Theo quan điểm của bên “nhà gái” là chị Lên Kim Nhân (42 tuổi, quê Hậu Giang), phụ nữ giữ tiền hợp lý hơn vì chẳng lẽ cứ khẽ cái lại xòe tay ra xin tiền chồng. Còn chàng trai U40 Cao Văn Tuấn (40 tuổi, quê Hậu Giang, hiện đang làm việc tại TP.HCM) lại có vẻ rất khách quan khi cho rằng người giữ tiền nên là người biết tiêu tiền.
"Đối với anh, người giữ tiền phải là người biết tiêu tiền và phát huy được giá trị của đồng tiền một cách tối đa. Cầm 20 nghìn vẫn phải tạo ra một bữa cơm gia đình thực sự ý nghĩa, còn mà phải cầm 200 nghìn mới có một bữa cơm ngon thì đấy chính là nhược điểm của em và anh phải cân nhắc điều này”, anh Tuấn chia sẻ. Hiện quan điểm này gây ra những ý kiến trái chiều vì đòi hỏi có phần quá đáng của anh chàng.
Trong show Hẹn ăn trưa, anh Cao Văn Tuấn có phát ngôn gây tranh cãi về việc quản lý chi tiêu trong gia đình.
Người ta bảo chuyện tình yêu là nắm tay và nhung nhớ, còn hôn nhân là hóa đơn và con trẻ. Những mâu thuẫn xảy ra đến khá nhiều từ vấn đề tài chính. Việc chi tiêu khác nhau hoặc sự không hài lòng về nhau trong việc kiếm tiền, quản lý chi tiêu… có lẽ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rạn nứt của không ít gia đình.
Đàn ông hay có xu hướng chê vợ mình tiêu hoang, không biết kiểm soát đồng tiền, nên nhiều anh chồng dù đưa tiền cho vợ giữ nhưng trong lòng bất an. Ngược lại, phụ nữ thường “không phục” khả năng kiếm tiền của chồng. Tóm lại, khi hóa đơn được chìa ra là lúc nhiều gia đình chia xa.
Vì vậy, trong một cuộc mai mối trên show truyền hình thì việc hỏi về quản lý chi tiêu là điều dễ hiểu để xem 2 người có tiếng nói chung không.
Ở Việt Nam, người phụ nữ thường là "tay hòm chìa khóa", quản lý các khoản chi tiêu lớn nhỏ trong gia đình, bởi họ có xu hướng tỉ mẩn hơn. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại nhiều gia đình đã có khoản tiêu chung và khoản tiêu riêng dành cho vợ hoặc chồng. Đặc biệt cũng không ít gia đình lựa chọn cách ai giỏi hơn trong việc quản lý chi tiêu thì người đó sẽ nắm giữ tay hòm chìa khóa.
Như vậy, cách lựa chọn nào cũng có thể đúng, quan trọng là đôi bên đều cảm thấy hài lòng về nhau, chứ cũng không nhất nhất là cứ phụ nữ mới nên là người nắm giữ tài chính.
Ở Việt Nam, phụ nữ thường là "tay hòm chìa khóa" trong gia đình. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, với ví dụ "20 nghìn cho 1 bữa ăn ý nghĩa" của anh chàng thì nhiều người đã liên tưởng ngay đến 1 anh chàng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” đòi hỏi những điều khó như lên trời vậy.
Nhiều phụ nữ đã tức tối với phát biểu động chạm trên và cho rằng đòi hỏi này là quá đáng. Đấy là còn chưa nói giá thực phẩm leo thang hàng ngày. Nhiều chị em đã tức tối cho rằng “thà ở vậy nuôi thân béo mầm” chứ nhất định không hẹn hò với người đàn ông tính toán và đòi hỏi những điều tủn mủn vô lý như vậy. Vì vậy, họ không ngần ngại gọi anh chàng này là hà tiện, tằn tiện, keo kiệt...
Nhưng khoan! Nếu suy nghĩ rộng ra, có lẽ ý kiến của anh chàng cũng không phải là tồi khi chọn "tay hòm chìa khóa" là người biết sử dụng đồng tiền hiệu quả. Và liệu phải chăng 20 nghìn cũng chỉ là 1 con số tượng trưng cho một ví dụ cụ thể để anh chàng bàn về việc chi tiêu hợp lý. Nhưng tại sao sao con số là 20 nghìn mà không phải là 1 số khác có vẻ dễ tính toán hơn cho người đi chợ?
Phụ nữ có xu hướng không thể mê được những anh chàng rút ví đã chậm thì chớ lại còn muốn vợ đảm đang khéo co kéo. Còn các ông chồng cứ thắc mắc không biết vợ tiêu gì mà tiêu lắm, đến lúc chìa cái hóa đơn thanh toán ra mới choáng váng hóa ra thực phẩm đắt đỏ như vậy sao, tiền sữa nhiều thế ư, học hành của con tốn kém vậy sao?
Ít nhất thì làm ơn đi, đừng đưa ra cái ví dụ khó hiểu như con số 20 nghìn cho 1 bữa ăn ý nghĩa được không? Bởi suy cho cùng phụ nữ không phải lúc nào cũng cần 1 người đàn ông lãng mạn, cái họ cần đôi khi chỉ là 1 người đàn ông hiểu chuyện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn