Chăm sóc nấm da mạn tính tại nhà và chế độ dinh dưỡng cho người bệnh

07:44 | 02/11/2020;
Tình trạng nấm da dai dẳng, kéo dài gây ra những khó khăn, bất tiện cho cuộc sống của người bệnh. Hiểu rõ cách chăm sóc nấm da mạn tính tại nhà giúp làm giảm các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu cho bệnh nhân.

Vi nấm xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ môi trường sống đến cơ thể người và động vật. Nấm sống trên da người với số lượng nhỏ thường không gây hại. Tuy nhiên khi tạo điều kiện cho chúng phát triển mạnh sẽ gây ra những tổn thương nặng nề trên da của bạn.

Tình trạng bệnh kéo dài, dai dẳng, tái phát nhiều lần được gọi là nấm da mạn tính. Chúng thường gây ngứa rát, khó chịu, đau đớn cho người bệnh. Chăm sóc nấm da mạn tính tại nhà đúng cách giúp quá trình trị liệu nhanh chóng, dễ dàng hơn.

1. Nấm da mạn tính có nguy hiểm hay không?

Bệnh nấm da mạn tính rất phổ biến vào mùa mưa và thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên nó gây khó chịu và ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ. Trong khi đó, nấm da cấp tính không được điều trị kịp thời sẽ chuyển biến thành nấm da mãn tính. Tình trạng bệnh kéo dài, dễ tái phát khiến người bệnh luôn trong tình trạng ngứa, rát, khó chịu.

Nấm da mạn tính có thể xảy ra trên nhiều bộ phận của cơ thể như: Đầu, ngực, cánh tay, mông, bàn tay, nấm kẽ,... gây hiện tượng ngứa, rát đôi khi đau nhức.

Nấm da mạn tính nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tái phát ngay khi có cơ hội. Đồng thời nó có thể để lại sẹo vĩnh viễn sau điều trị nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Những người có hệ thống miễn dịch yếu dễ bị nhiễm nấm da mạn tính. Các đối tượng có bệnh nền như tiểu đường, ung thư,... khi bị nhiễm nấm da sẽ rất khó điều trị dứt điểm.

Nấm da mạn tính cũng thường xảy ra ở những người bị thừa cân, béo phì hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

Trong hầu hết các trường hợp nấm da mạn tính được điều trị bằng kem hoặc thuốc mỡ kháng nấm. Đối với các trường hợp nghiêm trọng mới phải dùng thuốc uống. Kết hợp với đó là chế độ dinh dưỡng, chăm sóc nấm da mạn tính phù hợp.

Hướng dẫn chăm sóc nấm da mạn tính tại nhà  - Ảnh 1.

Nấm da mạn tính thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa - Ảnh Internet

2. Chăm sóc nấm da mạn tính tại nhà

Bên cạnh việc bôi hoặc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn cần chăm sóc nấm da mạn tính phù hợp. Dưới đây là một vài lời khuyên khi chăm sóc nấm da mạn tính tại nhà.

Lưu ý chung:

Khi được bác sĩ kê đơn thuốc bạn hãy đọc kỹ các thông tin được chỉ định. Chia sẻ với bác sĩ về mọi thông tin, tình trạng sức khoẻ,...

Tìm hiểu kỹ về các rủi ro và tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tái khám.

Luôn luôn mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh cọ xát, gây tổn thương vùng da bị nấm. Chất liệu quần áo dễ thấm hút mồ hôi, đảm bảo cơ thể luôn khô thoáng.

Lau khô người sau khi tắm, gội. Cẩn thận lau khô da bàn tay, chân và các kẽ ngón chân.

Không gãi vùng da bị nấm. Việc gãi ngứa có thể khiến vùng da bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Thậm chí có thể gây ra nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập. Từ đó là chậm quá trình điều trị bệnh.

Giữ sạch làn da bị nhiễm nấm nhưng không được rửa quá nhiều. Bởi nó có thể khiến da bị kích ứng.

Khi vùng da bị tổn thương đã lành lặn, không có nghĩa là vi nấm đã biến mất hoàn toàn. Để phòng ngừa bệnh nấm da tái phát sau điều trị bạn hãy tiếp tục bôi thuốc từ 2 - 4 tuần.

Hướng dẫn chăm sóc nấm da mạn tính tại nhà  - Ảnh 2.

Bên cạnh việc bôi hoặc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn cần chăm sóc nấm da mạn tính phù hợp - Ảnh Internet

3. Chế độ dinh dưỡng cho người bị nấm da mạn tính

Bên cạnh việc điều trị và chăm sóc nấm da mạn tính thì chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Người bị nấm da mạn tính cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng sức đề kháng.

Các loại rau, củ, quả chứa nhiều vitamin A, E có tác dụng tăng sức đề kháng, ức chế sự phát triển của vi nấm. Đồng thời giúp cải tạo tế bào sừng, rất hữu ích cho việc trị bệnh.

Nhóm thực phẩm giàu Protein và Omega - 3 cũng rất tốt cho người bị nấm da mạn tính. Bổ sung thêm các loại nấm, ngũ cốc, thịt lợn...vào bữa ăn hàng ngày để tạo sự bền vững cho các mô liên kết và hạn chế tổn thương da do nấm gây ra. Uống nhiều nước để bổ sung độ ẩm cho da hạn chế tình trạng bong tróc.

Người bị nấm da mạn tính cần kiêng hải sản, thịt bò, rượu, bia, chất kích thích, các loại quả giàu vitamin C... Đây là nhóm thực phẩm có thể gây kích ứng, khiến vi nấm phát triển mạnh hơn.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn