Ngày 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thời gian chất vấn diễn ra trong 1 ngày, nội dung chất vấn cả 2 lĩnh vực đều có phạm vi rộng. Phiên chất vấn lần này là dịp để các trưởng ngành cung cấp đến công chúng cử tri những thông tin chính thống và kết quả công tác của ngành mình.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không nên đi sâu vào các vụ án chi tiết cụ thể, tranh luận một cách thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao để góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất được các giải pháp phù hợp hữu hiệu và khả thi mỗi chất vấn.
Tại buổi chất vấn phiên sáng 20/3 với ngành Toà án, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, chất vấn: Thời gian qua, Unicef đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và Tòa án Tối cao đã trình hồ sơ đề nghị đưa dự án luật này vào chương trình. Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết việc ban hành đạo luật này có khắc phục được bất cập trong giải quyết những vụ án liên quan đến người chưa thành niên hiện nay hay không?
Đồng thời, đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến?
Trả lời chất vấn, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Về tư pháp người chưa thành niên, Toà án nhân dân tối cao đang trình 1 Dự án Luật về nội dung này, hồ sơ đang được chuẩn bị tương đối đầy đủ. "Trên thế giới có luật chuyên biệt về vấn đề này. Do đó, việc xây dựng đạo luật riêng thể hiện cam kết của chúng ta là 1 trong 2 quốc gia ở châu Á thực hiện các cam kết về bảo vệ trẻ em. Điều này thể hiện sự nhân ái, nhân đạo đối với trẻ em".
Về phiên Tòa trực tuyến, về xét xử trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn ở các địa phương… Đến nay, các trang bị cho xét xử trực tuyến đã cơ bản đầy đủ, đã xét xử hơn 5400 vụ theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa; góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.
Hiện nay, khó khăn trong việc xét xử trực tuyến là việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cũng là việc cần thực hiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn