Chánh án Tòa tối cao Ấn Độ: Hôn nhân không phải là giải pháp cho cưỡng hiếp

06:18 | 19/08/2023;
Tòa án tối cao Ấn Độ ban hành hướng dẫn xóa bỏ ngôn ngữ miệt thị đối với phụ nữ. Những từ như "điếm", "trêu ghẹo", hay "bà nội trợ" sẽ sớm không được phép sử dụng trong tòa án tại nước này, theo Sổ tay chống định kiến giới do Tòa án tối cao Ấn Độ phát hành.

Tòa án tối cao Ấn độ đã ban hành số tay hướng dẫn dành cho các thẩm phán và cộng đồng pháp lý, kêu gọi họ ngưng sử dụng những từ như "quyến rũ", "ma cà rồng", "bà cô già", hay "gái điếm" khi nói về phụ nữ.

Các thuật ngữ cổ xưa mang đậm tính miệt thị phụ nữ và định kiến giới vẫn thường được sử dụng tại các tòa án của Ấn Độ, trong khi các nước khác đã loại bỏ từ lâu. Việc phụ nữ bị mô tả là "trong trắng" hay "quý phái" không phải là một điều lạ tại đất nước này, trong khi đó, các hành vi quấy rối tình dục thường được coi là "trêu ghẹo".

Tòa án tối cao Ấn Độ cho biết Sổ tay chống định kiến giới nhằm mục đích đảm bảo việc "không còn những quan niệm gây hại cho phụ nữ trong lập luận và ghi chép pháp lý".

"Nếu các thẩm phán dựa vào định kiến sai lệch, điều này có thể dẫn đến hiện tượng bóp méo tính khách quan và vô tư của luật pháp. Điều này sẽ khiến tình trạng phân biệt đối xử tiếp tục kéo dài," Chánh án Tòa án tối cao Ấn Độ, Dhananjaya Y Chandrachud, viết trong cuốn sổ tay.

Trong cuốn sách, ông Chandrachud ám chỉ đến một trong những tình huống phân biệt giới có thể diễn ra tại phòng xử án:  Khi các thẩm phản hỏi kẻ bị cáo buộc hiếp dâm rằng liệu anh ta có sẵn sàng kết hôn với nạn nhân hay không, trên cơ sở việc trở thành một phụ nữ có gia đình sẽ làm giảm bớt sự ô nhục và mang lại sự tôn trọng cho họ.

Hôn nhân không phải là giải pháp cho cưỡng hiếp.

Dhananjaya Y Chandrachud, Chánh án Tòa án tối cao Ấn Độ

Ông cũng chỉ trích những giải định văn hóa đằng sau những phán quyết ám chỉ phụ nữ có những đặc điểm cố hữu, chẳng hạn như tất cả phụ nữ đều muốn có con, hoặc phụ nữ sống tình cảm hơn so với nam giới.

Bởi vì những quan niệm này vẫn đang chiếm ưu thế trong xã hội Ấn Độ, vì vậy, cần phải xem xét việc thay đổi ngôn ngữ sẽ thành công như thế nào trong nỗ lực thay đổi xã hội.

Gần đây nhất vào năm 2020, một thẩm phán tòa án cấp cao Karnataka đã ra phán quyết về một phụ nữ ngủ thiếp đi sau khi bị cưỡng hiếp là hành vi không phù hợp.

Năm 2018, một thẩm phán tòa án cấp cao Kerala đã gọi một phụ nữ 24 tuổi, bất chấp cha mẹ, kết hôn với một người Hồi giáo là "yếu đuối và dễ bị tổn thương, có thể bị lợi dụng theo nhiều cách". Thẩm phán đã ra phán quyết có lợi cho cha mẹ cô, những người muốn kiểm soát con gái của họ.

Vrinda Bhandari, luật sư cấp cao tại tòa án tối cao, cho biết bà hy vọng những lời khuyên trong cuốn sổ tay sẽ có tác động tích cực đối với xã hội Ấn Độ.

Ranjana Kumari, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Xã hội ở Delhi, nói rằng cuốn sổ tay lẽ ra phải ra đời sớm hơn nhiều, nhưng vẫn hoan nghênh động thái này. Kumari cho biết cô rất vui vì Chandrachud đã nhấn mạnh thực tế rằng lời nói không chỉ là lời nói mà còn ảnh hưởng đến phán quyết.

"Ngôn ngữ là một công cụ mà qua đó chúng ta định hình nhận thức và hành vi. Khi luật sư sử dụng những từ như đĩ hoặc gái điếm, đó là sỉ nhục nạn nhân và gây ảnh hưởng đến số phận pháp lý của người phụ nữ đó," cô nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn