Chăm sóc trẻ bị thủy đậu: Tuyệt đối không được làm vỡ mụn nước!

07:10 | 24/03/2023;
Thời điểm hiện tại, bệnh thủy đậu đang lưu hành và có dấu hiệu tăng lên với nhiều ca biến chứng nguy hiểm. Để phát hiện xử trí kịp thời khi trẻ bị thủy đậu, cha mẹ đừng quên những kiến thức dưới đây.

Triệu chứng của trẻ mắc bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus mang tên Varicella Zoster Virus gây ra. Trên 90% số trẻ em chưa tiêm phòng vaccine có khả năng mắc bệnh. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, kéo dài sang hè và gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi.

Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường không khí, khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc chảy mũi,... hoặc từ nốt phỏng khi bị vỡ ra, từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét của người mắc bệnh.

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu: Tuyệt đối không được làm vỡ mụn nước! - Ảnh 1.

Khi trẻ nhiễm thủy đậu, ở mỗi giai đoạn của bệnh sẽ có những đặc điểm khác nhau:

- Với thời kỳ ủ bệnh (từ 14 - 17 ngày), trẻ thường không có triệu chứng lâm sàng.

- Thời kỳ khởi phát (khoảng 1 ngày), trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, song cũng có trường hợp sốt cao 39 - 40 độ C, trằn trọc mê sảng co giật, kèm theo viêm họng, viêm xuất tiết đường hô hấp trên. Với trẻ nhỏ ở nhiễm bệnh ở giai đoạn này thường không chịu chơi, quấy khóc.

- Thời kỳ toàn phát (thời kỳ mọc ban) có thể sẽ xuất hiện ở da mặt, kể cả chân tóc và trong miệng của trẻ nhưng hầu như không có ở lòng bàn chân, bàn tay. Khi mới mọc ban, những ban ban dát màu đỏ, sau vài giờ thành nốt phỏng nước trong, rất nông.

- Sau từ 4 - 6 ngày, nốt ban tự khô, đóng vảy và bong ra sau một tuần, không để lại sẹo vĩnh viễn, trừ khi có loét và bội nhiễm.

Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ như: Nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng xương, khớp,... thậm chí tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng 

Trong suốt quá trình sẽ nhiễm bệnh, cha mẹ cần cho trẻ cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác. Trường hợp bất kỳ ai tiếp xúc với trẻ bị thủy đậu đều phải đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Với trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ cần giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Đặc biệt, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.

Cha mẹ đừng quên thay quần áo và tắm rửa cho bé hàng ngày bằng nước ấm sạch. Bên cạnh đó, phụ huynh cần vệ sinh vùng mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.

Đối với chế độ ăn, cha mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, đồng thời bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, uống nhiều nước.

Lưu ý, để nốt phỏng tự vỡ, tránh làm vỡ các nốt phỏng vì sẽ để lại sẹo và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.

Trường hợp sốt cao từ 38.5 độ C trở lên, cha mẹ có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn của bác sĩ.  Nếu trẻ có dấu hiệu lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt phỏng nước hãy đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu: Tuyệt đối không được làm vỡ mụn nước! - Ảnh 2.

BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên.

Theo BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, trẻ bị nổi mụn nước do thủy đậu thì việc việc sinh thân thể sạch sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cha mẹ cần chú ý tắm rửa cho con hàng ngày bằng xà bông, sữa tắm hoặc pha thuốc tím. Phụ huynh nên chú ý đừng để trẻ cố gắng cào, móc các mụn nước đó vỡ ra, vì sẽ khiến siêu vi văng ra các vùng da lành khác. Nếu trường hợp mụn nước bị vỡ có thể dẫn đến vi khuẩn xâm nhập vào vết mụn gây nhiễm trùng. Bố mẹ nên dùng dung dịch xanh - methylene để giúp đầu mụn nước khô nhanh.

Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên nhấn mạnh, bản thân bệnh thủy đậu không để lại vết sẹo lõm nhưng nếu cha mẹ không vệ sinh sạch sẽ cho bé, khi da bị nhiễm trùng nặng sẽ gây ra hiện tượng sẹo lõm khi bé khỏi bệnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn