Chàng trai 9x mong muốn tạo vị thế cho lao động khuyết tật

14:59 | 27/09/2024;
Nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người lao động yếu thế trong xã hội, anh Nguyễn Hiếu Toàn (TPHCM) đã tìm một hướng đi mới tạo việc làm cho người lao động khuyết tật.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TPHCM, chàng trai sinh năm 1994 Nguyễn Hiếu Toàn bắt đầu công việc văn phòng ở vị trí Marketing. Cùng thời gian đó anh tham gia vào Dự án Thu hẹp khoảng cách giữa người lao động yếu thế trong xã hội như người sau cai nghiện, người già neo đơn, trẻ em mồ côi... Trong Dự án này, anh đã có cơ hội làm việc cùng người lao động khuyết tật.

Chàng trai 9x mong muốn tạo vị thế cho lao động khuyết tật- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hiếu Toàn người sáng lập nhóm "Bắt Con Cá"

"Trong quá trình làm việc cùng, mình nhận thấy các anh chị đều là những người rất tỉ mẩn,  khéo tay, phù hợp làm những món đồ handmade. Có người thâm niên hơn 10 năm trong ngành may", anh Toàn cho biết.

"Thay vì bắt một con cá thật có thể "bắt con cá" vải - bảo vệ động vật biển – bắt về làm một người bạn, đồng hành trong các chuyến đi. Người bạn này sống động như thật từ những họa tiết xương cá bên trong khác nhau cho từng con", anh Toàn chia sẻ về ý tưởng sản phẩm. Đồng thời anh mong muốn kết hợp cùng với tay nghề khéo léo tỉ mỉ từ người lao động khuyết tật, nên anh đã ngỏ lời mời hợp tác cùng đội ngũ này. 

Năm 2023 anh bắt đầu thành lập nhóm "Bắt Con Cá" và khởi động kinh doanh với các sản phẩm túi vải được may bởi đôi bàn tay của các phụ nữ khuyết tật vận động (quận Bình Tân, TPHCM). Các sản phẩm được thiết kế và may mô phỏng theo hình dạng của một số loài động vật biển như: cá chuồn, cá sơn thóc... với nhiều kích thước khác nhau.

Chàng trai 9x mong muốn tạo vị thế cho lao động khuyết tật- Ảnh 2.

Quan điểm của Toàn là không khai thác hình ảnh người lao động khuyết tật để truyền thông bán hàng. Toàn muốn người tiêu dùng chọn mua vì chất lượng sản phẩm thay vì bị chi phối mua để ủng hộ người khuyết tật

Khi các sản phẩm này xuất hiện ra thị trường đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng, đặc biệt nhiều người cảm thấy bất ngờ và ấn tượng sau khi biết được đây là sản phẩm do người khuyết tật thực hiện thủ công 100%.

Chàng trai 9x mong muốn tạo vị thế cho lao động khuyết tật- Ảnh 3.

Sự tỉ mỉ khéo tay của người lao động khuyết tật đã tạo ra những sản phẩm tinh xảo và hữu dụng

"Nhóm cộng tác với người lao động khuyết tật thông qua nhóm trưởng. Nhóm trưởng sẽ nhận đơn hàng nguyên phụ liệu và yêu cầu, sau đó sẽ phân chia mẫu số lượng lại cho những người khác. Nhóm thường xuyên có 5-6 người làm cố định, khi có những đơn hàng lớn cần thời gian trả hàng nhanh, sẽ có thêm nhiều người tham gia", anh Toàn cho hay.

Dù tay nghề cao, đường may tỉ mẩn, kỹ lưỡng, tuy nhiên khi nhắc đến sản phẩm của người lao động khuyết tật, chúng ta dễ hình dung về những chiếc túi thổ cẩm, sản phẩm đan len, sâu vòng đá... mặc dù họ có nhiều hơn thế. 

"Người khuyết tật có thể làm ra những sản phẩm đẹp và hữu dụng hơn, chứ không đơn thuần một số món đồ thủ công nhỏ bé. Thông qua những sản phẩm của mình, tôi hy vọng mang thêm một góc nhìn về sản phẩm của người lao động khuyết tật. Để mọi người nhìn nhận họ cũng có thể tạo nên những sản phẩm hiện đại, hợp xu hướng và đặc biệt là còn rất đẹp từ đường kim mũi chỉ" - anh Toàn thông tin.

Hiện nay, nhóm của anh đang bán sản phẩm tại các sàn thương mại điện tử và các đại lý ký gửi, cửa hàng quà lưu niệm tại TPHCM, Đà Nẵng và Phú Quốc. Thu nhập bình quân cho mỗi lao động ổn định khoảng 5-6 triệu/người/tháng. Các thành viên vẫn có những công việc khác vào ban ngày và đây xem như một khoản thu nhập có thể kiếm thêm vào cuối tuần hoặc buổi tối.

Theo anh Toàn, để khẳng định giá trị của người lao động khuyết tật trong xã hội thì việc cần làm và quan trọng nhất đó là thay đổi tư duy về họ cũng như về sản phẩm của họ. Ở đây, các thành viên được đối xử bình đẳng theo phương diện hợp tác, trao đổi giá trị cho nhau giống như một đơn vị gia công sản xuất khác.

"Mình nghĩ điều này rất quan trọng, khi đó người lao động khuyết tật sẽ tránh được tâm lý đang được giúp đỡ, hỗ trợ. Thay vào đó sẽ là sự tự tin và tay nghề của mình và họ sống được bằng thu nhập của mình", anh Toàn chia sẻ.

Chàng trai 9x mong muốn tạo vị thế cho lao động khuyết tật- Ảnh 4.

Ở đây, các thành viên được đối xử bình đẳng theo phương diện hợp tác, trao đổi giá trị cho nhau giống như một đơn vị gia công sản xuất khác

Chính vì hình thức sản xuất kinh doanh này, nhóm tự tin vào công năng hữu dụng, mẫu mã đa dạng, giá thành hợp lý đủ làm yếu tố thuyết phục mua hàng. Về phía người mua hàng, họ đã chọn mua vì công năng, vì mẫu mã, vì giá thành, vì chất lượng sản phẩm. Sau khi mua khách hàng mới được tiết lộ sản phẩm được may bởi người lao động khuyết tật, thông qua đó sẽ mang thêm góc nhìn mới về tay nghề, chất lượng sản phẩm của họ. Khách hàng chọn mua vì sản phẩm chứ không chọn mua vì đó là sản phẩm của người khuyết tật.

Anh Toàn hy vọng tương lai có thể kết nối và mở rộng hơn các cửa hàng đại lý ký gửi sản phẩm cũng như đa dạng thêm các sinh vật biển, để thu hút thêm nhiều "thủy thủ chèo thuyền vào vùng biển để bắt con cá".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn