Chăm sóc “vùng kín” sau sinh

05:37 | 26/11/2015;
Trong quá trình sinh nở, “vùng kín” của chị em thường bị tổn thương. Chú ý chăm sóc, vệ sinh sẽ giúp “vùng kín” nhanh phục hồi, tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Không nên: Tắm và rửa "vùng kín" bằng nước muối. Tránh sử dụng phấn rôm, sữa tắm hoặc kem để thoa vào “vùng kín”, vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, không nên chườm nóng vào "vùng kín" bằng túi chườm, chai nước nóng.

"Vùng kín" cần chăm sóc đúng cách



Tuyệt đối tránh tự thụt rửa âm đạo, vì không chỉ nguy hiểm mà còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, mắc bệnh phụ khoa. Ngoài ra, sau khi đi vệ sinh, không dùng giấy vệ sinh để lau chùi mà nên dùng nước sạch để vệ sinh và khăn mềm để lau khô. Bởi giấy vệ sinh có thể chứa vi khuẩn và bột giấy không đảm bảo làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Khăn ướt cũng “chống chỉ định” sau khi đi vệ sinh, vì nó chứa nhiều cồn, gây bất lợi cho “vùng kín”. Khi dùng khăn lau "vùng kín" thì nên chấm nhẹ nhàng và thực hiện từ phía trước ra sau.

Nên: Dùng nước sạch, có thể kết hợp cùng dung dịch vệ sinh phụ nữ hoạt tính dịu nhẹ để vệ sinh “vùng kín”. Thay băng vệ sinh đều đặn tối đa 4 tiếng/lần để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, vì nếu để quá thời gian này thì vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi, nảy nở, dễ gây viêm nhiễm.

Ngoài ra, nên thường xuyên theo dõi “tình trạng” của sản dịch, dấu hiệu bình thường là sản dịch phải ít dần đi theo thời gian và màu máu loãng, nâu sẫm thay vì màu đó tươi. Tùy vào cơ địa mỗi người mà sản dịch sẽ kéo dài khác nhau, thường sản dịch sẽ kết thúc sau 20 ngày nhưng cũng có trường hợp tối đa là 45 ngày mới hết. Tuy nhiên, nếu quá thời gian này mà sản dịch vẫn tiếp tục kéo dài, kèm mùi hôi khó chịu, sốt, thậm chí ra cả cục máu đông thì đó là dấu hiệu bất thường. Khi đó, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Còn trong trường hợp nếu thấy lượng máu ra quá nhiều, quá nhanh, thì cần thông báo ngay cho bác sĩ bởi có thể đó là dấu hiệu băng huyết.

Với phụ nữ sinh thường, bị rạch tầng sinh môn thì cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của vết khâu xem có bị sưng nề, bầm tím hay tụ máu và có mủ  không. Tiếp đó, cần dùng thuốc sát trùng để vệ sinh vết khâu 3 lần/ngày.

Nếu phát hiện “vùng kín” có mùi hôi, cảm giác ngứa ngáy, sưng phù hoặc ra dịch lạ thì phải đến bệnh viện kiểm tra sớm, tránh để viêm nhiễm nặng.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn