Chảo lửa Trung Đông nóng từng giờ, nhiều nước lên phương án sơ tán, bảo vệ công dân

16:53 | 07/01/2020;
Chảo lửa Trung Đông đang nóng hơn bao giờ hết sau vụ không kích của Mỹ tại Baghdad (Iraq) làm tướng lĩnh Iran thiệt mạng. Bất kỳ bước đi vượt "giới hạn đỏ cuối cùng" của bên nào cũng dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường. Nhiều số nước châu Á sẵn sàng lên phương án bảo vệ, di tản công dân của mình tại Iraq, Iran.

"Thùng thuốc súng" nguy hiểm

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, những căng thẳng địa chính trị đang ở mức cao nhất trong thế kỷ này. Ông Guterres nhấn mạnh, "chảo lửa căng thẳng hiện nay" đang khiến ngày càng nhiều quốc gia đưa ra những quyết định khó lường với những hậu quả không thể dự đoán được và nguy cơ sâu sắc của những tính toán sai lầm. Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngừng leo thang căng thẳng, kiềm chế tối đa và bắt đầu đối thoại.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei (giữa) đứng trước quan tài tướng Soleimani trong tang lễ ngày 6/1

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei (giữa) đứng trước quan tài tướng Soleimani trong tang lễ ngày 6/1

Lời cảnh báo của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đưa ra sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Thiếu tướng Qasem Soleimani thiệt mạng. Tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran, chỉ sau nhà lãnh đạo tối cao-Đại giáo chủ Ali Khamenei. Ông chính là "đạo diễn" kiêm "tác giả" của nhiều chính sách cũng như chiến lược của Tehran đối với Syria, Iraq, Lebanon, Dải Gaza…

Giới quan sát nhận định Trung Đông đang thực sự lâm vào cuộc khủng hoảng mới và cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran đã ở vào tình thế "nghìn cân treo sợi tóc" mà bất kỳ bước đi vượt "giới hạn đỏ cuối cùng" của bên nào cũng dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.

Vụ việc đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột lớn ở Trung Đông. Iran thề sẽ trả thù sau vụ Mỹ không kích, còn Tổng thống Donald Trump cảnh báo là các lực lượng Mỹ sẽ tấn công 52 mục tiêu tại Iran nếu người Mỹ bị tấn công. Chính quyền Mỹ cũng đã cho biết sẽ triển khai từ 3.000 đến 3.500 quân bổ sung tới khu vực. 

Quốc hội Iraq cũng đã chính thức kêu gọi trục xuất tất cả binh sĩ Mỹ tại Iraq. Việc này có thể làm sống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq khiến cho Trung Đông bất ổn hơn.

Quân đội Mỹ ở Iraq

Quân đội Mỹ ở Iraq

Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit bày tỏ sự quan ngại và lên tiếng cảnh báo rằng, tình hình khu vực cần phải duy trì sự kiềm chế, tránh leo thang, mất kiểm soát và kích động xung đột. 

Những diễn biến căng thẳng tại Trung Đông khiến cả thế giới lo ngại, đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong gần 7 năm qua. Trong khi đó, giá dầu mỏ tăng ở mức đỉnh trong 4 tháng và các thị trường chứng khoán ở châu Á đều đồng loạt giảm. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu có thể tăng lên tới 80 USD/thùng và thậm chí có thể vượt mức này nếu căng thẳng địa chính trị leo thang làm gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Trung Đông.

Chảo lửa Trung Đông nóng từng giờ, nhiều nước lên phương án sơ tán, bảo vệ công dân - Ảnh 4.

Biểu tình chống chiến tranh trước Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 4/1/2020. Ảnh: AFP

Eo biển Hormuz là nơi có thể trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu quyết liệt Mỹ-Iran. Với chiều dài khoảng 170 km, điểm hẹp nhất rộng 33 km, nhưng eo biển Hormuz lại là cửa ngõ quan trọng bậc nhất của ngành năng lượng thế giới khi các tàu chở dầu của các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều phải đi qua đây. 

Ước tính, mỗi ngày có khoảng 21 triệu thùng dầu, trị giá gần 1,2 tỷ USD được vận chuyển qua eo biển này, tương đương gần 1/3 lượng dầu thế giới. Ngoài ra, lượng xăng vận chuyển qua eo biển này cũng chiếm khoảng 21% tổng nhu cầu tiêu thụ của thế giới. 

Do đó, bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa Mỹ và Iran tại khu vực này cũng khiến hoạt động vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz bị gián đoạn, tác động tiêu cực tới ngành năng lượng và kinh tế toàn cầu.

Sơ tán và bảo hộ công dân

Trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh Mỹ-Iran, thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Ro Khanna đã giới thiệu dự luật ngăn chặn tài trợ cho bất kỳ lực lượng quân đội nào tham gia tấn công hoặc chống lại Iran mà không có sự cho phép trước đó của Quốc hội Mỹ. 

Các nhà lập pháp Mỹ ra tuyên bố cho rằng sự leo thang căng thẳng có thể dẫn tới một cuộc chiến thảm khốc ở Trung Đông. Tuyên bố cũng khẳng định một cuộc chiến với Iran có thể khiến vô số người thiệt mạng, tốn hàng nghìn tỷ USD và khiến nhiều người chết hơn, xung đột hơn và dịch chuyển nhiều hơn ở khu vực vốn đã rất biến động của thế giới. 

Hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng và giương cao khẩu hiệu kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Trung Đông và chấm dứt các lệnh trừng phạt chống Iran. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở New York, Chicago và nhiều thành phố khác của Mỹ.

Công dân nước ngoài ở Iraq

Công dân nước ngoài ở Iraq

Để đảm bảo an toàn cho công dân của mình trước những căng thẳng tại Trung Đông một số nước đã ban bố cảnh báo đi lại, lên kế hoạch sơ tán và bảo hộ công dân tại Iraq, Iran. Châu Á chiếm 40% di dân trên thế giới và các nước Trung Đông là nơi đến thường xuyên của những người này. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh cho quân đội chuẩn bị điều động các máy bay và tàu chiến bất cứ lúc nào khi được thông báo để sẵn sàng di tản hàng nghìn công nhân Philippines tại Iran và Iraq nếu bạo động bùng nổ. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Philippines, Trung Đông là điểm đến lớn nhất của người lao động nước này với hơn 1 triệu người mỗi năm. Số lượng công dân Philippines đang làm việc tại Iraq khoảng 6.000 người, trong khi ở Iran khoảng 1.600 người.

Các bộ, ban ngành của chính phủ Hàn Quốc cũng đã thảo luận về việc tăng cường bảo vệ cho gần 1.900 người Hàn Quốc tại Iraq và Iran. Bộ Dầu mỏ Iraq xác nhận, các công dân Mỹ làm việc tại các công ty dầu khí nước ngoài ở thành phố Basra đã chính thức rời đi.

Anh cũng đưa ra giới hạn đi lại tại một số khu vực tại Trung Đông, đặc biệt là đến Iran và Iraq. 

Đại sứ quán Pháp tại Iran đã hối thúc các công dân nước này tránh các hoạt động tụ tập nơi công cộng. 

Bộ Ngoại giao Hà Lan cũng khuyến cáo người dân rời khỏi Iraq nếu việc dời đi được đảm bảo an toàn.

Iraq yêu cầu quân đội nước ngoài rút khỏi nước này

Iraq yêu cầu quân đội nước ngoài rút khỏi nước này

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết Lực lượng viễn chinh của Quân đội nước này sẽ được rút khỏi Iraq. Mặc dù lý do rút quân của Đức là đáp ứng yêu cầu và tôn trọng chủ quyền của Iraq nhưng giới quan sát quốc tế không loại trừ khả năng căng thẳng Mỹ và Iran sẽ vượt tầm kiểm soát, dẫn tới xung đột vũ trang quy mô lớn và Đức không muốn các binh sĩ của mình phải hứng chịu rủi ro khi quả bom chiến tranh phát nổ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn