Nhờ sự quan tâm và chăm lo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đưa đời sống vật chất, tinh thần… của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên.
Củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân
Tuyên Quang là tỉnh có 22 dân tộc, có 121/138 đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 570 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,7% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số như hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ như: Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc; hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát; tập trung các nguồn lực xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tại xã Linh Phú - xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hóa, toàn xã có hơn 2.600 nhân khẩu, trong đó có hơn 780 nhân khẩu là người dân tộc Mông. Trong những năm qua, để đồng bào dân tộc Mông ổn định đời sống, xóa bỏ các hủ tục, khối dân vận đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang về công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
"Chính quyền đã luôn quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi"
Trong 2 năm (2021 và 2022), trên địa bàn xã Linh Phú có tổng 27 hộ được hỗ trợ bò giống, trong đó 13 hộ dân tộc Mông. Riêng đầu năm 2022 đến nay, xã Linh Phú có 15 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; 13 hộ dân tộc Mông được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh.
Song song hỗ trợ vật chất, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã hỗ trợ người dân trên 200 ngày công lao động, đổ nền nhà, đào rãnh, vận chuyển vật liệu, xây công trình phụ... Hoạt động này giúp đồng bào dân tộc Mông tin tưởng vào cán bộ, đảng viên, không nghe theo kẻ xấu lợi dụng chống phá Đảng, chính quyền.
Anh Hầu Văn Thanh ở thôn Nà Luông, xã Linh Phú, đã được các tổ chức chính trị - xã hỗ trợ ngày công xây dựng nền nhà. Anh Thanh chia sẻ: "Tôi thấy rất ấm lòng khi được chính quyền, đoàn thể xã giúp đỡ và cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau. Tôi hứa sẽ chăm chỉ, nỗ lực lao động để xây dựng cuộc sống ấm no".
Chị Hoàng Thị Sỹ, dân tộc Mông, thôn Lung Luề, xã Linh Phú, là mẹ đơn thân vừa được xã hỗ trợ xây dựng nhà mới, nhà vệ sinh. Chị Sỹ cho biết: "Nhà tôi chỉ có 2 mẹ con, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tôi rất biết ơn chính quyền vì đã luôn quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi. Từ nay có nhà ở ổn định, tôi yên tâm làm việc, cố gắng phấn đấu thoát nghèo".
Được biết, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, giúp đỡ nhau cùng phát triển; rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động, lồng ghép các nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối liên kết vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các xã, các thôn, bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất, giao thương trao đổi hàng hóa...
(Còn tiếp)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn