Thủy ngân là một kim loại đặc biệt, tồn tại ở thể lỏng trong điều kiện nhiệt độ thường và được ứng dụng trong khá nhiều lĩnh vực như điện tử, y tế,... Tuy nhiên thủy ngân lại có tính độc rất cao và dễ gây ngộ độc cho người tiếp xúc trực tiếp với thủy ngân cũng như các hợp chất của thủy ngân. Trong đó, khá thường thấy là trường hợp vô tình chạm tay vào thủy ngân khi các dụng cụ có chứa thủy ngân bị bể, vỡ. Vậy chạm tay vào thủy ngân có sao không và cách xử lý thủy ngân như thế nào?
Như đã nói, thủy ngân (ký hiệu hóa học là Hg) là một kim loại khá phổ biến trong tự nhiên, được tìm thấy cả ở trong đất đá, nước, không khí và cơ thể sinh vật. Thông thường, thủy ngân thường tồn tại ở dưới dạng các hợp chất hữu cơ hoặc vô cơ hơn là thủy ngân ở dạng nguyên tố.
Thủy ngân đã được con người sử dụng và ứng dụng trong khá nhiều lĩnh vực khác nhau như chế tạo các thiết bị điện, điện tử, y tế,... Tuy nhiên thủy ngân và các hợp chất của nó lại có khả năng gây độc rất cao cho con người và sinh vật khi tiếp xúc. Các con đường tiếp xúc thủy ngân và gây độc rất đa dạng từ đường hô hấp, đường tiêu hóa cho đến thông qua da và niêm mạc,...
Khi vào trong cơ thể con người, tùy thuộc vào con đường phơi nhiễm mà nhiễm độc thủy ngân có thể có thời gian biểu hiện triệu chứng khác nhau. Trong cơ thể người thì khi ngộ độc thủy ngân sẽ tập trung ở mô não là nhiều nhất, do đó các biểu hiện và tác hại đáng chú ý của ngộ độc thủy ngân sẽ chủ yếu xảy ra ở hệ thần kinh như rối loạn thần kinh, chậm phát triển thần kinh ở trẻ có mẹ bị ngộ độc thủy ngân trong giai đoạn mang thai,...
Hiện nay, một số dụng cụ có chứa thủy ngân vẫn khá quen thuộc và được sử dụng phổ biến trong các gia đình, điển hình chính là nhiệt kế thủy ngân. Khi chẳng may nhiệt kế bị vỡ, thủy ngân sẽ được giải phóng và phóng thích ra ngoài môi trường. Do đó, việc lỡ chạm tay vào thủy ngân là không hiếm gặp do vô tình hoặc trong lúc dọn dẹp. Tuy nhiên, điều này lại khiến cho hầu hết mọi người đều rất lo lắng và phân vân rằng chạm tay vào thủy ngân có sao không?
Đọc thêm:
Nhiễm độc thủy ngân và những điều cần biết
Mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân là gì? Làm cách nào để nhận biết mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân?
Trên thực tế, dù thủy ngân có độc tính rất mạnh nhưng trong các con đường phơi nhiễm thì người ta xếp thủy ngân phơi nhiễm qua đường hô hấp (dạng hơi) là dạng có mức độ nguy hiểm cao nhất, sau đó đến phơi nhiễm qua đường tiêu hóa và cuối cùng là phơi nhiễm qua da, niêm mạc.
Hơn nữa, thủy ngân ở dạng nguyên tố như trong các nhiệt kế điện tử thường có khả năng xâm nhập kém qua da. Do đó, nếu chẳng may trong gia đình bạn có một vật dụng nào đó chứa thủy ngân bị bể, vỡ khiến thủy ngân bị vương vãi ra ngoài và lỡ chạm tay vào thủy ngân thì cũng không cần lo lắng quá mức về ngộ độc thủy ngân qua da.
Khi các dụng cụ chứa thủy ngân bị bể, vỡ và giải phóng thủy ngân thì cần phải được xử lý theo đúng cách và nhanh chóng. Bởi thủy ngân khi không được xử lý đúng cách sẽ rất nhanh bị hóa hơi trong không khí, làm ô nhiễm môi trường không khí xung quanh và có khả năng gây độc rất cao khi hít phải. Ngoài ra, nó còn có thể bị ô nhiễm vào trong môi trường đất, môi trường nước,... gây ô nhiễm lâu dài cho các khu vực này.
Khi các dụng cụ chứa thủy ngân bị bể, vỡ,... hãy bình tĩnh và đừng lo lắng quá mức. Hãy xử lý theo các bước sau:
- Nếu trong phòng có đông người thì hãy nhanh chóng đưa mọi người ra ngoài ngay lập tức, làm điều này sẽ hạn chế bớt trường hợp hít phải không khí có chứa hơi thủy ngân.
- Nếu các dụng cụ thủy ngân bị bể, vỡ khiến thủy ngân dính lên người hay quần áo thì cần nhanh chóng cởi bỏ và thay quần áo sạch ngay lập tức. Đối với vùng da bị dính thủy ngân thì cần rửa sạch ngay với xà phòng và rửa kỹ lại với nước sạch, trong trường hợp niêm mạc (mắt, miệng, mũi,...) thì cần rửa kỹ liên tục bằng nước muối sinh lý để loại bỏ thủy ngân còn sót lại.
- Thu dọn thủy ngân bằng các phương pháp thích hợp. Nếu trong nhà có bột lưu huỳnh, hãy rắc một ít bột lưu huỳnh lên khu vực có thủy ngân, lưu huỳnh và thủy ngân kết hợp sẽ sinh ra một hợp chất rắn, không bay hơi khiến việc thu dọn an toàn và dễ dàng hơn. Còn nếu không có bột lưu huỳnh thì sử dụng tăm bông hay giấy mỏng đặt xuống nền nhà sau đó dùng chổi lông quét nhẹ nhàng để thu dọn.
Cần lưu ý rằng, trong suốt quá trình thu dọn thủy ngân thì nên đeo găng tay cao su hoặc găng tay nylon để tránh thủy ngân tiếp xúc với da. Thủy ngân thu dọn được cùng với các dụng cụ sử dụng phải được cất vào lọ kín hoặc túi kín để tránh thủy ngân hóa hơi và phát tán ra không khí hoặc thấm vào các môi trường xung quanh.
- Đối với quần áo có dính thủy ngân, cần ngâm nước lạnh trong khoảng 20 phút. Sau đó giũ sạch quần áo và tiếp tục ngâm trong nước xà phòng có nhiệt độ cao trong khoảng 30 phút rồi giặt lại bằng nước sạch một lần nữa để loại bỏ hoàn toàn thủy ngân.
- Khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ ngộ độc thủy ngân, hãy đưa ngay người ngộ độc đến cơ sở y tế được xử trí kịp thời bằng đúng phương pháp.
Trên đây là giải đáp sơ lược cho câu hỏi chạm tay vào thủy ngân có sao không và cách xử lý cơ bản khi các dụng cụ có chứa thủy ngân bị bể, vỡ. Hơn hết, mỗi người trong chúng ta cần tự trang bị cho mình các kiến thức để sử dụng các dụng cụ chứa thủy ngân một cách an toàn, xử lý đúng cách khi có sự cố xảy ra để tránh ngộ độc thủy ngân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn