Chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi lao động nữ

08:00 | 02/12/2023;
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn đã tích cực triển khai các phong trào thi đua; thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt đến lao động nữ.

Đoàn kết và phát huy phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân

5 năm qua, hoạt động công đoàn và vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, sự tạo điều kiện thuận lợi của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động. Nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng liên quan đến công nhân, công đoàn được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn tiếp tục được hoàn thiện, nổi bật là Bộ luật Lao động năm 2019 với nhiều quy định mới có lợi cho người lao động.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tổ chức từ ngày 01-03/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đại hội được tiến hành với phương châm "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển". 1.100 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước sẽ tham dự Đại hội để phát huy trí tuệ, tập trung dân chủ thảo luận, quyết nghị mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra: Trình độ nhận thức, ý thức chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc của một bộ phận không nhỏ đoàn viên, người lao động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hạ tầng xã hội, nhất là nhà ở, trường học, cơ sở y tế phục vụ người lao động và gia đình còn thiếu, có nơi thiếu trầm trọng; đời sống của đoàn viên, người lao động nói chung còn nhiều khó khăn, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...

Chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi lao động nữ- Ảnh 1.

Bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Trong bối cảnh đó, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới cả về tổ chức và nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng linh hoạt với thay đổi của tình hình, các cấp công đoàn đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, từ đó hoàn thành đạt và vượt 10/14 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã tập hợp kiến nghị, phát huy trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn, ban hành trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...

Bên cạnh đó, các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như "Tết Sum vầy", "Tháng Công nhân" lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu ở cơ sở.

Chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi lao động nữ- Ảnh 2.

Công đoàn Việt Nam tích cực chăm lo, quan tâm đến công đoàn viên nữ

Riêng "Tết Sum vầy" trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền gần 28 nghìn tỷ đồng. Khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành và tổ chức triển khai 05 gói hỗ trợ với quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, trang thiết bị cho lực lượng y tế; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19... với tổng số tiền hỗ trợ gần 6 nghìn tỷ đồng cho hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng. Trong khó khăn, nhất là thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, đoàn viên, người lao động cả nước đã đoàn kết một lòng, thể hiện và phát huy cao độ phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam.

Tích cực chăm lo cho nữ đoàn viên, người lao động, thúc đẩy bình đẳng giới

Nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành Công đoàn các cấp chủ động tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các vấn đề về giới, bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ; công tác cán bộ nữ, dân số, sức khỏe sinh sản; công tác gia đình, trẻ em; tổ chức các phong trào trong nữ đoàn viên công đoàn; đại diện tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em.

Bên cạnh đó, chú trọng lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực: Lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho lao động nữ, ưu tiên đảm bảo việc làm cho lao động nữ, đảm bảo điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, chính sách về bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chính sách hỗ trợ về nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân lao động, tham gia thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể có nhiều chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ so với các quy định của pháp luật, công tác cán bộ nữ trong toàn hệ thống đã đạt được các chỉ tiêu đã đề ra ở cả 4 cấp công đoàn.

Chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi lao động nữ- Ảnh 3.

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam trao quà cho công đoàn viên, người lao động

Các hoạt động xã hội chăm lo cho lao động nữ và trẻ em được các cấp công đoàn duy trì và phát huy, góp phần hỗ trợ cho lao động nữ vượt qua khó khăn. Các hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, người lao động, xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc được đẩy mạnh.

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, đã có 11.943.671 lượt công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) được truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; 10.849.227 lượt CNVCLĐ được khám sức khỏe định kỳ, khám siêu âm, xét nghiệm tổng quát... theo quy định, trong đó có 5.647.209 lượt lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản; số lao động nữ được hỗ trợ điều trị sau khi khám sức khỏe định kỳ là 583.423 người; tổng số có 1.379 phòng vắt, trữ sữa được lắp đặt tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc 9 công đoàn ngành và 46 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mặt khác, các giải pháp đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp công đoàn, CNVCLĐ về bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nữ CNVCLĐ phát triển về mọi mặt, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý của tổ chức công đoàn tăng lên. Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN với Hội LHPN Việt Nam được các cấp công đoàn tích cực cụ thể hóa, nhiều nội dung quan trọng được lồng ghép với hoạt động nữ công công đoàn đạt hiệu quả cao.

Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động

Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các cấp công đoàn quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Chủ động, triển khai các hoạt động chăm lo, đảm bảo phúc lợi, duy trì việc làm, nâng cao đời sống của CNVCLĐ. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các chương trình, mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động đã và đang phát huy tác dụng như "Tết Sum vầy", "Mái ấm Công đoàn", "Chợ Tết Công đoàn", "Phiên chợ công nhân", "Siêu thị công nhân", "Bữa ăn ca"...

Chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi lao động nữ- Ảnh 4.
Chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi lao động nữ- Ảnh 5.
Chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi lao động nữ- Ảnh 6.

Công đoàn Việt Nam tích cực quan tâm, hỗ trợ con em công đoàn viên

Bên cạnh những hoạt động trên, trong nhiệm kỳ tới, các cấp công đoàn tích cực thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của công tác nữ công công đoàn các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nữ công nhân lao động và trẻ em; đề xuất xây dựng và triển khai đề án "Hỗ trợ công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con".

Các cấp công đoàn tiếp tục tăng cường phối hợp với các ban ngành liên quan, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Hội LHPN cùng cấp trong xây dựng, thực thi quy định về bình đẳng giới; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp những nữ đoàn viên, người lao động tiêu biểu, đủ điều kiện đưa vào quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và bổ nhiệm. Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép hoạt động của Hội LHPN với hoạt động công tác nữ công công đoàn thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình phối hợp hàng năm, nhiệm kỳ.

5 năm qua, số lượng đoàn viên, người lao động tiếp tục tăng. Đến cuối năm 2022, số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là khoảng 50,5 triệu người, tăng 3,71% so với năm 2018; số lao động làm công hưởng lương là khoảng hơn 26 triệu người, tăng khoảng hơn 2 triệu so với năm 2018. Tính đến tháng 6/2023, cả nước có 11.072.214 đoàn viên, tăng hơn 1 triệu đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn