PV: Các em học sinh của trường phần lớn gắn bó với nhà trường từ lớp 6 đến lớp 12. Đó chính là 7 năm bản lề quan trọng trong quá trình phát triển sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của các em. Đây cũng là giai đoạn phát triển "bùng nổ" của tuổi teen, lại trong điều kiện học nội trú, sống xa gia đình, xa cha mẹ và người thân. Nhà trường đã có những cách nào để chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho các em hiệu quả và thiết thực?
Chị Đinh Thị Thanh Tươi: Xuất phát từ lứa tuổi các em học sinh của trường phổ thông dân tộc nội trú đang ở tuổi vị thành niên, cần rất nhiều sự quan tâm chăm sóc, hướng dẫn của cha mẹ, người thân trong gia đình, trong khi các em lại học tập, sinh hoạt ở tại nhà trường 24/24h. Cho nên việc nâng cao sức khỏe thể chất cũng như tinh thần cho học sinh là việc vô cùng quan trọng nhà trường xác định rõ mục tiêu đầu tiên. Nhà trường đề ra một số giải pháp cũng như công việc thường xuyên quan tâm để giúp các em mạnh khoẻ cũng như tinh thần đảm bảo trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường tốt nhất.
Ví dụ, nhà trường quan tâm chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn các con khi xa gia đình, xa môi trường gia đình đến môi trường nội trú sẽ ăn, ở, sinh hoạt trong môi trường tập thể như nào. Nhà trường có Ban tư vấn tâm lý học đường hướng dẫn các con xây dựng các kế hoạch, thời gian biểu sinh hoạt, học tập khoa học hợp lý, phù hợp với điều kiện sống trong môi trường nội trú 24/24h.
Nhà trường quan niệm, môi trường tốt nhất để cho học sinh nội trú học tập, rèn luyện trải nghiệm, đó là cái môi trường sinh hoạt tập thể nên thường xuyên quan tâm triển khai các hoạt động ngoại khóa ngoài các giờ học chính khóa ở trên lớp, để nâng cao thể chất cũng như tinh thần cho học sinh.
Ví dụ nhà trường thường xuyên tổ chức các câu lạc bộ ngoại khoá như câu lạc bộ cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ hay đi bộ, chạy ngắn... Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các câu lạc bộ toán học vui, câu lạc bộ tiếng Anh… Đặc biệt, với đặc trưng khoảng 95% là học sinh dân tộc thiểu số nên nhà trường luôn cố gắng duy trì, khơi dậy, phát huy bản sắc văn hoá của chính dân tộc các em.
PV: Chị vừa đề cập đến hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh, vậy các hoạt động đó cụ thể ra sao?
Chị Đinh Thị Thanh Tươi: Nhà trường tạo điều kiện cho các em tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật âm nhạc để thể hiện khả năng hát, múa, đặc biệt khuyến khích các em hát những làn điệu dân ca. Những dịp kỷ niệm 26/3, 15/5, 20/10, 20/11, 22/12 hàng năm, ngoài hoạt động thể dục thể thao đều có hội diễn văn nghệ tưng bừng, tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian như ném còn… Bên cạnh đó, nhà trường đưa vào truyền thống sinh hoạt tập thể sáng thứ hai hàng tuần, các thầy cô và học sinh mặc trang phục dân tộc Mường, Thái.
PV: Vấn đề giáo dục giới tính cho các em học sinh ở trường ta, nhất là các nữ sinh dân tộc thiểu số, được quan tâm như thế nào?
Chị Đinh Thị Thanh Tươi: Ngoài chương trình giáo dục giới tính cho học sinh đề cập trong các môn học thì tổ chức đoàn, đội tổ chức các sinh hoạt chuyên đề hướng dẫn học sinh các kiến thức giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, nhà trường mong muốn học sinh có kiến thức để phòng, chống các tệ nạn xã hội, phòng chống xâm hại tình dục, nên các thầy cô luôn đồng hành cùng các em trong việc tìm hiểu thông tin, chủ động sử dụng mạng xã hội an toàn, nhận biết các tệ nạn xã hội cũng như dấu hiệu cảnh báo xâm hại tình dục, ứng xử với nhau trong môi trường nội trú, chia sẻ về các quan niệm trong cuộc sống, tình yêu, định hướng các em thực hiện những ước mơ của cuộc đời.
PV: Xin cám ơn chị!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn