Mới đây, một vị “con trai ngu ngốc của nhà tài phiệt” bỗng chốc nổi tiếng trên mạng xã hội.
Chàng trai với tên tài khoản họ Chu ở Giang Tô (Trung Quốc) thu hút sự chú ý nhờ những bài đăng khoe khoang cuộc sống xa xỉ.
Khoe bản thân có quan hệ rộng, quen biết quan chức cấp cao.
Chia sẻ về câu chuyện “bị” cô tiếp viên hàng không xinh đẹp theo đuổi, chấp nhận đứng trong mưa hàng giờ đồng hồ đợi mình.
Than thở sử dụng điện thoại Apple và đồng hồ Thụy Sĩ quá chán nên đổi thành hàng nội địa để “đổi gió”.
Điều đáng buồn cười hơn là anh chàng rất thích tự trả lời phía dưới bài đăng của chính mình.
Anh cho rằng khoe khoang có thể được người khác ngưỡng mộ, được nhiều cô gái vây đến đòi làm người yêu.
Thế nhưng phản ứng của cộng đồng mạng lại khác hẳn:
“Đứa trẻ có gia đình chống lưng này có lẽ chỉ mới trải sự đời”.
“Trời ơi! Anh trai này không biết xấu hổ nhỉ? Tôi thấy ngại thay”.
“Cách hành văn của anh này giống như chưa từng được đi học bao giờ vậy!”.
Sau đó, bạn học cấp ba của anh chàng ra mặt chứng thực: “Hồi còn đi học không hề nghĩ cậu bạn này có điều kiện như vậy, chỉ biết cậu học hơi kém mà thôi”.
Sự không có học thức của chàng trai được thể hiện qua rất nhiều chi tiết:
Ví dụ, vì bản thân học hành không tốt nên anh thường buông lời căm phẫn học sinh giỏi trường danh tiếng, cảm thấy việc thi thạc sĩ hay tiến sĩ là vô dụng.
“Quá ngu ngốc. Thời đại nào rồi mà còn cho rằng con đường học hành giúp bản thân bay cao bay xa”.
“Những thành phần chỉ biết học và học thường khinh khi người có bố mẹ đứng sau hỗ trợ như tôi. Đợi đấy! Xã hội này sẽ dạy cho chúng bài học”.
Thường xuyên nói đạo lý, so sánh bản thân và bố mẹ như những quan thần giàu có và giỏi giang thời xưa. Nhưng có lẽ chàng trai này học kém môn lịch sử nên không biết những nhân vật đó đều mang tiếng “gian thần” lúc bấy giờ.
Thật vậy! Người càng nghèo tri thức thì càng có sự dũng cảm và niềm tự hào đầy bất ngờ.
Kiểu người này không biết giới hạn trong lời ăn tiếng nói là gì, tư duy nông cạn đến đáng thương. Điều này cũng dễ hiểu vì họ suốt ngày chỉ biết suy nghĩ làm cách nào để khoe bản thân giàu có ra sao để thu hút sự chú ý của người khác.
Nếu nhìn nhận kỹ càng câu chuyện của “Chu công tử” trên, sự thật phía sau chưa thể chứng thực. Liệu anh chàng có giàu có thật sự hay không vẫn là một ẩn số.
Song, vì sao anh lại bị dân mạng chỉ trích nhiều như vậy?
Thông qua phần bình luận có thể thấy, đa số người cho rằng anh khoe khoang sự giàu có một cách lố lăng, cộng thêm sự thiếu logic trong câu từ thể hiện ở các bài đăng, từ đó tạo nên 2 luồng phỏng đoán:
Một, “Chu công tử” không cần chăm lo học hành, học thức kém, nhưng vì có bố mẹ giàu nên được “hưởng ké”.
Hai, mọi thứ chàng trai khoe trên mạng xã hội hoàn toàn là bịa đặt.
Tuy nhiên, không ít cư dân mạng lại cho rằng việc “Chu công tử” lên mạng khoe cuộc sống giàu có là quyền tự do của anh. Mỗi người có một cuộc sống riêng. Hành động chỉ trích là biểu hiện của sự “ghen ăn tức ở”, không thích người khác vượt trội hơn mình.
Mỗi ý kiến đều có cơ sở. Vậy chúng ta hãy đặt ra một câu hỏi: Liệu người giàu có và tài giỏi thật sự có hành xử như “Chu công tử” kia không?
Bạn cũng có thể biết đến nhiều tỷ phú trên thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg… Họ đều có cuộc sống vô cùng giản dị. Cách ăn vận hằng ngày có phần luộm thuộm đến mức khiến người khác không thể nghĩ rằng họ sở hữu khối tài sản khổng lồ.
Bản chất về hành động chia sẻ cuộc sống giàu sang của mình, chưa cần xét đến tính chân thật, không có gì là sai. Nhưng sự mâu thuẫn trong lời ăn tiếng nói, kém hiểu biết lại khiến người khác dần nảy sinh sự phản cảm. Họ bất bình vì “một kẻ ngay cả học cũng không đến nơi đến chốn, thích buông lời khinh khi người như thế lại được sống trong nhung lụa”.
Trên thực tế, càng cố gắng tỏ ra ưu việt, tài giỏi thì càng trở thành trò cười cho thiên hạ, tự đạp đổ bản thân.
Người càng ngu ngốc thì càng đánh giá cao bản thân, càng cho rằng mình cái gì cũng hiểu. Ngược lại, người càng có giáo dục, có học thức thì càng khiêm tốn, thận trọng khi ứng xử.
Qua đó cho thấy, tri thức là tài nguyên vô cùng mạnh mẽ. Nó có thể đánh giá phẩm chất của một con người, thậm chí còn có thể phủ định giá trị của họ.
Như “Chu công tử” trên, giả sử những gì anh chia sẻ đều giả dối, nhưng nếu thể hiện câu từ có học thức, đầy logic, thu cái tôi giàu có của mình lại một chút thì anh đã không nhận về nhiều “gạch đá” như vậy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn