Chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội về quy trình tuyển sinh song bằng tú tài 

21:05 | 06/07/2018;
Chiều 6/7, Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 được tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là những nội dung “nóng” về quản lý giáo dục đang được dư luận xã hội quan tâm.

Nổi bật là các vấn đề như khúc mắc về việc rút ngắn quy trình tuyển sinh đào tạo song bằng tú tài Trung học Phổ thông tại Hà Nội; việc công khai chất lượng kiểm định các trường chưa tốt; băn khoăn về chất lượng giáo viên… 

Khúc mắc quanh quy trình tuyển sinh song bằng tú tài 

Năm học 2018-2019 là năm thứ hai Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai mở rộng thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài cấp Trung học Phổ thông tại Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An và Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội Amsterdam. 

Đây là chương trình đào tạo cho phép người học được nhận song song bằng tú tài Anh quốc theo chương trình Cambridge, được cấp chứng chỉ A-Level ngay tại Việt Nam, cùng với bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia. 

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã rút ngắn quy trình tuyển sinh và cách công bố kết quả tuyển sinh đào tạo song bằng tú tài Trung học Phổ thông. 

Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 6/4/2018 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã nêu rõ, phương thức tuyển sinh song bằng tú tài phải trải qua 3 vòng thi. 

Vòng 1 là thi hai môn Ngữ văn và Toán (bằng tiếng Việt), vòng 2 thi 4 môn Toán, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh (bằng tiếng Anh) và vòng 3 là phỏng vấn. Các học sinh chọn để phỏng vấn phải đảm bảo không có bài thi nào bị điểm 0 ở vòng thi 1. 

Tuy nhiên, khi chưa có kết quả thi vòng 1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có quyết định duyệt điểm trúng tuyển vào dự phỏng vấn ở vòng 3 và tiến hành thi vòng 3 khi chưa biết thí sinh có vượt qua vòng 1 hay không. 

Chất vấn tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung (tổ đại biểu huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã nêu: “Theo phản ánh của một số phụ huynh gửi đến Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về quy trình tuyển sinh song bằng tú tài Trung học Phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo năm học 2018-2019 có ý kiến cho rằng, Sở đã tự ý rút ngắn quy trình tuyển sinh và bức xúc về cách công bố kết quả tuyển sinh. Nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi nghi vấn về tính công bằng và minh bạch của kỳ thi này?”.

vnp_giaoduchanoi.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung bên lề Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Dũng/Vietnam )

 

Trả lời chất vấn này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng: “Để tuyển sinh vào lớp song bằng, chúng tôi căn cứ vào kết quả vòng 2 là vòng thi 4 môn bằng tiếng Anh, lấy điểm từ cao xuống thấp để chọn vào vòng 3 là vòng phỏng vấn. Vòng thứ 3 là vòng quyết định bởi các em có nghe được hay không nói được hay không vì sau này giáo viên dạy chương trình song bằng đều là giáo viên người nước ngoài. Sở không xét điểm Toán và Ngữ Văn, điểm đó chỉ dùng để tham khảo.” 

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không chọn học sinh vào vòng 3 trên cơ sở kết quả của cả vòng 1 lẫn vòng 2 để tránh tình trạng như trên? 

Mặt khác, nếu hệ song bằng không căn cứ vào bài thi Toán, Văn bằng tiếng Việt, nhiều khả năng sẽ có những thí sinh chỉ nói tốt tiếng Anh mà yếu tiếng Việt được chọn. 

Trong khi đó, nền tảng của hệ song bằng là cùng một lúc phát triển hai khả năng tiếng Anh và tiếng Việt. Học sinh sẽ đi lên bằng trục cơ bản, về kiến thức, ngôn ngữ và kỹ năng. 
 

Băn khoăn về chất lượng 

Đại biểu Hoàng Huy Được (tổ đại biểu huyện Ba Vì, Hà Nội) cho rằng, trong tình hình thiếu trường công lập, các trường tư thục là một phương án “cứu cánh.”

Tuy nhiên, trong số 477 trường tư thục, có tới 386 trường là thuê và mượn tạm thời địa điểm. 

Điều này khiến các bậc phụ huynh còn ngần ngại khi cho con theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. 

Đại biểu Hoàng Huy Được đặt vấn đề, một phòng học chật hẹp không bao giờ là môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có biện pháp gì để mang lại môi trường học tập tốt cho học sinh? Quan điểm của Sở như thế nào về chất lượng giáo viên đối với cơ sở giáo dục mầm non tư thục? 

20180607_101751_1.jpg
Ảnh minh họa: H.H

 

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, Sở luôn coi trọng việc quản lý và giám sát chất lượng đội ngũ giáo viên các trường trên địa bàn thành phố, từ cấp mầm non tới các trường phổ thông đảm bảo công khai. 

Về cơ bản, đội ngũ giáo viên đều đạt đủ điều kiện, cá biệt rất ít các trường hợp giáo viên chưa qua đào tạo, không đạt trình độ xảy ra ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. 

Nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Chử Xuân Dũng cho biết, tại một số khu đông dân cư, các khu công nghiệp, trường công lập chưa đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ của người dân. 

Do đó, các nhóm lớp tư thục phát triển, một số lớp học mang tính chất gia đình, không xây dựng thành trường dẫn đến việc đội ngũ giáo viên không đảm bảo. 

Trong khi đó, chủ đầu tư một số các khu xây dựng cao tầng không thực hiện đúng cam kết ban đầu, khiến cho cơ sở hạ tầng, vật chất không đảm bảo. 

Bày tỏ băn khoăn về công khai chất lượng kiểm định các trường, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ đại biểu quận Tây Hồ, Hà Nội) đánh giá: Từ 2012 đến tháng 6/2017, toàn thành phố đã xây mới và thành lập 211 trường, trong đó có 71 trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, việc công khai chất lượng kiểm định còn chưa tốt khiến phụ huynh, thiếu thông tin, chưa an tâm về việc gửi con em. Vì vậy, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ trách nhiệm, giải pháp trong thời gian tới. 

Về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo ngành Giáo dục có giải pháp kiểm định và công bố công khai kết quả trên hệ thống thông tin về chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, lấy đó làm căn cứ để xem xét mức thu học phí, đảm bảo cân bằng giữa chất lượng giáo dục và mức thu học phí. 

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đặt câu hỏi: Việc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng phụ huynh tự kiểm định và tự sàng lọc chất lượng giáo dục, như vậy vai trò quản lý Nhà nước ở đâu? Tránh nhiệm kiểm định chất lượng phải thuộc về các cơ quan nhà nước và phải công khai kết quả này cho người dân được biết. 

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ tái giám sát vấn đề này vào Kỳ họp giữa năm 2019. 

Hy vọng sau chất vấn, nội dung này sẽ có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho trẻ được học ở môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm các tiêu chí đặt ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn