"Chắp cánh" ước mơ cho trẻ em nông thôn

08:56 | 24/11/2024;
"Bỏ phố về quê", chị Lê Thị Hằng (SN 1987) đã dành trọn tâm huyết của mình để dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh ở xã Núi Tượng (Tân Phú, Đồng Nai).

Chị Lê Thị Hằng sinh ra và lớn lên ở một xã ven sông Đồng Nai. Lúc đi học, chị rất thích môn tiếng Anh và đã lựa chọn ngành này khi bước chân vào đại học. Sau gần 10 năm gắn bó với nghề dạy ngoại ngữ, năm 2016, chị quyết định về quê thực hiện dự án lớp học cộng đồng mang tên Núi Tượng.

Biết chị là giáo viên "ở thành phố về", phụ huynh cho con đến học rất đông. Người này giới thiệu người khác, số lượng học sinh ngày càng nhiều. Vậy là nhiều năm chị duy trì dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong vùng. 

Bên cạnh đó, chị Hằng còn gieo vào tâm hồn các em tình yêu thiên nhiên, cây cỏ. Chị mong muốn các em được vừa học vừa chơi, có năng lực đoàn kết, có ngoại ngữ để sau này vận hành phát triển kinh tế làng quê. 

Qua các hoạt động làm vườn, tìm hiểu thiên nhiên, phân loại rác, chị định hướng cho các em nhận thức về trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên.

Không chỉ dạy học và giúp các em định hướng cho tương lai, chị Hằng còn hỗ trợ nhiều học sinh đạt được mơ ước lớn lao hơn, như tham gia FutureU, tham gia chương trình trao đổi về văn hoá cho thanh thiếu niên ở Hàn Quốc, Campuchia, Indonesia. 

Trương Thị Anh Đào (SN 2004) là một ví dụ, cô bé sinh ra ở xã Núi Tượng, gắn bó với Dự án cộng đồng Núi Tượng từ những ngày đầu. Sau chặng đường 7 năm học tập tại đây, kinh qua nhiều bài học và những trải nghiệm để đời, Anh Đào đã có nhiều thay đổi. 

Bước vào ngưỡng cửa tốt nghiệp cấp 3, cô đã nộp hồ sơ xin học bổng vào trường Fulbright (TPHCM). 

"Quyết định táo bạo đó khiến nhiều người họ hàng cho rằng em chỉ đang làm việc mất thời gian vô ích. Có lúc em nghĩ mình sẽ gục ngã trước những áp lực và chỉ làm theo sự sắp đặt.

“Chắp cánh” ước mơ cho trẻ em nông thôn- Ảnh 1.

Chị Lê Thị Hằng (bìa trái) và các học viên của lớp

Nhưng nhờ có cô Hằng và các anh chị tình nguyện viên luôn ở bên, đồng hành và giúp đỡ, em được kèm học IELTS miễn phí, được hướng dẫn làm hồ sơ xin học bổng. Tuy nhiên, em đã không giành được học bổng vào trường Fulbright như mong muốn", Anh Đào chia sẻ.

Thất vọng và sợ việc phải đối mặt với người thân nhưng với sự động viên từ cô Hằng, Anh Đào đã tiếp tục nộp đơn và đã chinh phục được học bổng từ trường Đại học Quản lý và Công Nghệ TPHCM (UMT), cùng với học bổng hỗ trợ học tập từ một nhà hảo tâm của xã Núi Tượng.

Với sự hỗ trợ của chị Lê Thị Hằng và các tình nguyện viên tại lớp học Núi Tượng, đến nay, có nhiều học sinh ở xã đã tham gia Chương trình "Thế hệ trẻ của tương lai" (FutureU). Trung bình một năm, lớp học Núi Tượng có khoảng 70 học sinh, với gần 10 tình nguyện viên cùng với chị Hằng đứng lớp.

Nói về những việc mình đã làm, chị Hằng chia sẻ, mong muốn của chị đơn giản là được làm việc tốt. 

Mục tiêu của Dự án cộng đồng Núi Tượng chính là nhằm thu hẹp khoảng cách giáo dục của trẻ em tại xã và thúc đẩy mô hình học tập toàn diện tại các trường phổ thông ở vùng nông thôn Việt Nam, tạo không gian cho trẻ em và thanh thiếu niên phát triển đam mê, có cơ hội được định hướng nghề nghiệp, trở thành những người có tri thức, có tầm nhìn và lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên. 

Tất cả những việc chị làm là để góp phần "chắp cánh" ước mơ cho trẻ em nông thôn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn