Chấn động gian lận thi cử: Phụ huynh, học sinh choáng váng và phẫn nộ

12:54 | 20/07/2018;
Có lẽ, dư âm đằng sau tất cả sự gian lận gây choáng váng này chính là sự phẫn nộ của rất nhiều phụ huynh có con thi THPT Quốc gia năm nay và những phụ huynh đang ngày đêm đồng hành cùng con trên con đường học hành cực kỳ vất vả, để hy vọng giành được một “suất” vào trường đại học lớn.

114 thí sinh với 330 bài thi được “phù phép” nâng điểm, biến trượt thành các thí sinh điểm top đầu tại Hà Giang trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đang khiến dư luận choáng váng và phẫn nộ. Việc rà soát các thí sinh có điểm cao bất thường tiếp tục được tiến hành tại Lạng Sơn, Sơn La. Hiện tại, các phụ huynh, học sinh đang hoang mang ngờ vực về kỳ thi “2 trong 1” mà Bộ GD&ĐT vẫn luôn khẳng định là công bằng, minh bạch.

 

anh-thi123.jpg
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 (trái) và phụ huynh đội mưa chờ đón thí sinh dự thi tại TPHCM. Ảnh minh họa

 

Cơ hội vào đại học bị đánh cắp trắng trợn
 
Gần 1 tuần nay, đi đâu làm gì cũng nghe người dân xôn xao bàn tán về vụ gian lận điểm thi chưa từng có trong kỳ thi THPT Quốc gia tại Hà Giang. Hơn 330 bài thi của 114 thí sinh đã được ông Vũ Trọng Lương - Phó Phòng Khảo thí (Sở GD&ĐT Hà Giang) “phù phép” sửa điểm chỉ trong 2 tiếng đồng hồ.
 
Dư luận choáng váng khi thông tin xác minh ban đầu của Bộ GD&ĐT cho thấy, thời gian chỉ 2 tiếng đồng hồ của ông Lương vẫn đủ để sửa hàng trăm bài thi khác nhau không theo thứ tự nào. Tính trung bình mỗi bài thi trắc nghiệm sửa điểm, ông Vũ Trọng Lương chỉ mất có 6  giây để thực hiện.
 
Đây là điều khiến không một ai có thể tin nổi rằng, cá nhân ông Lương lại làm được “kỳ tích” này. Có hay không việc ông Lương chỉ là 1 cá nhân trong 1 nhóm người tham gia sửa điểm, biến điểm liệt thành những danh sách thuộc tốp đầu để dễ dàng tuyển thẳng vào các trường công an, quân đội, thậm chí là y dược?
 
Nhưng có lẽ, dư âm đằng sau tất cả sự gian lận gây choáng váng này, chính là sự phẫn nộ của rất nhiều phụ huynh có con thi THPT Quốc gia năm nay và những phụ huynh đang ngày đêm đồng hành cùng con trên con đường học hành cực kỳ vất vả để hy vọng giành được một “suất” vào trường đại học lớn.
 
Trong khi đó, những cơ hội quý giá này lại đang bị một cá nhân, và có thể là một nhóm người, ngang nhiên tước đoạt bằng cách sửa điểm dễ dàng như vậy, điều này không khác nào một “gáo nước lạnh” dội thẳng vào đầu chính những thí sinh, phụ huynh khắp cả nước. Chị Trần Mai Lan (Q.Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, con chị vừa thi vào lớp 10 THPT. Mấy tháng rồi, đồng hành cùng các con, chị thấm vô cùng cái cảm giác thi cử và chờ điểm. Có những em thậm chí chỉ thiếu 0,25 điểm thôi mà dang dở cả một giấc mơ vào ngôi trường mơ ước. Con khóc vì buồn, mẹ khóc vì bất lực và thương con.
 
“Cú đấm trời giáng”với giáo dục Việt Nam
 
“Vụ việc Hà Giang diễn ra khiến chúng tôi vô cùng đau lòng. Nếu chỉ là 1-2 điểm hoặc 1-2 trường hợp thì còn có thể chấp nhận trong chừng mực nào đó... Đằng này có những thí sinh chênh đến hơn 20 điểm. Nó giống như một cái tát vào mặt những học sinh, những phụ huynh trăn trở với điểm và trường suốt mấy tháng vừa qua. Hơn bao giờ hết, như một "cú đấm trời giáng" vào nền giáo dục Việt Nam. Câu hỏi về nhân cách, về tính công bằng liêm chính chưa bao giờ đau đáu đến thế!”, chị Mai Lan chua chát.
 
Anh Vũ Mạnh Cường (cán bộ Bộ Y tế) gọi tên vụ việc này là những cơ hội bị tước đoạt. Theo anh, 114 thí sinh này sẽ tước cơ hội học tập của 114 em khác, những người mà nhiều khả năng đã nỗ lực học tập, đã thi cử trung thực nhưng không đỗ vào được những ngôi trường mà các em mong muốn.
 
Nhưng quan trọng hơn bằng cách gian lận này 114 thí sinh được phù phép điểm sẽ trở thành những cử nhân trong tương lai và sẽ góp phần phá vỡ những điều tốt đẹp của cuộc sống, làm xói mòn những giá trị của xã hội.
 
Câu hỏi nữa đặt ra là liệu câu chuyện này chỉ xảy ra ở Hà Giang, hay còn xảy ra ở cả những địa phương khác nữa? Nếu những kẻ phù phép điểm chỉ nâng một cách “biết điều” mỗi bài thi đôi ba điểm, thì khả năng bị phát hiện là khó. Nhưng thế cũng đủ để “giết chết” những thí sinh khác vì điểm chuẩn vào trường đại học có ranh giới rất mong manh: Chỉ thiếu nửa điểm thôi thí sinh có thể đã trượt.
 
“Để lấy lại sự công bằng cho các thí sinh, Bộ GD&ĐT cần kiểm tra lại công tác chấm thi ở tất cả những nơi bị nghi ngờ, cũng như kiểm tra xác suất ở một số địa phương khác. Đừng thờ ơ khi con em của chúng ta hoàn toàn có thể bị tước đoạt cơ hội bởi những kẻ gian lận thi cử này”, anh Cường thẳng thắn.
 
vu_trong_luong_copy_yldo.jpg
Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí (Sở GD& ĐT Hà Giang) - người sửa điểm 330 bài thi đã bị khởi tố, bắt tạm giam
 
Băn khoăn kỳ thi “2 trong 1”
 
Nếu nói vụ việc ở Hà Giang là “cái tát” vào mặt phụ huynh học sinh, thì có lẽ điều này cũng đúng đối với toàn bộ ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia với những nỗ lực mà chính các vị đứng đầu ban tổ chức khẳng định rằng kỳ thi này đảm bảo tính ưu việt, vừa chất lượng vừa giảm tải áp lực thi cử và tốn kém của người dân.
 
Giảm tốn kém, giảm công sức là điều không phủ nhận, việc thi trắc nghiệm và chấm thi bằng máy cũng là sự cải tiến tốt và phù hợp chung với xu thế thế giới, nhưng rõ ràng mục tiêu “2 trong 1” của kỳ thi đang đặt ra nhiều băn khoăn. Về điều này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đã đến lúc cần xem lại cách tổ chức thi với hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau.
 
Kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia trong điều kiện này không thể bỏ được. Chỉ có điều, việc tuyển sinh vào đại học phân cho các trường, các trường dùng phương thức dựa vào điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển hay dùng hình thức khác thì tùy từng trường.
 
Ông Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu bài thi THPT Quốc gia mà dùng để xét tuyển vào đại học thì chỉ nên áp dụng với những trường thuộc tốp giữa, tốp dưới mà thôi. Còn các trường thuộc tốp trên hoặc những ngành hot thì chỉ nên xem đây là điểm... sơ khảo. “Để cải tổ kỳ thi và tránh lặp lại câu chuyện của Hà Giang, theo tôi Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm trong việc làm đề thi.
 
Hiện nay, hướng đi là đúng nhưng kĩ thuật đề thi còn chưa hoàn thiện để đề thi gọi là chuẩn hóa. Đề thi chuẩn hóa là đề thi năm nay và năm sau là tương đương nhau chứ không có chuyện năm ngoái dễ quá, năm nay khó quá nên kết quả thi năm ngoái là không thể dùng chung được”- ông Khuyến đề xuất- “Kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia theo tôi cần có khoảng 50% nội dung, câu hỏi là xuất phát từ chuẩn đầu ra của môn học đó mà trong chương trình ban hành”.
 
3_zing.jpg
Ảnh minh họa: Zing
 
Lâu nay, tiêu cực trong thi cử chúng ta vẫn chỉ nghĩ là thí sinh nhắc bài, tung đáp án, “nhòm” bài của nhau. Nhưng nguyên nhân trong vụ việc ở Hà Giang tôi nghĩ có thể đến từ quy trình tổ chức thi không nghiêm túc, tiêu cực không phải ở phía thí sinh, ông Khuyến nhận định. Chính vì thế, Bộ GD&ĐT cần xem lại khâu chấm thi, rà soát lại toàn bộ quy trình xem đã thật sự nghiêm túc hay chưa, có lỗ hổng nào không. Tiêu cực đến từ phía cán bộ thì chắc chắn phải xử lý nghiêm khâu cán bộ chấm thi.
 
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần thẳng thắn nhìn nhận về sự thất bại trong việc cố bằng mọi giá gộp chung hai kỳ thi vốn dĩ khác nhau về bản chất, vào làm một. Các trường đại học đang dần tự chủ phần lớn, vì thế hãy để các trường tự tổ chức tuyển sinh theo cách mà họ muốn, nhằm tìm được đúng đầu vào thực chất, tránh tiêu cực chạy điểm.
 
Trả lại kỳ thi đại học đúng nghĩa, cũng là điều mà dư luận đề cập, song bằng cách thức nào để giảm tải áp lực, sự tốn kém, mệt mỏi là điều mà ngành giáo dục phải tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh.
 

Hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng.

Trường hợp người thân học sinh nhờ cán bộ nâng điểm và kèm theo đó là việc trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ đưa tiền, lợi ích khác thì có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Hình phạt cao nhất đối với tội này lên đến 20 năm nếu của hối lộ (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) trị giá 1 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ nhờ mang tính chất tình cảm, không có việc đưa hối lộ thì có thể không bị xem xét về tội này. 

* Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An: “Để tổ chức cụm thi quốc gia tại một địa phương cần rất nhiều người, ở từng khâu đã được phân công rõ ràng bao gồm những ai, vị trí nào. Vì vậy, không thể nói chỉ có một đối tượng có thể gây ra sai phạm tiêu cực được. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT xác minh, để có thông tin minh bạch trước dư luận rằng ai đã tham gia, ai đã vi phạm, vi phạm ở mức độ nào và cần được xử lý theo pháp luật như thế nào. Nếu không làm rõ những “lỗ hổng” này thì không chỉ người lớn bất bình mà chính các em học sinh mất niềm tin, điều đó khiến tinh thần các em bị tổn hại nặng nề”.
 
* Anh Lê Hân (nhà báo tại Hà Nội): “Vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang nếu trót lọt, có nghĩa là có 114 em học sinh giỏi thực sự khác bị tước đi cơ hội vào những trường mình mong muốn. Cuộc đời các em sẽ bị rẽ sang một ngả khác. Việc gian lận đó là tội ác. Hãy bỏ hẳn kỳ thi đó đi, còn thi vào đại học thì nên để các trường được tự quyết!”.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn