Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã có hơn 20 năm làm đồ chơi chuồn chuồn tre. Gia đình bà Minh vốn có truyền thống làm nghề đan thúng, đan mủng tre. "Ngày đó, trẻ em nông thôn không có điều kiện mua đồ chơi nên ông bà tôi đã tận dụng nguồn nguyên liệu tre sẵn có làm ra món đồ chơi mới cho lũ trẻ trong làng với dáng hình con chuồn chuồn - con vật khá thân thuộc với những đứa trẻ sinh sống ở vùng nông thôn. Khi có món đồ chơi này, đám trẻ ở Thạch Xá vô cùng thích thú" – bà Minh nhớ lại.
"Để có được một sản phẩm hoàn hảo, phải qua khoảng 20 công đoạn từ đốn tre, rồi đến chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô… Nhìn thì đơn gian, nhưng nếu chỉ làm 1 con, phải mất cả ngày mới xong" – bà Minh cho hay.
Chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đặc biệt ở chỗ, dù không được gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào nhưng chúng lại có khả năng đứng thăng bằng ở mọi nơi. Để thăng bằng, các bộ phận cấu thành như: thân, cánh, mình... phải được làm một cách tỉ mỉ, theo tỉ lệ riêng.
Bà Minh tiếp lời: "Khó nhất là khâu chắp cánh chuồn chuồn vào thân. Phải làm sao để tạo lực đối xứng cân bằng, giúp chúng có thể đứng thăng bằng trên mọi vật liệu. Không phải cứ lắp vào là con nào cũng thăng bằng được".
Nếu như trước đây, chuồn chuồn tre chỉ để mộc, thì giờ đây, món đồ chơi dân dã này đã được các nghệ nhân "thổi hồn" bằng những màu sắc rực rỡ, những nét vẽ tinh xảo. Món đồ chơi của trẻ em nông thôn bỗng trở thành món quà lưu niệm gây sự hiếu kỳ, hứng thú cho nhiều du khách ghé thăm Xứ Đoài.
Việc sáng tạo từ nguồn nguyên liệu sẵn đó đã khiến cho gia đình bà Minh và nhiều hộ gia đình nơi đây có thêm thu nhập bên cạnh nghề đan truyền thống.
"Nhờ có nghề thủ công này mà gia đình tôi có được cuộc sống ổn định như bây giờ, mới nuôi được các con ăn học đàng hoàng. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không có nơi nào đặt đơn hàng nhưng gia đình tôi vẫn làm vì nhớ nghề. Sau khi dịch bệnh được khống chế, du lịch mở cửa trở lại thì số hàng tồn kho đã được bán hết. Thậm chí giờ chúng tôi làm hàng còn không kịp đơn đặt" – bà Minh phấn khởi chia sẻ.
Để giúp nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất của các hộ sản xuất chuồn chuồn tre, vừa qua, Hội LHPN huyện Thạch Thất và xã Thạch Xá đã ra mắt Hợp tác xã Chuồn chuồn tre Minh Đính do phụ nữ làm chủ, nhằm giúp chị em phụ nữ cùng nhau phát triển kinh tế và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.
Hợp tác xã Chuồn Chuồn tre Minh Đính (xã Thạch Xá) gồm 7 sáng lập viên tham gia, do bà Nguyễn Thị Minh - làm Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã; hoạt động theo mô hình sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, với hoạt động chính là sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do hội viên phụ nữ và nhân dân địa phương sản xuất, là đơn vị kết nối giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ sản phẩm.
Đánh giá cao sự chủ động của Hội LHPN huyện và sự sáng tạo, mạnh dạn của chị em phụ nữ xã Thạch Xá đã thành lập được một mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đề nghị, các cấp Hội Phụ nữ từ huyện đến cơ sở phải tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Hợp tác xã trong việc nâng cao năng lực quản trị; huy động vốn; tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục xây dựng, phát triển các mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Đồng thời, bà Phạm Thị Thanh Hương cũng đề nghị lãnh đạo xã Thạch Xá tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hợp tác xã hoạt động; xây dựng chuỗi liên kết du lịch làng nghề của xã gắn với điểm du lịch chùa Tây Phương góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm chuồn chuồn tre đến với du khách trong nước và quốc tế.
Những ngày này, thành viên của Hợp tác xã Chuồn chuồn tre Minh Đính rất phấn khởi vì giờ đây, các chị sẽ có thêm cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm… với món nghề thủ công truyền thống của địa phương. Sự ra đời của Hợp tác xã Chuồn chuồn tre Minh Đính do phụ nữ làm chủ là tín hiệu tốt, mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm thủ công độc đáo của Thạch Xá trong bối cảnh nghề thủ công này đang dần mai một.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn