Chấn thương sọ não kèm chấn thương tủy sống nguy hiểm như thế nào?

15:41 | 07/11/2023;
Vừa qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đã tiếp nhận một bệnh nhân 40 tuổi, vào viện với di chứng liệt vận động tứ chi sau tai nạn giao thông xảy ra vào 3 tháng trước.

Tại thời điểm tai nạn, bệnh nhân được cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Việt Đức với chẩn đoán đa chấn thương: chấn thương sọ não và chấn thương cột sống. Bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, thở máy tại Trung tâm hồi sức tích cực 1 tháng, sau đó được chuyển tới điều trị phục hồi chức năng.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội) cho biết, não bộ và tủy sống chi phối mọi hoạt động và sinh hóa của cơ thể. Sự liên quan chặt chẽ về giải phẫu của sọ não và cột sống có thể dẫn đến chấn thương đồng thời cả 2 cơ quan này, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không can thiệp kịp thời. 

Chấn thương sọ não là tình trạng tổn thương hộp sọ, nhu mô và mạch máu não, gặp phổ biến trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt hằng ngày. Theo ước tính, chấn thương sọ não ảnh hưởng đến 69 triệu người trên thế giới mỗi năm. 

Đối với chấn thương cột sống, lực tác động có thể gây di lệch hay gãy xương đốt sống, tổn thương đến dây chằng cột sống và nặng nề hơn là tổn thương tủy sống. Chấn thương cột sống làm tổn thương tủy sống có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn về vận động và cảm giác bên dưới vị trí tổn thương.

Tỉ lệ chấn thương cột sống và chấn thương cột sống cổ kết hợp đã tăng lên trong nhiều năm trở lại đây. Việc can thiệp phục hồi chức năng là vô cùng cần thiết khi bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, để lại di chứng khá nặng nề cả về vận động, ý thức, ngôn ngữ cũng như các chức năng khác liên quan đến chất lượng cuộc sống. 

Triệu chứng ở bệnh nhân chấn thương sọ não có thể là đau đầu, nôn vọt, kích động do tăng áp lực nội sọ; co giật, lú lẫn, hôn mê do tụ máu hoặc xuất huyết nội sọ... 

Đối với chấn thương cột sống, các triệu chứng có thể tìm thấy gồm liệt chi, mất hoặc rối loạn cảm giác vùng da dưới đoạn tủy tổn thương, chấn thương cột sống cổ nguy cơ gây tổn thương trung tâm hô hấp, thậm chí dẫn tới suy hô hấp…

Tuy nhiên, bác sĩ Việt Hà cho biết, không phải bệnh nhân nào cũng có đặc điểm lâm sàng rõ ràng. Do đó, để phát hiện sớm các tổn thương này, người khám cần có nhiều kinh nghiệm và có sự nhạy cảm lâm sàng. 

"Bệnh nhân hôn mê ngay sau tai nạn, tuy nhiên có trường hợp hoàn toàn tỉnh táo sau ngã, với các biểu hiện bao gồm đau ở vùng cổ lan xuống vai, đồng thời có sự giảm vận động của chi trên nên hướng chẩn đoán đến chấn thương cột sống cổ.

 Hoặc có trường hợp khác với chấn thương cấp độ I. Sau khi tai nạn, bệnh nhân bất tỉnh, điểm GCS ban đầu thấp dưới 4 điểm, mất vận động hoàn toàn. Chụp cắt lớp vi tính sọ não - cột sống cho thấy chảy máu đa khoang và gãy các đốt sống, làm mất vững cột sống và hẹp ống sống nghiêm trọng", bác sĩ Việt Hà cho biết.

Cũng theo bác sĩ Việt Hà, các biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, đôi khi chồng lấp, gây khó khăn cho việc đánh giá. Một số trường hợp bệnh nhân chấn thương sọ não có thể không có các triệu chứng điển hình hoặc bị bỏ quên trong khi xử trí cấp cứu chấn thương cột sống. 

Chấn thương sọ não kèm theo sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình điều trị lâu dài của chấn thương cột sống, nhất là khi không phát hiện ra hoặc không xử trí kịp thời chấn thương kèm theo này.

Những bệnh nhân có chấn thương sọ não kèm theo chấn thương cột sống, đặc biệt là chấn thương cột sống cổ, thường có tiên lượng xấu hơn về chức năng thần kinh so với bệnh nhân chấn thương sọ não đơn độc. 

Tiên lượng và tỉ lệ tử vong trong chấn thương sọ não phụ thuộc vào thang điểm Glasgow, điểm càng cao thì tỉ lệ tử vong càng thấp. Tuy nhiên, sự có mặt đồng thời của chấn thương sọ não và chấn thương cột sống hầu như không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống sót cũng như khả năng phục hồi chức năng thần kinh trong năm đầu sau chấn thương. 

Việc chẩn đoán và phát hiện kịp thời các trường hợp chấn thương đồng thời cột sống và sọ não có ý nghĩa lớn trong định hướng điều trị và giảm biến chứng sau này.

Bác sĩ Việt Hà cho biết thêm, sau điều trị chấn thương cần can thiệp phục hồi chức năng toàn diện, giúp tăng khả năng tự phục vụ của người bệnh. Đồng thời, có thể cân nhắc kết hợp điều trị liệu pháp oxy cao áp nhằm hỗ trợ cải thiện tình trạng kích động, tăng hiệu quả phục hồi thần kinh, hạn chế co giật do di chứng sau chấn thương sọ não…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn