Nhờ sự quan tâm và chăm lo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đưa đời sống vật chất, tinh thần… của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên.
Đầu tư, hỗ trợ sản xuất
Xã Xuân Lập (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) là một trong những xã nghèo của huyện, với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn rất nhiều khó khăn, hiện xã có 505 hộ gia đình, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 80%.
Để đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng cao, địa phương này đang tập trung triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Hiện nay, xã Xuân Lập đang tập trung thực hiện Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025; triển khai Chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thế mạnh ở địa phương…
Bằng việc thực hiện các Chương trình ưu đãi của Đảng, Nhà nước và bám sát vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của các hộ gia đình trên địa bàn xã Xuân Lập đã từng bước ổn định và nâng cao.
Gia đình anh Giàng Seo Cuội ở thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập, sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, đã tu sửa lại chuồng trại chăn nuôi và mua được 1 con trâu cái sinh sản về nuôi. Sau nhiều năm tập trung chăm sóc tốt, đến nay con trâu cái đã sinh sản được 3 con và gia đình đã làm được nền nhà, nhà vệ sinh đạt chuẩn từ việc bán trâu. Cùng với được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, các con của anh hiện đang theo học tại Trường PTDT bán trú TH & THCS Xuân Lập cũng được hưởng đầy đủ các chế độ trợ cấp từ chính sách của Nhà nước.
Trong giai đoạn 2003 - 2019, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư trên 2.216 tỷ đồng xây dựng 1.740 công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (đường giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt…) ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư trên 167 tỷ đồng hỗ trợ cước vận chuyển giống lúa lai, ngô lai, phân bón, hỗ trợ mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; đầu tư trên 80 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững; đầu tư xây dựng 72 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 25,05%
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ trên 8.200 hộ nghèo xây dựng nhà ở, tổng trị giá trên 8,9 tỷ đồng… Với việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang đang ngày càng được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng và nâng cấp.
Đến nay, 100% xã, trên 99% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 98% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 86,5% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo (giai đoạn 2016 – 2020) giảm còn 15,38%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 25,05%...
Được biết, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, giúp đỡ nhau cùng phát triển; rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động, lồng ghép các nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối liên kết vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các xã, các thôn, bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất, giao thương trao đổi hàng hóa...
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trọng tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phục tráng một số loại cây giống tốt của địa phương; phát triển những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh để hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng vùng. Bên cạnh đó, Tuyên Quang sẽ tiếp tục quan tâm, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ổn định sinh kế, phát triển sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững…
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề đạt 52%; thôn bản có đường ô tô đến trung tâm đạt 100%; tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 98%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2 - 2,5%/năm; 50% xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn so với tổng số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn hiện nay; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn