Chao đảo từ khi không có mẹ chồng ở bên

06:00 | 05/11/2018;
Trước đây, khi mẹ chồng còn sống, đi đâu làm gì Hà cũng đưa bà đi cùng, từ cửa hàng quần áo đẹp cho người già, đến cửa hàng ăn uống ngon lành. Ai cũng bảo, nhìn chẳng giống mẹ chồng nàng dâu chút nào, cứ tíu tít như mẹ con ruột.
Với cô, ký ức về mẹ chồng vẫn mãi vẹn nguyên, dù bà đã ra đi cách đây nhiều năm…
 
Khi nghe Hà kể về mẹ chồng, tất cả chị em ở cơ quan cô đều tròn mắt thốt lên rằng cô thật may mắn khi có một bà mẹ chồng vô cùng tâm lý, hiện đại. Quả đúng là may mắn thật, khi mà lúc nào cô cũng nghe đồng nghiệp ca thán về điệp khúc “sống chung với mẹ chồng”. Còn với Hà, sống chung với mẹ chồng được ngày nào là niềm vui trọn vẹn ngày đó.
 
Từ ngày lấy chồng rồi cùng nhau lập nghiệp ở đất khách quê người, sinh con gái đầu lòng, từ miền Trung xa ngái, bà “cắt phép” với bố chồng Hà hẳn hoi một năm để lên thành phố chăm cháu. Bà bảo, dù ông ở nhà không có ai cơm nước giặt giũ cho nhưng ít nhất ông còn tự lo cho ông được, còn có các chị chồng hỗ trợ vì các chị ở gần. Còn với cháu gái bé bỏng, bà không yên tâm với bất cứ ai, kể cả là giúp việc có tốt đến đâu. Không ai thay thế được vị trí ấy, ngoài bà nội, bà ngoại. Hà nghe xong mà khóe mắt rưng rưng.
 
Và trong một năm ấy, với Hà là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa. Không chỉ giúp cô trông con, chăm sóc con đâu ra đấy, bà còn hỗ trợ cô làm việc nhà khi thấy hai vợ chồng tất bật với việc cơ quan. Việc chăm cháu, bà cũng rất hiện đại nghe theo lời con dâu chứ không hề có những suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu. Ví như việc ăn dặm theo kiểu “bốc tay” và nghịch đồ ăn rồi ném tứ tung của con gái khi vào thời kỳ ăn dặm, lúc đầu bà cũng hãi lắm, sợ cháu ăn bốc bẩn, rồi sợ không ăn được nhiều.
 
Ảnh minh họa

 

Nhưng rồi khi nhìn cháu gái bắt đầu vào quy củ hơn, ăn đủ mọi loại thức ăn và nhai rất tốt, bà mới thở phào nhẹ nhõm. “Bà không ngại giặt quần áo, khăn, ghế cho cháu đâu, miễn là cháu ăn thật tốt, thật vui thì việc gì bà cũng không nề hà, cháu của bà ạ!” - Mẹ cô cứ trò chuyện với cháu mình như thế trong mỗi bữa ăn dặm vui vẻ ấy.
 
Tính Hà tuy tốt bụng, vui vẻ nhưng không phải lúc nào cũng cẩn thận, nhiều khi vội quá, cô cũng làm ẩu lắm. Ví như khi mang quần áo từ giàn phơi vào, gỡ hết chỗ quần áo ra thì cũng là lúc đám mắc áo bị mắc vào nhau tứ tung, mà kiểu gì lần sau phơi đồ, Hà cũng phải chật vật mất thêm thời gian để gỡ rối chúng.
 
 
Mẹ cô thấy vậy, chỉ cười rồi bảo, con kiếm một cái xô nhỏ, cứ gỡ quần áo xong thì bỏ mắc vào xô và cứ thế cái mắc tiếp theo xuôi chiều cái mắc trước, vừa đỡ mất thời gian vừa gọn gàng. Và thế là nhìn mẹ “thị phạm” một lần thôi, lần sau cứ thế Hà thực hiện, quả đơn giản và nhanh gọn hơn cô nghĩ rất nhiều. Cứ như vậy, từng cử chỉ nhỏ, từng hành vi giản dị nhưng khoa học, gọn gàng mà mẹ cô có được, cô đều nhìn vào đấy để học hỏi và hoàn thiện mình hơn.
 
 
Ảnh minh họa

 

Có lần, đi làm về vốn đã mệt mỏi, con gái lên một tuổi nghịch ngợm tưng bừng, mẹ cô không để ý chốt cánh cổng sắt ra vào khiến con gái Hà chạy ra chơi ở hành lang và bị va vào bờ tường, sưng vù cả trán. Đang loay hoay nấu dọn, nghe tiếng con khóc ré, cả mẹ cả bà hốt hoảng lao ra. Hà thấy vậy, bỗng dưng thấy giận mẹ chồng cô ghê gớm.
 
Nếu bà để ý hơn thì đã không xảy ra chuyện. Giận quá mất khôn, cô trút giận lên con gái. Con đã đau cô còn mắng con vô cớ. Lúc ấy, mẹ cô nhỏ giọng đi: “Đây là lỗi của bà, tại bà bất cẩn không chốt cửa nên xảy ra chuyện. Mẹ nó đừng giận bà nữa!”. Hà nghe xong, bỗng thấy khóe mắt cay xè, vì xấu hổ, và vì thấy có lỗi với mẹ cô thật nhiều...
 
Từng câu chuyện, từng kỉ niệm vui buồn và dù là nhỏ nhất, giờ đây đều lưu giữ trong trái tim của bà mẹ trẻ bồng bột. Mẹ chồng Hà mất cách đây vài năm sau một cơn bạo bệnh, khiến cả gia đình cô chao đảo trong một khoảng thời gian, trong đó có cô. Quãng thời gian một năm ngắn ngủi được sống bên bà thật sự, Hà luôn nghĩ về bằng tất cả sự trân trọng, biết ơn. Cô luôn tự hào vì chưa bao giờ, dù chỉ là phút chốc, nghĩ về mẹ chồng cô như cách nghĩ mệt mỏi, khắc nghiệt mà bạn bè quanh cô đang trải qua...
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn