Chị Nhung (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) thời gian gần đây có biểu hiện sưng ngón cái ở cả hai chân. Tình trạng đau trở nên nghiêm trọng hơn trong những ngày chị đi giày chật hoặc phải đứng, vận động quá lâu.
Đến khi cảm thấy chân đau gây bất tiện sinh hoạt, chị Nhung mới quyết định đi khám. Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi (chuyên khoa chấn thương chỉnh hình) là người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân.
Sau khi khai thác bệnh sử, khám lâm sàng, chụp X-Quang, siêu âm cùng các xét nghiệm tế bào ngoại vi... chị Nhung được bác sĩ kết luận biến dạng vẹo ngón 1 (Hallux valgus).
Chị Nhung chia sẻ bản thân mình có thói quen đi giày cao gót lâu năm. Thời gian gần đây thấy đau chân nên mới quyết định đi khám nhưng không ngờ bản thân bị biến dạng ngón chân cái.
Sau đó, người bệnh đã được chỉ định phác đồ điều trị nội khoa, bao gồm: Đeo nẹp ngón chân, tập luyện, và đặc biệt nên hạn chế đi giày cao gót, giày cứng.
Theo bác sĩ Nhật Thi, biến dạng vẹo ngón 1 của bàn chân là một trong những biến dạng rất phổ biến, tuy nhiên rất ít người để ý do đây không phải là một tình trạng cấp tính.
Thực tế, bác sĩ Thi đã thăm khám và điều trị cho không ít trường hợp bị biến dạng vẹo ngón 1 nhưng nhiều người hiếm khi quan tâm, nghĩ bản thân chỉ bị viêm khớp. Hơn nữa, bệnh tiến triển từ từ nên không gây đau ngay lập tức.
"Ở người già, hay gặp bệnh lý này phối hợp với các biến dạng khác của hệ khớp chi dưới như khớp gối, khớp háng. Ở chị em phụ nữ, bệnh lý này liên quan đến một thói quen rất phổ biến đó là đi giày cao gót", bác sĩ Nhật Thi chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi cho biết, nguyên nhân gây ra tình trạng này là bởi ngón chân cái là ngón chức năng lớn nhất của bàn chân. Khi đi lại, ngón chân bấm xuống đất để tọa độ vững vào giai đoạn nhấc gót.
Trong khi đó, giày cao gót có thiết kế vuốt nhọn về mũi chân và gót chân cao. Vì vậy khi đi giày cao gót, ngón chân cái thường xuyên phải chịu lực tì của trọng lượng. Độ dốc của giày cao gót càng cao thì độ chịu lực càng lớn. Lâu dần sẽ gây nên tình trạng viêm khớp, dẫn đến biến dạng khớp.
"Bàn chân là nơi thấp nhất, cũng ít được chú ý vì vậy bệnh lý này thường xuyên bị xem nhẹ. tuy nhiên về lâu dài nó vẫn gây ra những tình trạng đau mạn tính, dẫn đến biến dạng của ngón 1, thậm chí cả bàn chân", bác sĩ Nhật Thi nói.
Cũng theo bác sĩ, dấu hiệu biến dạng vẹo ngón 1 rất dễ quan sát, bao gồm:
- Xuất hiện tình trạng đau, viêm khớp bàn ngón 1.
- Gặp khó khăn khi đi dép do khớp sưng to và cọ vào thành giày hoặc dép.
- Xuất hiện dấu hiệu ngón chân cái biến dạng, vẹo và vướng vào ngón bên cạnh dẫn đến việc di chuyển sinh hoạt khó khăn.
Với những chị em có sở thích đi giày cao gót hoặc công việc bắt buộc cần sử dụng, bác sĩ khuyên chị em nên lựa chọn những đôi giày có kích cỡ vừa vặn, chiều cao hợp lý, cũng như chất liệu mềm mại, chắc chắn...
Khi có thời gian, chị em nên để bàn chân có những khoảng thời gian nghỉ bằng cách thực hiện một vài động tác nhẹ thư giãn cho đôi chân. Ngoài ra tại chỗ làm việc nên chuẩn bị sẵn một đôi giày bệt, dép bệt để sử dụng trong khoảng thời gian không cần đến giày cao gót.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn