với đôi mắt ngấn lệ, hai hàng nước mắt chực trào ra nơi khóe mắt, đôi bàn tay nắm chặt, dõi theo từng cử chỉ của nhạc công đặc biệt kia.

Chuyện vui buồn của những đứa trẻ

Trung Hiếu biểu diễn nhạc phẩm "Nhật ký của mẹ" tại buổi khai mạc triển lãm

Những lúc ngồi vẽ tranh hoặc chơi nhạc là những lúc chàng thanh niên đó không phải giao tiếp, không phải cố gắng nghe, nhìn, để rồi lại cố gắng hiểu, phản ứng lại những tác động của môi trường xung quanh.

Trung Hiếu sinh ra vào mùa Thu năm 1999. Đến đầu năm 2002, cha mẹ Hiếu phát hiện con mình mắc chứng tự kỷ với những biểu hiện rõ nét. Hiếu không phát triển ngôn ngữ, không nhận biết được người thân, bị rối loạn giấc ngủ và bài tiết. “Chúng tôi gần như không thể chạm được vào thế giới của Hiếu, để mở cánh cửa đi vào tâm hồn con”, chị Nguyễn Mai Anh (mẹ của Hiếu) nghẹn giọng kể.

Khi lên 5 tuổi, Hiếu bắt đầu biểu lộ niềm yêu thích với âm nhạc và hội họa, cả ngày nghịch đàn và vẽ nguệch ngoạc lên tường hoặc bất cứ thứ gì trước mặt. Từ đây, thế giới của Hiếu dần mở rộng hơn với những niềm vui mới: Hiếu yêu thích các con vật (đặc biệt là mèo), thích đi chơi nhà bạn bè, người thân… Dần dần, những bức tranh của Hiếu ngày càng sinh động khi có thêm cảnh vật, cây cối, con người, xe cộ…

“Qua những bức tranh Hiếu vẽ, tôi hiểu được con mình vui hay buồn. Bởi lẽ, cũng giống như những bạn trẻ tự kỷ khác, Hiếu không truyền tải được suy nghĩ của bản thân qua lời nói hay biểu hiện cảm xúc. Vẽ tranh hay chơi nhạc cụ là cách để Hiếu thể hiện suy nghĩ của mình với những người xung quanh”, chị Mai Anh chia sẻ.
trien-lam-cham-8.jpg
  Một bức vẽ trong triển lãm
Cũng giống như Trung Hiếu, nhiều bạn nhỏ tự kỷ khác cũng biểu đạt thế giới của mình qua việc vẽ tranh hoặc nặn tượng. Đó là Trịnh Hoàng Minh (15 tuổi), Phạm Bình Minh (14 tuổi), Nguyễn Gia Bảo (14 tuổi) và Hà Đình Chí - Nem (12 tuổi).

Những tác phẩm của các nghệ sỹ đặc biệt ấy đang được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm “Chạm” (kéo dài từ nay đến hết ngày 12/3 tại tầng 5 Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Bên cạnh đó, “Chạm” còn có sự tham gia của họa sỹ tự kỷ người Nhật Bản Ujita Masato (42 tuổi) với những bức tranh độc đáo. “Cuộc sống hạnh phúc của anh Ujita Masato là một minh chứng sinh động, thuyết phục cho việc người tự kỷ hoàn toàn có thể có cuộc sống tự lập, vui vẻ, có thu nhập cho bản thân và đóng góp cho xã hội từ những sản phẩm do chính mình làm ra”, đại diện ban tổ chức cho biết.
trien-lam-cham-4.jpg
 Một bức vẽ trong triển lãm
“Chạm” được chia thành 6 góc nhỏ. Mỗi góc là một câu chuyện.

Phạm Bình Minh được chẩn đoán tự kỷ khi 2 tuổi. Khác với nhiều trẻ tự kỷ khác, Minh biết nói sớm, thuộc lòng nhiều bài thơ hay bài đồng dao dài nghe được từ những người hàng xóm. Thế nhưng, những câu nói của Minh chỉ là sự lặp lại máy móc những câu nói của người khác. Minh không có khả năng giao tiếp với những người xung quanh, không biết chơi đồ chơi, không thể tập trung và không thể hòa nhập với các bạn…

Từ nhỏ, Phạm Bình Minh có hứng thú đặc biệt với những con vật. Với chồng báo cũ trong tay, Minh có thể ngồi hàng giờ để xé, dán thành những bức tranh hoặc tạo thành những bức tượng về những con vật.
vnp_trien_lam_cham_4.JPG
Ở một góc của "Chạm", Phạm Bình Minh say sưa với việc cắt dán những tờ giấy cũ.  
Còn với Hà Đình Chí (Nem), vẽ nét là một nhu cầu, giống như nhu cầu được nói chuyện, chia sẻ. Nem thích màu vàng nên hầu như bức tranh nào của cậu bé cũng có màu vàng. Khi vẽ, Nem hay hát ê a…

Thế nhưng, không phải lúc nào Nem cũng thích vẽ màu. Lý do là vì bút dạ màu hay bị hết mực, còn bút lông thì liên tục phải chấm màu. Bởi thế, chiếc bút bi với sự tiện lợi của nó (gần như lúc nào cũng có sẵn mực ờ ngòi bút) là phương tiện giúp cậu bé “xả” ra những hình ảnh hỗn độn trong đầu, những cảm xúc và câu chuyện muốn kể.

“Chạm” để mở…

Những nét vẽ nguệch ngoạc, loằng ngoằng, những hành động bôi màu, xé giấy, vò nặn… lúc đầu chỉ là bản năng, nhu cầu giải tỏa cảm xúc, bày tỏ nhận thức một cách đầy khó khăn và kỳ lạ của người tự kỷ. Để rồi từ đó, chúng hé lộ cách giao tiếp, niềm đam mê và năng khiếu nghệ thuật riêng.

“Khi được mời làm cố vấn, tham gia tuyển chọn những bức tranh để giới thiệu tại triển lãm lần này, tôi cảm thấy thực sự khó khăn. Bởi lẽ, bức nào cũng rất đẹp với những bảng màu, sự hòa sắc rực rỡ. Đặc biệt, bức tranh nào cũng thể hiện sự thích thú với hội họa và sự vui tươi, yêu đời một cách rất trong sáng - điều mà không phải họa sỹ người lớn bình thường nào cũng làm được,” họa sỹ Lê Thiết Cương bày tỏ.

Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ cảm nhận về những bức tranh của trẻ tự kỷ

Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, các tác phẩm trưng bày ở “Chạm” hoàn toàn có thể là những mẫu in trên các sản phẩm thủ công, đồ lưu niệm hay các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng khác.

“Chạm” để cảm nhận, hiểu, yêu thương và chia sẻ; để từ đó lan tỏa và đồng hành cùng người tự kỷ. Đó cũng chính là thông điệp của triển lãm.

“Cũng như tất cả chúng ta, người tự kỷ có cảm xúc, sở trường riêng và một số người có tài năng đặc biệt. Thế nhưng, để chạm tới thành công, họ gặp khó khăn hơn người bình thường rất nhiều bởi chứng tự kỷ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp và học hỏi của họ. Khi được yêu thương, chia sẻ và hỗ trợ đúng cách, họ hoàn toàn có thể có được cuộc sống hạnh phúc với những đóng góp tích cực cho cộng đồng”, bà Tuyết Hạnh (đại diện Câu lạc bộ Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội) chia sẻ.

Có cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Lan Phương (phụ huynh của em Hà Đình Chí) cho biết, trẻ tự kỷ cũng có những tiềm năng, nhu cầu căn bản và cả mưu cầu hạnh phúc. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ rất khó để hòa nhập với thế giới xung quanh.

“Hiện nay, ở Việt Nam chưa hề có một ngôi trường riêng hay những chính sách hỗ trợ, chương trình định hướng nghề nghiệp dành riêng cho trẻ tự kỷ. Trong khi đó, trên thế giới, những ngôi trường, mô hình như vậy đã có từ lâu. Nhờ đó, người tự kỷ được cộng đồng thấu hiểu, gần gũi, yêu thương. Họ cũng khẳng định được những đóng góp của mình cho xã hội và gánh nặng của những gia đình có con mắc chứng tự kỷ cũng được giảm bớt”, chị Lan Phương cho biết. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn