“Thuở nhỏ, khát khao được khám phá thế giới. Trưởng thành, chỉ muốn ở nhà ngồi bên cửa sổ chống cằm nhìn ngắm thế giới đổi thay. Anh nghỉ việc, về quê chụp cho bà nội bộ ảnh thời trang, từ đó nổi tiếng. Đến khi nổi tiếng lại quyết định lui về ở ẩn”.
Trong tiềm thức của nhiều người, một bà lão nông thôn gần 80 tuổi thường có mái đầu bạc trắng, vết nhăn đầy mặt, lam lũ một đời vì gia đình, có hình tượng hơi “nhà quê”, thật sự xa vời với từ “thời trang”.
Thế nhưng bà lão trong bộ ảnh “cực ngầu” nhận được 260 nghìn lượt thích dưới đây lại khác. Tác giả của bộ ảnh này là người cháu tên Lý Khải Hàng, từng là chàng sinh viên chuyên ngành thể dục thể thao được nhiều người theo đuổi.
Bộ ảnh này chứa đựng cả tình cảm sâu đậm của hai bà cháu.
Trong mắt Lý Khải Hàng, bà nội 79 tuổi là người phụ nữ nông thôn bình thường hy sinh cả đời cho gia đình. Ngoài việc cày cấy, làm ruộng quanh năm suốt tháng, không có việc gì có thể khiến bà nhiệt huyết đong đầy hơn.
Có một ngày, bà lên sân thượng phơi khoai lang, mặc chiếc áo len đỏ sặc sỡ. Lý Khải Hàng đã bị hấp dẫn bởi hình ảnh bà cùng bầu trời xanh phía sau.
“Đối với tôi, khoảnh khắc đó như sự bùng nổ của thị giác”. Thế là nhiều ý tưởng bật ra trong đầu chàng trai. Từ đó, bà nội đã trở thành nhân vật chính trong những bức ảnh của Lý Khải Hàng.
Bà nội mặc áo xanh lam, cầm bóng bay đỏ, phía sau là phông cảnh màu vàng. Gương mặt được chụp cận hiện rõ sự chân chất lẫn những nếp nhăn của thời gian. Đi hết nửa đời bể dâu, ánh mắt của bà hiện lên sự dung dị và bình thường của nhân gian.
Túi rác trong tay bà không nhất thiết chỉ dùng để đựng rác. Nó còn có thể tung bay phấp phới theo gió và động tác tay của bà, khiến cảnh trời cô đơn nhuộm thêm sắc đỏ sống động, đầy sức sống.
Bà đội mũ đan tre, đứng trước đống củi. Trên người khoác chiếc áo màu đen, bỗng chốc trở thành "người bà ngầu nhất vùng nông thôn".
Bà cầm chiếc túi rẻ tiền, đeo thêm thắt lưng, không cần trang điểm cũng đủ toát lên khí chất thời trang đỉnh cao.
Không cần rườm rà, bà ngồi tạo dáng với những tấm giấy trắng, thản nhiên tựa vào ghế gỗ, cũng có thể toát ra nét trải đời và chiêm nghiệm của thế giới đời thường.
"Ngầu" nhất có lẽ là bộ ảnh bà đeo kính đen, hai tay cầm bình tưới cây màu xanh. Biểu cảm lạnh lùng, như diễn viên phim hành động.
Lý Khải Hàng chỉ sử dụng những đồ dùng hằng ngày trong toàn bộ ảnh chụp của bà. Anh cho rằng: "Thế giới ngoài kia rất xinh đẹp. Nhưng tôi cảm thấy những thứ bên cạnh mới đáng trân quý nhất".
Lý Khải Hàng (1997), chàng trai cũng từng có ước mơ trở thành người phi thường trong xã hội.
Trong chuyến đi đến cao nguyên Á Đinh (Tứ Xuyên) cao 4.600m, cơ thể của anh bị sốc vì chưa thích ứng với điều kiện vùng cao.
Trước ranh giới của cái chết, trong đầu anh chỉ nhớ về gia đình và bạn bè, còn có những bức hình chụp chung đầy thân thương. Nhờ ý chí sắt đá, anh đã cố gắng lê thân mình trở về.
Sau đó, Lý Khải Hàng phát hiện, mặc dù bản thân đi rất nhiều nơi, nhưng quê nhà vẫn là nơi anh nhung nhớ nhất. Thời gian đó, anh chỉ mới tốt nghiệp đại học được nửa năm, vì yêu thích nhiếp ảnh nên đã chọn làm nhân viên trong khu thắng cảnh, thời gian rảnh rỗi có thể đi dạo chụp lại những bức ảnh yêu thích.
Thế nhưng cuộc sống thành thị lại khiến Lý Khải Hàng cảm thấy bất an. Thế là anh quyết định trở về quê nhà (Triệu Khánh, Quảng Đông) để sống chậm lại và tự do tự tại.
Anh dành 2 năm để sáng tạo tác phẩm nhiếp ảnh và sống đúng với bản thân. Điều quan trọng hơn là đồng hành cùng bà nội đã tuổi già sức yếu. "Tôi không muốn đợi đến lúc mất đi rồi mới hành động".
Tháng 7/2020, Lý Khải Hàng chính thức nghỉ việc với lý do: "Thuở nhỏ, khát khao được khám phá thế giới. Trưởng thành, chỉ muốn ở nhà ngồi bên cửa sổ chống cằm nhìn ngắm thế giới đổi thay".
Về nhà, Lý Khải Hàng đã tu bổ lại gian phòng cũ trước nhà. Lầu 2 trở thành studio, sân thượng trở thành nơi tác nghiệp chụp hình.
Khi rảnh rỗi, Lý Khải Hàng phụ giúp bà nội trồng rau, cuốc đất, đào khoai..., còn biến bà trở thành nhân vật trong những bức ảnh của mình.
Ngày lễ Tình nhân, Lý Khải Hàng cùng bà nội ra bờ sông đốt pháo. Trong cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, ánh tịch dương và pháo hoa rực sáng tương phản với nhau, bà nội vui đến cười không ngớt.
Người trong thôn lại đồn đoán rằng Lý Khải Hàng thất nghiệp, không chịu làm việc kiếm tiền, chỉ biết ăn chơi hưởng thụ.
Mặc dù không hiểu những gì Lý Khải Hàng đang làm, nhưng bà luôn đứng về phía cháu trai: "Đừng quan tâm đến lời của họ, cứ làm những gì mình thích là được".
Có bà nội và gia đình đứng sau động viên, Lý Khải Hàng càng yên tâm thực hiện niềm đam mê.
Sau khi đăng tải những đoạn video của bà nội lên mạng xã hội, Lý Khải Hàng trở nên nổi tiếng vô cùng với biệt danh "Nhiếp ảnh gia của bà nội thời thượng".
Nhưng trên thực tế, Lý Khải Hàng không chỉ chụp bà nội, mà là cả gia đình. Bởi lẽ đối với anh, gia đình là quan trọng nhất.
Ai cũng nghĩ rằng Lý Khải Hàng học ngành liên quan đến nhiếp ảnh và thời trang. Nhưng thật ra, anh học ngành thể dục thể thao, nhưng lại dành hầu hết thời gian vào nhiếp ảnh, đọc sách, viết lách, du lịch.
Sau khi nổi tiếng, nhiều người khuyên Lý Khải Hàng nên nhân lúc này để kiếm càng nhiều tiền càng tốt.
Đương nhiên, Lý Khải Hàng luôn phủ định những lời khuyên này. "Nổi tiếng trên mạng lúc nào cũng được, nhưng không thể dài lâu. Chỉ có những tác phẩm thấm đẫm nhân sinh đời thường mới có thể vượt qua thử thách của thời gian".
Lý Khải Hàng chấp nhận mình chỉ là nhiếp ảnh gia bình thường, vì chỉ có thế này mới không đánh mất sơ tâm của người yêu thích nhiếp ảnh.
Sau đó, Lý Khải Hàng đã vác ba lô đi thăm thú nhiều nơi trên thế giới. Cuối tháng 6 vừa qua, anh trở về Quảng Đông và bắt đầu cuộc sống một mình ở Chu Hải.
Lý Khải Hàng cảm thấy đồng hành không có nghĩa là lệ thuộc và ỷ lại, mà chính là mối quan hệ ai cũng cảm thấy thoải mái. Việc anh không còn ở chung với bà nội là chọn lựa được gia đình ủng hộ.
Bộ ảnh "Tôi và bà nội" có lẽ không được cập nhập thêm nữa, nhưng đến một lúc thích hợp, anh sẽ mở cho bà buổi triển lãm. Quan trọng hơn, thời gian sống cùng bà nội luôn nằm trong tim của Lý Khải Hàng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn