PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa- ĐH KHTN- ĐHQG Hà Nội) cho biết, Flo ký hiệu là F, nằm trong nhóm 7 của bảng tuần hoàn. Ở dạng khí, nó có màu vàng lục nhạt và là chất độc cực mạnh. Flo là một chất oxi hóa và hoạt động hóa học mạnh nhất trong tất cả các nguyên tố.
Flo trong đời sống rất ít gặp và đây cũng là nguyên tố cần cho cơ thể. Ví như nếu hàm lượng Flo thấp thì răng sẽ bị hỏng, xương cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu nồng độ cao quá thì cũng làm mủn răng, giòn xương.
Flo trong đời sống rất ít gặp và đây cũng là nguyên tố cần cho cơ thể. Ví như nếu hàm lượng Flo thấp thì răng sẽ bị hỏng, xương cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu nồng độ cao quá thì cũng làm mủn răng, giòn xương.
Cũng theo PGS. Trần Hồng Côn, hiện nay chỉ tiêu Flo trong nước ăn uống có giới hạn cho phép từ 0,5 đến 1,5mg/l và rất cần thiết cho cơ thể. Vì thế, trong kem đánh răng nhà sản xuất thường thêm Flo vào để tạo men răng.
Trong nước sinh hoạt có nồng độ Flo cần thiết cho cơ thể nên ăn uống không bị thiếu chất này. Tuy nhiên, trong hệ thống nước ngầm và nước tự nhiên ở các tỉnh miền Bắc có nồng độ Flo hơi thấp nên phải thêm vào. Còn tại các tỉnh miền Trung, nồng độ Flo trong nước ngầm và tự nhiên tương đối cao nên người ta phải tìm cách giảm xuống.
Tuy nhiên, nếu nồng độ Flo cao thì cực kỳ nguy hiểm. Bởi ion của Flo có thể thay thế được tất cả những chất khác trong cơ thể như oxi, clo hay những chất cần thiết cho quá trình trao đổi chất. “Nó sẽ làm rối loạn toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Nếu nồng độ Flo cao gây tử vong rất nhanh, còn nồng độ thấp thì sẽ muộn hơn hoặc rất thấp thì sẽ không sao. Đó là lý do tại sao trong số 18 bệnh nhân vụ tai biến có người tử vong ngay lập tức, có trường hợp vài ngày mới tử vong nhưng cũng có bệnh nhân được chữa khỏi”, PGS. Trần Hồng Côn nói.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) acid fluoride là hoá chất cực độc, không được phép dùng trong y tế. Trong khi đó, kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy nguyên nhân do nồng độ flo trong nước chạy thận vượt ngưỡng cho phép lên đến 245 đến 260 lần. “Khi xâm nhập vào cơ thể, hóa chất gây tổn hại cho nhiều tế bào, đặc biệt gây tổn thương tế bào cơ tim, gây loạn nhịp tim, gây tử vong nhanh chóng. Ngoài ra gây nhiều rối loạn khác trong cơ thể”, BS Nguyên nói.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, trong xử lý hệ thống RO, hóa chất này không được phép dùng mà người ta chỉ được phép dùng 3 hóa chất khác (thường sử dụng Javen) theo hướng dẫn của quốc tế, với hàm lượng chi tiết”. “Việc chất fluoride tồn dư với lượng cao trong các mẫu cho thấy hóa chất được đưa vào trong quy trình xử lý nước chứ không phải có trong tự nhiên. Còn việc hóa chất này được đưa bao nhiêu, ở đâu ra là vấn đề cơ quan chức năng đang điều tra”, bác sĩ Nguyên nhận định.
Trước đó, như PNVN đã đưa tin, trong quá trình chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình đã xảy ra tai biến làm 8 người tử vong, 10 người may mắn thoát chết. Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành đã họp và thấy hệ thống lọc nước RO "có vấn đề". Sở Y tế Hòa Bình cũng đã đình chỉ 3 cán bộ của BV để điều tra.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra. Đến ngày 22/6, cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên y tế của BV Đa khoa Hòa Bình. Đến chiều ngày 5/7, Bộ Y tế cho biết, cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại 01 người là bác sĩ Hoàng công Lương.
Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ.