23 tuổi là giai đoạn tràn đầy năng lượng của cuộc đời. Bạn mới tốt nghiệp đại học, háo hức với bao nhiêu điều mới mẻ khi bắt đầu bước vào đời. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu bạn có thể đi làm lo cho bản thân, ý thức về sự độc lập cá nhân cho cuộc sống của mình. Người trẻ cũng sẽ phải học cách vượt qua khó khăn trong cuộc sống một mình, để hình thành bản lĩnh nhất định.
Thế nhưng, cũng ở tuổi 23, có một chàng trai bị chết đói ở nhà. Nghe qua có vẻ rất đáng thương nhưng khi tìm hiểu câu chuyện đằng sau, chúng ta sẽ thấy rằng điều thực sự đáng buồn không phải là một cuộc đời vừa chớm nở đã dừng lại mà là bài học cay đắng về cách dạy con sai lầm của gia đình.
Dương Tỏa, người Hà Nam (Trung Quốc) từ nhỏ gia cảnh khá giả, sống hạnh phúc trong sự ganh tỵ của bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, ở tuổi 23, cậu buộc phải kết thúc cuộc sống còn quá trẻ của mình. Lý do lớn nhất là "lười biếng".
Dương Tỏa khi còn bé ra ngoài luôn được cha mẹ ẵm trên tay. Cho đến 8 tuổi, cha mẹ ôm không nổi vẫn sẽ dùng gánh để gánh con ra ngoài, từ nhỏ đến lớn cũng chưa từng đụng tay vào bất cứ việc gì dù nhỏ nhất. Sau khi học trung học cơ sở, do công việc học tập nặng nề hơn, Dương Tỏa cảm thấy mỗi ngày ngồi trong lớp học quá lâu, rất mệt mỏi, tự ý bỏ học về nhà ngủ. Cha mẹ sợ con cực khổ, cũng không dám mở miệng ra khuyên răn một lời.
Sau khi cha của Dương Tỏa qua đời, người mẹ không chỉ phải lao động duy trì sinh kế mà còn phải chăm sóc đứa con trai mỗi ngày chỉ biết ở nhà ngủ. Sau đó không lâu, bà mẹ cũng theo chồng, bỏ lại Dương Tỏa một mình. Vào thời điểm đó, cậu 18 tuổi, lần đầu tiên cố gắng để đi ra ngoài làm việc, nhưng trong vòng chưa đầy một ngày đã chạy về nhà vì "quá mệt mỏi".
Dương Tỏa bán tất cả mọi thứ có trong nhà để sống qua ngày, cuối cùng phải ăn xin để kiếm sống. Nhưng cho dù là ăn xin, cậu cũng lười đi ra ngoài, chỉ khi quá đói mới chịu lết ra chợ vật vờ, ăn no bụng lại về nhà ngủ hai ngày. Trong thôn có người nhìn Dương Tỏa đáng thương, mang cho cậu ít thịt, nhưng vì cậu quá lười nấu nướng nên thịt cũng hư thối đi. Mùa đông thời tiết lạnh, Dương Tỏa đem đồ đạc trong nhà đốt cháy sưởi ấm, ngay cả giường ngủ cũng đốt. Không muốn ra ngoài đi vệ sinh vì lạnh, cậu liền "đi" luôn ở trong phòng.
Tháng 12 năm 2009, Dương Tỏa bị đói, lạnh cóng đến chết trong nhà riêng của mình.
Dương Tỏa sở dĩ gặp phải bi kịch như vậy không chỉ do tính cách bẩm sinh mà chủ yếu là giáo dục gia đình không đúng cách đã đẩy tương lai cậu đến vực sâu tăm tối. Từ nhỏ cậu cảm thấy học tập rất mệt mỏi, sau đó lại thấy làm việc quá khổ cực, cha mẹ cậu bởi vì thương con vẫn luôn chiều theo mọi điều con muốn. Cho nên Dương Tỏa từ lười học đến lười ăn, lười làm, cuối cùng đói đến chết.
Cha mẹ yêu thương con cái không có gì đáng trách, nhưng làm thế nào để yêu thương không thành nuông chiều mù quáng?
1. Đừng nghĩ con còn nhỏ không biết gì
Đằng sau mỗi đứa trẻ "đầu gấu" hay ích kỉ, lười biếng chắc chắn sẽ có một cặp cha mẹ nuông chiều, nghĩ rằng con còn nhỏ chưa biết gì, lớn lên sẽ thay đổi. Cha mẹ không biết rằng từng ngày, từng ngày, rất nhiều thói quen xấu đã dần dần nảy mầm, bén rễ ăn sâu sau này cũng không thể thay đổi.
2. Học cách nói không với con bạn
Đặt quy tắc, giới hạn cho con là một nhiệm vụ đầy thách thức với nhiều bố mẹ vì con có thể nài nỉ, mặc cả, khóc lóc hoặc đòi hỏi không ngừng cho đến khi được chấp nhận. Nhưng học cách nói "Không" cũng là một nhiệm vụ quan trọng của bố mẹ vì những câu nói này có thể dạy trẻ những bài học quan trọng của cuộc sống.
Bạn nên nói "Không" khi hành động của con có thể làm tổn thương mình hoặc người khác; Nói "Không" khi con có thể tự mình làm được; Nói "Không" khi đó là điều con muốn, chứ không phải là thứ con cần; Nói "Không" khi nhu cầu của người khác (tạm thời) quan trọng hơn; Nói "không" khi điều đó đi ngược lại với giá trị của bạn.
3. Hãy để trẻ học cách biết ơn
Theo Jean Piaget - Nhà Tâm lý học và Triết học nổi tiếng người Thụy Sĩ, độ tuổi phù hợp nhất để dạy trẻ cư xử đúng là từ 2-7 tuổi. Đây là khoảng thời gian trí thông minh trực quan của trẻ được hình thành và dần hiểu được giá trị của sự tôn trọng, tình thương và cả sự công bằng.
Nếu muốn con cử xử tốt khi trưởng thành thì ngay từ giai đoạn này, bố mẹ hãy tích cực nuôi dưỡng lòng biết ơn cho con. Hãy trở thành những tấm gương tốt, chia sẻ cho con về lòng biết ơn. Bố mẹ có thể giao cho con viết 2-5 điều cảm thấy biết ơn mỗi ngày rồi giải thích cho con lý do tại sao. Đây cũng là một cách thiết thực để nuôi dưỡng lòng biết ơn của con.
4. Hãy để trẻ học cách chịu trách nhiệm về bản thân
Khi các bậc phụ huynh hướng dẫn con cách đưa ra quyết định trước một sự việc thì nên dạy con chịu trách nhiệm trước lựa chọn đó. Đây là điều quan trọng mà nhiều ông bố bà mẹ thường quên hoặc không chú trọng.
Những đứa trẻ có trách nhiệm ngay khi còn nhỏ, lớn lên sẽ tiếp tục duy trì tính cách tốt này. Làm việc gì trẻ cũng đặt trách nhiệm lên hàng đầu để cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn