Tại sự kiện, ông Modi cũng đã khởi động Chương trình "Boeing Sukanya" nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia lĩnh vực hàng không. Chương trình sẽ tạo cơ hội để phụ nữ và trẻ em gái trên khắp Ấn Độ học các kỹ năng về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) cũng như đào tạo các công việc trong ngành hàng không. Chương trình sẽ thành lập phòng thí nghiệm STEM tại 150 địa điểm để thu hút sự quan tâm đến sự nghiệp STEM, đồng thời cung cấp học bổng cho phụ nữ được đào tạo trở thành phi công. Boeing cho biết, các khoản đầu tư sẽ hỗ trợ chương trình đào tạo bay, lấy chứng chỉ, đào tạo mô phỏng và các chương trình phát triển nghề nghiệp.
Thông qua "Boeing Sukanya", nhiều trường công lập tại Ấn Độ sẽ có thể tiếp cận chương trình đào tạo nghề cho học sinh, những em mong muốn trở thành phi công. "Để phát triển lĩnh vực hàng không, chúng ta cần một lực lượng lao động lành nghề. Đó là lý do tại sao chúng tôi cho ra mắt Boeing Sukanya. Nó sẽ phá vỡ các rào cản, truyền cảm hứng cho phụ nữ theo đuổi sự nghiệp trong ngành hàng không vũ trụ và tạo ra một môi trường, nơi phụ nữ có thể trở nên nổi trội khi được học tập với cơ sở đào tạo chuyên dụng, chương trình giảng dạy, mô phỏng chuyến bay, học bổng và cơ hội nghề nghiệp. Chúng tôi sẽ mở rộng cơ hội cho phụ nữ trên khắp Ấn Độ theo đuổi sự nghiệp và các vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực hàng không", Stephanie Pope, Giám đốc vận hành của Công ty Boeing, nói.
Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ báo cáo rằng, 18% trong tổng số 1.622 phi công thương mại được cấp chứng chỉ tại nước này là phụ nữ và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Thủ tướng Modi nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, trong đó có hàng không vũ trụ. "Dù là phi công chiến đấu hay hàng không dân dụng, Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về số lượng phi công nữ", ông nói và cho biết rằng, 15% phi công của Ấn Độ là nữ, cao gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu. Nói về "Boeing Sukanya", Thủ tướng Modi cho biết, chương trình này sẽ thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hàng không, đồng thời giúp người nghèo sống ở các vùng xa xôi thực hiện ước mơ trở thành phi công.
Trung tâm Công nghệ và Kỹ thuật Boeing Ấn Độ được xây dựng với khoản đầu tư 1.600 rupee, có khuôn viên rộng 43 mẫu Anh. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của "gã khổng lồ" sản xuất máy bay Boeing bên ngoài nước Mỹ. Boeing cũng cho biết, Trung tâm sẽ trở thành nền tảng để hợp tác với Ấn Độ về các sản phẩm và dịch vụ cho ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng toàn cầu trong tương lai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn