Chấm dứt sự 'vô tích sự' trong mắt bố mẹ chồng

20:10 | 25/01/2016;
Mâu thuẫn nảy sinh khi bố mẹ chồng Thảo Nguyên luôn luôn đòi hỏi cô 'phục vụ' tận tình trong khi cô còn bận bù đầu chăm sóc 2 con nhỏ.
 Chị Thanh Tâm thân mến!
Em năm nay 21 tuổi, đã lấy chồng và có hai cháu, con trai em 2 tuổi, con gái 7 tháng. Cả gia đình em sống cùng bố mẹ chồng. Hàng ngày chồng em đi làm còn em ở nhà dọn dẹp, chăm con. Tình hình kinh tế của chúng em từ lúc cưới đến giờ lúc nào cũng khó khăn, đã thế bố mẹ chồng còn ghét bỏ, ông bà luôn tìm cớ bắt bẻ, đay nghiến em là đồ ăn hại.
Bố mẹ chồng em chưa phải là quá nhiều tuổi, sức khỏe của hai cụ vẫn tốt, thừa sức tự lo việc cơm nước, tắm giặt hàng ngày. Thế nhưng ông bà lại luôn luôn đòi hỏi em “phục vụ” tận tình. Nhỏ từ việc quét nhà quét ngõ, thường xuyên là việc cơm nước hàng ngày, đến cả quần áo bẩn thay ra bố mẹ em cũng không nhúc nhắc mà đợi con dâu giặt nốt... Hồi đầu em còn cố gắng nhưng sau bầu bí rồi sinh liền tù tì hai đứa, chúng nó bú mớm quấy khóc ngặt nghẽo suốt ngày nên em mệt mỏi, xao lãng dần.
Có hôm, đến bữa em còn bận loay hoay dỗ con khóc chưa cắm cơm, quần áo ngâm trong nhà tắm mấy ngày ủng ra chưa có thời gian giặt. Mẹ chồng đã chẳng đỡ lại hùng hổ gạt cửa xông vào phòng ngoa ngoắt nói mỉa. Em ức quá vặc lại “Mẹ không thấy con bận không mở được mắt ra hay sao?”. Thế là bà bù lu bù loa chửi em láo lếu, mất dạy, vô tích sự. Tuy không dám cãi lại nhưng em giận. Từ đó trở đi cứ mỗi lần mẹ chồng chửi bới thì em bế con sang nhà hàng xóm ngồi.
Chồng em biết chuyện nổi giận đùng đùng. Không cần nghe em giải thích anh đã “kết tội” em gây sự với bố mẹ và nhất định đòi ly dị. Anh vơ hết quần áo của em và con gái 7 tháng tuổi cho vào giỏ rồi chở về nhà bà ngoại “trả”, khiến em nhục nhã và mang tiếng vô cùng. Bây giờ em có nên ký vào lá đơn ly dị của chồng, thoát khỏi gia đình tai ách đó để làm lại cuộc đời không chị?
Thảo Nguyên - Quỳnh Phụ, Thái Bình
 
me-chong-1.png

 Tuy không dám cãi lại nhưng Nguyên giận mẹ chồng (ảnh minh họa)

Nguyên thân mến!
Nếu như quyết định ly dị thì em phải chuẩn bị thật kỹ. Trước tiên là tìm cho mình một công việc ổn định để tự lo cho bản thân và nuôi các con. Em hãy nhìn xa và suy nghĩ xem: “Mình sẽ nuôi con bằng cách nào? Cho chúng ở đâu? Điều kiện học hành, sinh hoạt ra sao để các con có thể phát triển?”. Về mặt tinh thần, em cũng nên chuẩn bị tâm lý cho bản thân, gia đình để vượt qua những biến động của ly hôn và dư luận xã hội.
Nhưng chị tin, khi em suy  nghĩ thấu đáo việc này, em sẽ nhận ra, chuyện nhà em chưa đến mức ly dị. Cần thì dẹp bỏ sự giận dỗi, tính tự ái cá nhân sang một bên để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hãy nhớ rằng, không có những người xa lạ nào về ở cùng tự nhiên đã hiểu, thông cảm cho nhau. Nếu em muốn có sự chia sẻ từ phía bố mẹ thì chính em phải cởi mở trao đổi, nhờ cậy ông bà giúp đỡ. Nếu khách quan nhìn lại mọi chuyện, sẽ thấy em phán xét bố mẹ nhiều quá, chưa một lần nghiêm khắc với bản thân mình. Phải chăng em nên chấm dứt sự “vô tích sự” trong mắt bố mẹ bằng cách gửi con đi nhà trẻ và tìm cho mình một việc làm?  Phải chăng trong sinh hoạt hàng ngày em cũng cần chủ động ngăn nắp, chu đáo hơn? Điều quan trọng nhất, khi ông bà nói chí ít là phải nghe, nghe rồi thì phải có phản hồi và nếu đúng là sai thì phải sửa. Cắp con đi mất hút, “phớt lờ” ý kiến của cha mẹ, cái đó là em chưa được.
Khi mâu thuẫn đang xảy ra thì ai cũng cho mình là đúng. Chị mong em sẽ bình tĩnh đưa ra quyết định sáng suốt và công bằng!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn