Quê hương của Aun nằm ở tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan. Ngày nhỏ, cậu bé khiếm thị hay được nghe radio cùng bà. Có lần, cậu vô tình bắt trúng vài kênh tiếng Việt. Aun hỏi bà: "Bà ơi, Việt Nam là ở đâu thế? Việt Nam có xa mình không? Sao tiếng nói này lại hay quá bà nhỉ"...
Một tình yêu kỳ lạ bắt đầu nảy nở trong lòng cậu bé 6 tuổi. Aun mong muốn mình được học tiếng Việt khi lớn lên. 11 tuổi, Aun một mình đến Bangkok để học trường đặc biệt dành cho trẻ khiếm thị.
Aun (áo trắng)
Khi lớn lên, chàng trai xuất sắc tốt nghiệp Đại học Thamasat, ngành Luật vẫn ấp ủ ước mơ được học tiếng Việt. Anh bắt đầu học tiếng Việt bồi, có thể nói được chữ "xin chào", "cảm ơn" kèm vài lời giới thiệu bản thân.
Năm 2006, Aun lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam để du lịch. Anh đã bị cuốn hút bởi văn hoá Việt Nam, những món ăn ngon cùng giọng nói ngọt ngào, sự chân thành, dễ mến của dân địa phương. "Tôi không thể nhìn thấy gì, nhưng trong tôi, Việt Nam là những nụ cười trải dọc dải đất hình chữ S", Aun nói.
Trở về nước, anh vẫn tiếp tục trò chuyện cùng một số bạn bè người Việt mà anh làm quen từ trước. Đam mê trong Aun lớn dần, đến năm 2013, chàng trai khiếm thị quyết định sang Việt Nam để học tiếng Việt.
Anh nhớ lại: "Quyết định này đã khiến bố mẹ tôi vô cùng lo lắng nhưng họ không hề ngăn cản. Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, bố mẹ trân quý sự học và luôn ủng hộ mọi lựa chọn của con cái. Trước ngày tôi sang Việt Nam, mẹ dấm dúi ít tiền làm lộ phí, để tôi bắt đầu hành trình mới của đời mình".
Từ bỏ công việc ổn định tại quê nhà, Aun quyết tâm theo học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM, ngành Việt Nam học. Nhớ lại khoảng thời gian đầu ở Việt Nam, chàng trai này vẫn còn nguyên cảm xúc: "Tôi thuê một căn trọ nhỏ gần trường. Điều khó khăn lớn nhất là tôi không nhìn thấy đường, khi di chuyển đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè xung quanh. Người giúp tôi đặt xe ôm công nghệ, cô chủ nhà dìu tôi sang đường, đặt thức ăn giúp... Tôi vô cùng xúc động khi nhận được tương trợ ấy".
Học ngoại ngữ vốn là điều không dễ dàng, nhưng đối với Aun nó càng khó khăn gấp bội. Chàng trai khiếm thị phải nhờ bạn bè gõ nội dung từ sách, chuyển thành file trên máy tính. Sau đó, anh nhờ một mái ấm thiện nguyện in thành sách chữ nổi. Đó là cách Aun có thể "đọc" được sách.
Bên cạnh đó, anh còn mang theo máy ghi âm để thu lại những gì thầy cô giảng trong lớp rồi về nhà ôn tập. Với đam mê cùng nghị lực phi thường, Aun luôn là sinh viên xuất sắc của khoa. Tiếng Việt của anh đạt mức 6/6 của trình độ C2, tức ngang ngửa với người Việt.
Để có thêm kinh phí học tập, Aun dạy tiếng Thái cho người Việt. "Ban đầu, lớp học này diễn ra online, tôi thường không chia sẻ việc mình là người khiếm thị cho học viên biết, vì lo ngại họ sẽ không tin tưởng.
Aun cùng các học trò
Tôi nhận diện học trò mình qua giọng nói. Đến ngày nọ, khi biết tôi không có đôi mắt sáng, học trò vẫn tiếp tục theo học, thậm chí còn đông hơn trước. Một vài người bày tỏ sự cảm phục trước nghị lực của tôi khiến tôi hạnh phúc lắm. Cuối cùng, tôi mới quyết định mở lớp học tại nhà", Aun tâm sự.
Lớp học tiếng Thái của Aun rất đặc biệt. Anh dùng máy tính để gõ nội dung, chiếu trên màn hình lớn. Sau mỗi buổi học, học trò sẽ nhận được tài liệu qua email. Anh đặt ra tiêu chí "tiếng Thái thiết thực", tức chỉ dạy những gì mà người Thái nói, sử dụng trong đời sống hằng ngày, không hướng đến những nội dung không thực tế.
Tại lớp học đặc biệt này, có khi học viên phải giúp đỡ thầy bước đi, ngồi vào đúng vị trí, lấy vật dụng, di chuyển ra ngoài… Aun chưa bao giờ thấy học trò của mình, nhưng họ luôn thấy anh cùng những nghị lực phi thường phía sau.
Theo lời Aun, hạnh phúc của anh đó chính là khi nghe học trò reo vui: “Thầy ơi, em biết đọc chữ Thái rồi", "Thầy ơi em đã nói tiếng Thái được rồi", "Thầy ơi em đã đậu phỏng vấn công ty Thái rồi"...
Bên cạnh lớp học, Aun còn dành thời gian tham gia các hoạt động của trường đại học Thái Lan và Việt Nam với vai trò là một diễn giả để giới thiệu văn hóa Thái Lan cho các bạn sinh viên Việt Nam và ngược lại. "Tôi cảm thấy rất vui và tự hào Khi được góp một phần nhỏ bé của mình để chia sẻ kiến thức về ngôn ngữ cũng như văn hoá Thái - Việt", anh nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn