Chăm trẻ sơ sinh mà bật đèn ngủ cả đêm: Những tác hại không ngờ

14:30 | 06/06/2020;
Mục đích ban đầu của việc bật đèn là để bảo vệ và chăm sóc trẻ tốt hơn, nhưng nếu đèn được bật không đúng cách chẳng hạn như bật đèn quá sáng, bật đèn trong một thời gian dài lại có hại cho sức khỏe của trẻ.

Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ là vô cùng quan trọng. Ban ngày trẻ thức giấc và hoạt động khá nhiều vì thế ban đêm trẻ cần được ngủ sâu để tái tạo năng lượng. Nhưng ban đêm cũng là lúc nhiều ông bố bà mẹ phải quay cuồng với rất nhiều việc phải làm cho trẻ như thay tã, cho con ăn, quan sát giấc ngủ của con… Chính vì vậy, nhiều người có thói quen bật đèn ngủ để có thể kịp thời xử lý các vấn đề thay vì lập cập tắt đèn/bật đèn.

Thói quen của Ning Ma – một người mẹ trẻ cũng tương tự như vậy. Trong thời gian chăm con mọn, cô thường thích bật đèn và vì cảm thấy quá mệt mỏi khi cứ phải liên tục dậy để chuẩn bị mọi thứ cho con, nhất là khi đứa con mới sinh của cô ngủ không sâu, thức dậy liên tục.

Sau khoảng 20 ngày, bác sĩ đã tư vấn cho Ning Ma rằng cô cần phải tắt đèn đi vì điều đó ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Thật bất ngờ, khi cô làm theo lời khuyên ấy, chất lượng giấc ngủ của trẻ tốt hơn trước rất nhiều. Trẻ có thể ngủ trong một khoảng thời gian dài hơn và điều này khiến người mẹ trẻ vô cùng hài lòng.

Những tình huống khiến nhiều bố mẹ phải bật đèn vào ban đêm

Trên thực tế, trẻ sơ sinh có rất nhiều vấn đề cần người lớn can thiệp trong 1 đêm, vì thế mà nhiều ông bố, bà mẹ chọn cách bật đèn để nhanh chóng xử lý tình huống. Dưới đây là những lý do để họ làm thế:

Trẻ thường xuyên thức dậy vào ban đêm

Dạ dày của trẻ rất nhỏ, sau khi uống sữa nó chỉ có thể duy trì cảm giác no trong vài giờ ngủ và khi đói, trẻ dĩ nhiên không thể ngủ ngon được. Trung bình cứ sau khoảng 2 tiếng, thậm chí có trẻ là 1 tiếng sẽ thức dậy để ăn một lần.

Khi trẻ thức, bố mẹ sẽ phải kiểm tra xem con có tiểu ướt không, thay tã… Trẻ sơ sinh cũng thường ị vào ban đêm nên cần phải được lau rửa sạch sẽ.

Chăm trẻ sơ sinh mà bật đèn ngủ cả đêm: Những tác hại không thể ngờ - Ảnh 1.

Có nhiều hoạt động phải chăm trẻ vào ban đêm, để thuận tiện, bố mẹ thường hay có thói quen bật sẵn đèn (Ảnh minh họa)

Sau khi giải quyết vấn đề vệ sinh, trẻ cũng cần phải được cho ăn. Nhất là với những trẻ bú bình bố mẹ cần phải quan sát tốc độ bú của bé để tránh bị sặc…

Những việc này đều cần ánh sáng để làm. Vì có quá nhiều việc nên một số ông bố, bà mẹ chọn cách bật điện suốt đêm.

Mẹ phải hút sữa

Vào ban đêm, sữa mẹ thường về nhiều hơn. Để không bị tắc sữa, kích thích quá trình tiết sữa tự nhiên, nhiều bà mẹ phải hút sữa mỗi đêm. Dĩ nhiên, việc làm này cũng cần phải có ánh sáng. Vì thế họ bật đèn.

Trẻ có thể bị nôn trớ

Khi mới sinh, dạ dày của trẻ xẹp, cơ hoành chưa được phát triển hoàn thiện nên các vấn đề như sặc sữa, nôn trớ thường xuyên xảy ra. Nếu trẻ bị nôn trớ, thậm chí là tràn sữa ra tai có thể gây ra các vấn đề như viêm mũi, viêm tai. Nếu trẻ bị nôn trớ, còn có thể gây ngạt, vì thế cần phải sơ cứu. Việc này cũng cần phải bật đèn mới có thể làm được.

Trẻ em đạp chăn ra khi ngủ

Trẻ sơ sinh dù nhỏ, yếu ớt nhưng vẫn có thể đạp tung chăn ra khỏi người khi đi ngủ. Nếu nhiệt độ phòng ấm áp thì việc đó cũng không quá ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu phòng có nhiệt độ thấp thì trẻ sẽ rất dễ bị cảm lạnh. Người mẹ thường hay chọn cách bật đèn ngủ để quan sát mọi thứ xảy ra với con, kịp thời kéo chăn đắp cho con.

Những tác hại khi bật đèn cả đêm mà nhiều người không hiểu

Mục đích ban đầu của việc bật đèn là để bảo vệ và chăm sóc trẻ tốt hơn, nhưng nếu đèn được bật không đúng cách chẳng hạn như bật đèn quá sáng, bật đèn trong một thời gian dài lại có hại cho sức khỏe của trẻ:

Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Với những trẻ từ 0 đến 3 tuổi, hệ thần kinh của bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển và khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường rất kém. Dưới sự kích thích của ánh sáng, trẻ dễ dàng bị đánh thức và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Khi bật đèn sáng cả đêm, giấc ngủ của trẻ không ổn định, trẻ ngủ ngắn, thường xuyên ngọ nguậy và chuẩn bị thức dậy. Sau khi tắt đèn, thời gian ngủ của trẻ sẽ kéo dài hơn 1 giờ so với trước đây và người lớn, đặc biệt là mẹ cũng có giấc ngủ ổn định hơn.

Chăm trẻ sơ sinh mà bật đèn ngủ cả đêm: Những tác hại không thể ngờ - Ảnh 2.

Sau khi tắt đèn, thời gian ngủ của trẻ sẽ kéo dài hơn 1 giờ so với trước đây và người lớn, đặc biệt là mẹ cũng có giấc ngủ ổn định hơn. (ảnh minh họa)

Ảnh hưởng đến chiều cao

Trong giai đoạn trẻ 0 – 3 tuổi, bật đèn ngủ sẽ ảnh hưởng đến quy luật tự nhiên của cơ thể trong việc thích nghi giữa ngày và đêm, ảnh hưởng tới việc tiết hormone tăng trưởng và làm chậm sự tăng trưởng chiều cao của trẻ.

Sự tiết hormone tăng trưởng vào ban đêm chiếm 20 – 40%. Khi đèn bật sáng cả đêm, cơ thể sẽ không phân biệt được ngày, đêm và làm giảm tiết hormone quý giá cho chiều cao của trẻ.

Ảnh hưởng đến thị lực

Theo một số báo cáo nghiên cứu, trẻ em 2 tuổi chịu ánh sáng khi bật đèn ngủ cả đêm sẽ có tỷ lệ cận thị là 34%. Sau 2 tuổi, nếu ngủ trong ánh điện sẽ có khả năng cận thị trong tương lai lên đến 55%.

Nguyên nhân là do ánh sáng phá vỡ nhịp sinh học, khiến cho đồng tử không thực sự được nghỉ ngơi, thư giãn. Các dây thần kinh và cơ trên mắt luôn trong trạng thái hoạc động, ảnh hưởng đến thị lực và thậm chí có thể gây ra các bệnh về mắt khác.

Tăng cân, béo phì

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng vào đêm khuya có thể gây tăng cân, kết luận này đã được chứng minh ở động vật thí nghiệm.

Cân nặng là một chỉ số quan trọng để đo lường sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tăng cân quá mức sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ và cũng có thể gây ra các bệnh về thể chất khác.

Ức chế melatonin

Bật đèn cả đêm có thể làm giảm 50% sự tăng trưởng của melatonin. Melatonin có thể hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim và tăng cường khả năng miễn dịch. Nếu sự bài tiết melatonin giảm, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm và có nhiều khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Melatonin có thể ức chế sự tiết của gonadotropin bởi tuyến yên, do đó ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục. Nếu melatonin bị giảm, nó có thể gây ra dậy thì sớm.

Chăm trẻ sơ sinh mà bật đèn ngủ cả đêm: Những tác hại không thể ngờ - Ảnh 3.

Trẻ em 2 tuổi chịu ánh sáng khi bật đèn ngủ cả đêm sẽ có tỷ lệ cận thị là 34%. Sau 2 tuổi, nếu ngủ trong ánh điện sẽ có khả năng cận thị trong tương lai lên đến 55%. (Ảnh minh họa)

Chú ý những điều này nếu buộc phải bật đèn ngủ

Sau những tác hại được kể trên, rõ ràng, tốt nhất là không nên bật đèn ngủ. Nhưng trên thực tế vẫn có những lúc, những việc mà bố mẹ phải bật đèn mới có thể làm được. Vì vậy, hãy lưu ý những điều này để làm giảm tác hại cho trẻ

Sử dụng đèn màu ấm

Chuẩn bị đèn ngủ màu ấm (đỏ hoặc cam), ánh sáng dịu hơn và không kích thích cơ thể trẻ. Tránh sử dụng đèn pha để chiếu sáng căn phòng.

Bạn cũng có thể sử dụng đèn bàn để điều chỉnh vị trí của ánh sáng để đảm bảo rằng ánh sáng không chiếu trực tiếp vào trẻ nhưng vẫn có thể nhìn thấy chuyển động của trẻ. Khi trẻ thức dậy, hoặc bạn cần thay tã, thay bỉm cho con thì điều chỉnh vị trí của đèn bàn để nhìn rõ hơn.

Gần một tháng, chế độ ăn uống và vệ sinh của trẻ sẽ đều đặn hơn, bạn có thể tắt đèn đi ngủ, để giảm thiểu tác hại cho trẻ.

Bổ sung dinh dưỡng cho sữa mẹ

Đối với trẻ sơ sinh, tất cả dinh dưỡng đều đến từ các bà mẹ, vì vậy các bà mẹ nên chú ý bổ sung dinh dưỡng phong phú để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Ăn nhiều rau và trái cây, bổ sung vitamin và anthocyanin, có thể cải thiện khả năng miễn dịch của con bạn và giảm tổn thương cho thị lực.

Chăm trẻ sơ sinh mà bật đèn ngủ cả đêm: Những tác hại không thể ngờ - Ảnh 4.

Sự tiết hormone tăng trưởng vào ban đêm chiếm 20 – 40%. Khi đèn bật sáng cả đêm, cơ thể sẽ không phân biệt được ngày, đêm và làm giảm tiết hormone quý giá cho chiều cao của trẻ.

Cho trẻ ra ngoài chơi

Khi thời tiết tốt, bạn có thể đưa trẻ ra ngoài để tương tác, thích nghi với các ánh sáng khác nhau, cải thiện khả năng điều chỉnh ánh sáng và bóng tối, đồng thời cải thiện khả năng miễn dịch và tăng cường sức khỏe.

Kết luận

Tiến sĩ Russell của Đại học bang Texas cho biết: Chúng ta nên ngủ trong một môi trường hoàn toàn tối, có thể có tác động đáng kể đến nhịp điệu của melatonin, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ, cải thiện tâm trạng và tăng cường sức sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn