Mới đây, trên trang cá nhân, siêu mẫu Hà Anh đã có một bài viết bày tỏ quan điểm về cách nuôi dạy con của mình. Bài viết nhận được rất nhiều lượt thích và chia sẻ của cộng đồng mạng, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa. Cô bày tỏ, điều cô muốn là “con mình trở thành một công dân lương thiện, chan hoà với xã hội”. Hà Anh khẳng định, "không việc gì phải gồng mình để con "bằng bạn bằng bè" những thứ không đáng!". Siêu mẫu cũng chia sẻ về 5 điều mà cô rất chú trọng trong giáo dục con. Dưới đây là toàn bộ bài viết của "siêu mẫu bỉm sữa" Hà Anh.
Tôi lần đầu tiên làm mẹ nên nói thực, cũng chẳng phải chuyên gia gì! Nhiều thứ tôi cũng bỡ ngỡ vô cùng. Cũng may mắn tôi có nền tảng gia đình thật tuyệt vời. Ông bà, ba mẹ tôi đều nuôi nấng chị em tôi dựa trên nền tảng khoa học - văn hoá - tình yêu với chú trọng vào việc trao cho chúng tôi một tuổi thơ sống động, gần gũi với thiên nhiên, dung dị, nhiều trải nghiệm và giữ cho chúng tôi được ngây thơ đúng với lứa tuổi của mình càng lâu càng tốt.
Vậy nên giờ đến lượt tôi nuôi con, mỗi khi có câu hỏi băn khoăn, tôi lại suy nghĩ và vận ngay những trải nghiệm từ cách gia đình nuôi nấng mình (rút cuộc tôi cũng lớn lên trở thành người khá toàn diện, đàng hoàng) và cũng "update" thêm một số những cải tiến và cải thiện để phù hợp với thời đại mới và tư duy tình cảm riêng của con và của mình.
Những cái gì cần kỹ, thì tôi rất kỹ, cái gì không cần, tôi sẽ bỏ thoáng, bởi xét cho cùng tôi muốn con mình trở thành một công dân lương thiện, chan hoà với xã hội. Bởi vậy tôi sẽ không bao giờ "nâng như nâng trứng" để biến con mình thành một tiểu thư kiểu Rich Kid (theo trào lưu) chỉ vì nhà mình có điều kiện. Mà tôi sẽ chuẩn bị cho con mọi kỹ năng và điều kiện để nó có thể sống và tồn tại dù cuộc đời có quăng nó vào bất cứ hoàn cảnh nào!
Ngày xưa mẹ mất sữa, tôi phải uống sữa lon Ông Thọ, bình có mỗi một chiếc dùng từ bé tới lớn. Tôi có sao đâu, vẫn lớn, sống tốt. Vậy cớ gì con tôi giờ lại kén chọn loại bình nào? Loại sữa nào mới uống?
Tôi chủ động lựa chọn cho con mình và nó sẽ chấp nhận lựa chọn mà tôi cho là tốt nhất, bởi nó là trẻ con. Nó dễ, mình cũng khoẻ!
Khi mới sinh con, chồng tôi nói: "Bạn anh nói cứ từ từ đừng mua nhiều tã, để xem con "chịu" loại tã nào". Tôi trả lời, con biết gì mà chịu với không chịu? Không chịu cũng phải chịu thôi! Thế ngày xưa nghèo khổ làm gì có nhiều lựa chọn? Hay nhỡ sinh ra ở châu Phi thì chết teo à? Có chết không? Vẫn sống, vậy bố mẹ đừng nên rắc rối thêm cho mình những điều đơn giản. Hãy chọn loại tốt, dễ mua, phù hợp với túi tiền. Không việc gì phải gồng để con "bằng bạn bằng bè" những thứ không đáng!
Vậy tôi kỹ cái gì?
Trao tình yêu: Con tôi phải biết và cảm nhận được tôi và chồng tôi yêu con thế nào bằng những cử chỉ, lời nói, động viên với con. Tạo điều kiện cho con ở bên gia đình, ông bà cô dì, chị em họ càng nhiều càng tốt vì đó là môi trường thương yêu.
Trao thời gian: Nhiều người cứ nghĩ dùng tiền mua đồ đạc, đồ chơi và ăn uống là thể hiện tình cảm, sự quan tâm đến con. Thực sự, con chỉ cần chơi với cái lọ nước uống hết, hay cái mắc áo... nhưng nếu là chơi với bố mẹ, bé sẽ vui và gắn kết hơn rất nhiều lần. Hãy đưa con đi chơi, chơi với con, chứ không phải để con tự chơi để con có thể giao lưu và thể hiện tình cảm với mình.
Trao cuộc trò chuyện: Hãy trò chuyện với con, kể cả khi bé chưa biết nói! Bé sẽ hiểu sự giao lưu và vốn từ của bé sẽ được tích cóp nhiều hơn, bé làm quen với sự thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình, quen với tâm sự với ba mẹ... Con người sống cần có tiếng NÓI riêng của mình, nên hãy giúp con.
Trao thiên nhiên cho bé: Hãy cho bé tiếp xúc với những trải nghiệm cùng thiên nhiên, muông thú. Những tương tác này sẽ làm giàu đời sống tinh thần, sáng tạo cho bé sau này. Biết yêu và trân trọng thiên nhiên, bé sẽ hạnh phúc, bất kể có giàu có hay không, ít bạn hay nhiều bạn...
Trao cơ hội cho bé: Tôi tự nghiệm rằng nếu Myla lớn lên, lúc nào cũng nghe mẹ nói "Không", bé sẽ vô hình e sợ những rào cản, sẽ giới hạn khả năng dám làm, trí tưởng tượng của bé.
Bố mẹ nào, mình cũng vậy, có nhiều nỗi lo - con bẩn, đau bụng, con bị đau, bị nguy hiểm, con phá bừa nhà, làm hỏng đồ... nhưng hãy tưởng tượng tuổi bé là tuổi khám phá, muốn chạm, nếm, nhìn, mọi thứ mình thấy, háo hức biết bao! Nếu bé luôn bị chúng mình làm cụt hứng ở những "Không", "Đừng" mình nghĩ không phải điều hay.
Dĩ nhiên, chúng ta vẫn cần bảo bọc con mình, nhưng đừng thái quá. Hãy quan sát con thật kỹ, theo dõi con và bình tĩnh cho con khám phá. Nếu con nghịch bẩn sau đó có thể tắm rửa, nếu con hơi bị đau thì nó sẽ học cẩn thận hơn.
Là bố mẹ, việc nói không là cần thiết để tạo ra boundary (giới hạn - PV) và kỷ luật cho con. Nhưng đừng lạm dụng từ "không". Đôi khi tôi nén lòng để cho con được khám phá, và thấy rằng con đúng, mọi thứ không "nguy hiểm" như tôi tưởng tượng.
Hãy là một người mẹ yêu thương, biết khơi gợi nguồn cảm hứng học hỏi, khám phá và nâng cánh ước mơ cho con nhé!