Bố dạy phải sống tử tế
Ngày 20/10/2017, một vị khách đã thuê Cảng, lúc đó đang lái xe ôm chở đi từ cầu Vĩnh Tuy về phố Trần Duy Hưng (Hà Nội). Vị khách đã bỏ quên 320 triệu đồng trong cốp xe của Cảng. Chỉ tới khi về tới nhà trọ, Cảng mới tá hỏa phát hiện ra số tiền lớn đó và đã cố gắng tìm vị khách để trả lại tiền nhưng không được.
Cuối cùng, Cảng đã tới trình báo sự việc tại công an phường Quang Trung, quận Đống Đa. Nhờ đó, chủ nhân của túi tiền đã tìm lại tài sản của mình. Cảng đã được UBND TP Hà Nội trao tặng Danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp Thành phố năm 2017. Đại học Điện lực cũng biểu dương Cảng trước toàn trường nhằm lan tỏa hành vi đẹp của cậu.
Trở về từ những lễ vinh danh, Cảng cho biết, cuộc sống của mình không thay đổi nhiều. Bởi, Cảng không nghĩ mình đã làm được gì lớn lao mà chỉ làm điều mình cần phải làm. “Từ nhỏ, bố đã dạy mình làm người phải sống trung thực, thẳng thắn, không ăn gian, nói dối, không vụ lợi. Tiền bạc làm ra từ chính sức lao động của bản thân thì mới biết quý và trân trọng”.
Bố Cảng bình thường rất hiền, thương con nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, không bao giờ “thỏa hiệp” với lỗi sai của con. Ông nghĩ, con mắc lỗi thì phải răn đe ngay để lần sau không bao giờ tái phạm. Nhà Cảng có 4 anh em trai, vì thế, việc dạy con càng phải cẩn thận hơn. Đó là lý do, cho tới khi 2 anh trai và Cảng đã lớn, người đi làm, người học đại học (em út Cảng hiện mới học lớp 5) nhưng bố vẫn thường xuyên nhắc nhở các con phải sống cho tử tế, không được quậy phá, chộp giật.
Cảng cho biết, cũng vì thương bố mẹ vất vả nên từ nhỏ tới lớn, chưa một lần Cảng phạm phải lỗi không trung thực. Lúc nhỏ, khi đi chơi với bạn, thấy đồ chơi đẹp và thích lắm nhưng Cảng không tắt mắt cầm về. Khi phát hiện khách bỏ quên số tiền lớn trong cốp xe, lúc đầu Cảng cũng “hoảng”. Bởi, nhà Cảng làm nông nghiệp, thu nhập chỉ đủ sống chứ làm gì có tiền tích lũy. Mỗi lần muốn mua một đồ đạc gì đó hơi lớn trong nhà, bố mẹ Cảng phải đặt kế hoạch xa và tích lũy tiền một thời gian mới gom góp đủ tiền.
Cảng và vị khách chẳng quen nhau nên muốn tìm lại được Cảng cũng khó. Thậm chí, khi tìm lại rồi thì vị khách cũng chẳng chứng minh được đã bỏ quên tiền trong xe máy của Cảng. Do đó, Cảng chỉ cần im lặng, mang tiền về nhà là bố mẹ thoải mái có tiền tiêu. Nhưng rồi Cảng lại nghĩ tới bố và bài học của bố. Cảng hiểu rằng 320 triệu đồng chẳng giúp gia đình Cảng giàu lên và bố mẹ hạnh phúc hơn mà còn làm Cảng nghèo đi về nhân cách. Cảng sẽ luôn xấu hổ vì đã chiếm đoạt tài sản của người khác mà không phải do mình làm ra.
Còn nhặt đồ, còn… trả lại
Là con trai, nhưng Cảng lại tỉ mỉ chăm lo cho bố mẹ và luôn hướng về gia đình không kém gì các bạn nữ. Cảng bảo, bố mẹ đã nuôi mình thì mình phải có trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ. Anh trai cả của Cảng đã lập gia đình và gây sựng sự nghiệp ổn định ở Hòa Bình. Anh trai thứ 2 thì làm nghề lái xe. Các anh có trách nhiệm phụ giúp bố mẹ về kinh tế trong nhà. Còn Cảng chỉ vừa mới tốt nghiệp đại học và ra Giêng mới bắt đầu tìm việc làm. Vì thế, mỗi khi có thời gian rảnh, Cảng lại về quê với bố mẹ, thay các anh chăm sóc nhà cửa, thấy bố mẹ cần việc gì thì làm việc đó vì Cảng là thanh niên trẻ khỏe trong nhà.
Có một chuyện rất thú vị, mới rồi, khi đi chơi với các bạn, Cảng lại nhặt được một chiếc túi xách đắt tiền của ai đó bỏ quên. Lúc ấy không có ai biết nên Cảng lại có thể giữ chiếc túi đó lại. Song, Cảng lại tiếp tục nhờ bảo vệ khu vui chơi gọi loa để tìm lại chủ nhân chiếc túi. Cảng kể, nếu còn có duyên nhặt được đồ thì Cảng còn trả lại cho người mất vì cậu không thể làm khác.