- PV: Trong câu chuyện của Sùng A Lùng, ông bà ngoại thường xuất hiện nhiều lần, đây là những người thân có ảnh hưởng lớn tới bạn?
Sùng A Lùng: Năm tôi 1 tuổi thì mẹ tôi đã sinh em bé, khi 3 tháng, mẹ đã có bầu, ông bà thay bố mẹ nuôi tôi. Tôi lớn lên trên lưng bà, lưng ông, theo bà lên nương lên rẫy. Cho đến lúc tôi có thể làm việc, tầm 4-5 tuổi biết dắt trâu ra đồng cho ăn cỏ thì mới về phụ việc cho mẹ.
Bảy tuổi, tôi đã tự sống ngoài lán, ngoài đồng canh trâu với mấy đứa em. Ông bà như người bố, người mẹ thứ hai của tôi. Ông ngoại là người định hướng cho tôi theo nghề múa, chở tôi đi thi múa…
Mỗi khi tôi buồn, bà là người chia sẻ nhiều nhất với tôi. Khóc với bà xong, tôi cảm thấy nhẹ bớt gánh nặng của mình. Cũng có lúc bà khóc với tôi vì những âu lo tuổi già, sức yếu. Tuổi thơ của tôi vất vả, đơn độc trong gia đình dù có bố, mẹ gần bên mình nhưng bù lại, tôi được nhận tình yêu thương vô bờ của ông bà ngoại và tôi thấy may mắn lẫn mắc nợ điều ấy.
- PV: Cảm hứng về quê hương, một bản làng nơi tỉnh biên giới phía Bắc thể hiện như thế nào trên sân khấu đô thị Hà Nội, TPHCM mà bạn gắn bó?
Sùng A Lùng: Tất cả những cảnh sắc, câu chuyện, kỷ niệm ở quê, bên những người thân đều là nguồn năng lượng, là nguồn cảm hứng sáng tạo trong tôi. Dù thời gian tôi sống ở đô thị đến nay cũng bằng thời gian sinh ra và lớn lên ở bản làng rồi.
Đến bây giờ, những khi chạy chân trần trên sân khấu, khi nghe tiếng nhạc nổi lên, tôi vẫn có thể mường tượng ngay hình ảnh những buổi chiều lộng lẫy, những buổi sáng tươi mới, giữa xạc xào tiếng gió và cỏ cây ấy, tôi chạy trên những bờ cỏ, hay trên nương rẫy.
Tôi vẫn không ngừng nghĩ sẽ sáng tạo một cái gì đó về văn hóa của người Mông, dù có khi là vở diễn, có khi chỉ là cái tên tác phẩm về quê, thậm chí chỉ là ý tưởng chưa rõ nét được làm gì đó về quê hương mình. Tình yêu và sự thôi thúc tôi giới thiệu những hình ảnh, văn hóa quê mình trên sân khấu múa luôn luôn mở ra không có sự kết thúc.
- PV: Bạn đã bắt đầu gây dựng sự nghiệp ở TPHCM như thế nào?
Sùng A Lùng: Đặt chân đến TPHCM, tôi đi xin việc và bị từ chối. Tôi cho phép mình có một tuần rảnh rang để tìm hiểu về mảnh đất mà mình sẽ gắn bó với 3 triệu đồng còn lại trong ví. May thay, một người quen của chị bạn tôi cho ở nhờ nhà một tháng.
Sau một tháng, tôi xin được việc ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch thành phố (HSBO), dọn ra ngoài ở trọ vì không muốn làm phiền thêm anh bạn tốt bụng. Tôi luôn thấy áy náy nếu phải làm phiền ai đó. Giai đoạn đầu ở TPHCM thực sự vất vả với tôi.
Nhiều người bảo, vất vả quá thì quay về Hà Nội đi, ở đó vẫn có chỗ đứng cho tôi. Có lần mệt mỏi quá, tôi gọi điện cho bà ngoại khóc nấc lên. Bà nói: "Thôi về nhà đi". Nhưng về nhà thì làm gì?
- PV: Có cảm giác như con đường nghệ thuật múa là đường một chiều của Lùng?
Sùng A Lùng: Đúng là thế khi mọi việc tôi thấy dường như đều có chung chữ "duyên". Không chỉ riêng những ngày đương đầu thử thách khó khăn ở TPHCM mà từ trước đó, nhiều lúc mệt, buồn, có khi khóc với bà đấy nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện bỏ cuộc.
Dù ở bản, trẻ con mới lớn, gia đình đã bàn chuyện nghỉ học đi lấy vợ, lấy chồng. Nhưng rồi, mọi việc sẽ ổn theo cách của nó, việc của tôi chỉ là nỗ lực, nỗ lực.
- PV: Từ khi nào Lùng nhận ra múa là đam mê duy nhất của mình?
Sùng A Lùng: Tôi nhận ra múa là tình yêu của mình khi vào TPHCM lập nghiệp. Những bước đi trong suốt một thời gian dài của tôi phần nhiều là theo bản năng, nghe lời ông bà, dù qua môi trường học tập chuyên nghiệp 3 năm và 3 năm trên sàn diễn chuyên nghiệp ở Hà Nội.
Tôi muốn cố gắng để đền đáp công ơn và sự kỳ vọng ông bà dành cho mình. Nhưng rồi, từ việc được nghề chọn mình, tôi nhận ra mình đã yêu nghề vì cảm nhận được sự hạnh phúc lẫn đớn đau khi được nhập vai, sống cùng nhân vật của mình.
Đã nhiều lần, tôi khóc khi vở diễn kết thúc. Một chút hụt hẫng khi phải bước ra khỏi nhân vật mà mình đang sống chết cùng, một chút thỏa mãn vì mình đã được sống cùng hạnh phúc, đớn đau của nhân vật.
Và cũng có lúc, tôi nghĩ nếu không làm nghề múa tôi sẽ làm gì? Phục vụ quán ăn, hay nghề gì đó mà xã hội cần, miễn là lương thiện? Được chứ, tôi có sức khỏe, hình thức sáng sủa. Nhưng khi đã đứng trên sân khấu múa, tôi hiểu, đó là việc tốt nhất tôi có thể làm, lại làm bằng tình yêu, sự đam mê của mình nên phải cố gắng để không phải rời sân khấu và gắn bó lâu bền với nghề thôi.
- PV: Sân khấu không chỉ là đèn màu lung linh mà có thể phải đổ máu?
Sùng A Lùng: Lần "đổ máu" đáng nhớ nhất với tôi là khi đang tập vai Tú Bà. Việc đứng trên chiếc trống có bánh xe lăn, những chiếc ghế có độ cao không thăng bằng, phải dùng sức níu những sợi dây (mỗi sợi dây có độ nặng tầm 10kg) khiến tôi ngã ngửa ra sau.
Theo phản ứng, tôi chống khuỷu tay để không bị đập đầu xuống đất và bị thương chảy máu. Tôi vào bệnh viện để khâu vết thương nhưng khi ấy mới vừa giãn cách xã hội vì Covid-19, vào bệnh viện xử lý vết thương phải xét nghiệm Covid.
Đợi các công đoạn để làm xong thì trễ buổi diễn nên tôi chỉ kịp nhờ y tá băng tạm vết thương lại, sau vở diễn mới khâu. Tối ấy, sau buổi diễn, máu thấm đầm đìa gạc, bông băng. Nhưng những tràng pháo tay dành cho vai Tú Bà khiến tôi chẳng để ý gì tới vết thương ấy.
Khi tôi về quê, nhiều người nghĩ xuống thành phố sung sướng lắm, kiểu như không làm gì mà vẫn có tiền ăn. Tôi trả lời: "Thôi đi! Múa mệt muốn chết, còn gẫy chân gẫy tay kìa. Cũng như làm nông, quần quật cả ngày đâu khác gì".
Đổ máu trên sàn diễn là thường. Nhưng những vết thương trên sàn diễn cũng là hạnh phúc của diễn viên múa vì chúng mang lại kết quả xứng đáng với những nỗ lực của mình.
- Cảm ơn Sùng A Lùng!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn