Chất lượng và an toàn thực phẩm: Vấn đề tiên quyết khi xuất nông sản sang EU

07:55 | 13/12/2018;
Năm 2019 dự kiến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU được thực thi. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nông dân muốn đưa nông sản sang EU thì cần 2 điều kiện tiên quyết là chất lượng và an toàn thực phẩm.

Dự kiến, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Sau khi EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, Việt Nam sẽ gỡ  bỏ hầu hết các loại thuế cho hàng hóa của EU vào Việt Nam. Đồng thời EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường cơ hội tiếp cận vốn và khoa học công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); doanh nghiệp Việt có khả năng tiếp cận với các thị trường tương đối rộng mở của các nước thành viên Liên minh Châu Âu khi hầu hết các ngành hàng có mức thuế suất 0%.

Trả lời Báo Phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Để xuất được nông sản và hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, người sản xuất bất kể sản xuất ở quy mô lớn hay nhỏ đều phải tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, trong đó chất lượng và ATTP vẫn phải là vấn đề tiên quyết cần được đáp ứng. Nông nghiệp Việt Nam vốn có truyền thống sản xuất quy mô nhỏ lẻ theo hộ gia đình và không có chứng nhận về vệ sinh ATTP. Chính điều này đã cản trở sản phẩm nông nghiệp tiếp cận được với các thị trường có yêu cầu cao giống như EU.

Vì thế, để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa hàng nông sản Việt tới được với các thị trường đòi hỏi cao như EU, các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nói chung và phụ nữ nói riêng trước hết cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận sản xuất theo hướng đảm bảo vệ sinh ATTP và có chứng nhận; từ đó mới có thể tận dụng được tốt những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA tạo nên.

bo-truong-nguyen-xuan-cuong3jpg.jpg
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ở Việt Nam, nông nghiệp là một phương tiện sinh kế quan trọng, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp cao hơn so với thế giới. Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, đã xuất nhiều gương phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế hộ giỏi ở khu vực nông thôn cũng như trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thương mại nông sản, đặc biệt như chị Mai Kiều Liên TGĐ Vinamilk (doanh nghiệp có thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 3 năm liền từ 2016-2017-2018 do tạp chí Forbes bình chọn); Chị Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH Milk; chị Phạm Thị Huân, người sáng lập và là Giám đốc điều hành Công ty CP trứng Ba Huân và hàng vạn tấm gương doanh nhân nữ điển hình khác đang góp phần tạo dựng giá trị của nông sản VN tham gia hội nhập. Đây cũng là thể hiện sự nỗ lực trong bình đẳng giới trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam - một vấn đề mà EU rất quan tâm trong triển khai Hiệp định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, doanh nghiệp Việt có khả năng tiếp cận với các thị trường tương đối rộng mở của các nước thành viên Liên minh Châu Âu khi hầu hết các ngành hàng (đến 99,2% số dòng thuế) được đưa về mức thuế suất 0%. Đặt trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh của chúng ta tại thị trường Châu Âu chưa có Hiệp định thương mại riêng với EU thì EVFTA được xem là sẽ tạo ra những lợi ích kép cho doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể:

Những mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu thô thì thuế không thay đổi nhiều (hiện đang ở mức thấp 0-5%), nhưng những mặt hàng đã qua chế biến và chế biến sâu thì thuế sẽ chênh lệch nhiều sau khi EVFTA có hiệu lực (giảm từ mức trên dưới 10% hiện nay xuống 0%). Vì vậy những doanh nghiệp nào càng đầu tư chế biến sẽ càng có giá trị gia tăng cao và càng thu được nhiều lợi nhuận từ việc cắt giảm thuế.

Để tận dụng được những cơ hội của Hiệp định thương mại này, không chỉ doanh nghiệp mà bản thân cả các cơ quan hoạch định chính sách, hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương và bà con nông dân chuẩn bị cần nâng cao nhận thức để đáp ứng được theo những tiêu chuẩn mới của EVFTA, sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặt biệt thị trường cao cấp.

nu-nong-dan.jpg
Các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và phụ nữ nói riêng cần thay đổi tư duy sang sản xuất nông sản an toàn. Ảnh minh họa
 

Đối với xuất nhập khẩu hàng nông thủy sản, Liên minh Châu Âu là đối tác hàng  đầu trên thế giới, nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia trên thế giới. Những năm qua, thương mại nông sản giữa Việt Nam-EU liên tục tăng trưởng (năm 2017 kim ngạch thương mại nông sản hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt gần 5,8 tỷ USD, và trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 4,9 tỷ USD).

Đáng chú ý, Việt Nam liên tục xuất siêu lớn với EU, trong đó có mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh Châu Âu bao gồm: chè, cà phê, thủy sản.

Về đầu tư, Liên minh Châu Âu đứng hàng thứ 5 trong tổng các đối tác đầu tư vào Việt Nam (tổng số 1.809 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước). Khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết (dự kiến khoảng giữa năm 2019) và đi vào thực thi sẽ có nhiều doanh nghiệp của EU đầu tư vào Việt Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn