Cháu gái nhẫn tâm ‘rút ruột’ tiền tiết kiệm của bà ngoại

16:03 | 21/11/2016;
Ở tuổi 84, cụ Lê Thị Cẩm lưng còng, mắt mờ nhưng vẫn vượt hàng chục cây số để đến dự phiên tòa xử kẻ lấy cắp tiền của mình. Đau đớn thay, đó chính là cô cháu gái thân thiết.
1. Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã tiến hành phiên xét xử phúc thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Suốt phiên xử, cụ Cẩm lặng lẽ, thỉnh thoảng liếc nhìn bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Bị cáo là Nguyễn Thị Nhất (tức Thanh, SN 1986, ở xã Thạch Hòa).

Cụ Cẩm buồn rầu kể lại câu chuyện đau lòng xảy ra trong chính nhà mình. Vào khoảng cuối năm 2013, cụ bán mảnh đất nên thu được một số tiền lớn. Cụ Cẩm quyết định sẽ gửi số tiền đó vào ngân hàng để dưỡng già. Trước đó, cụ đã trích một ít để dành phần cho con cháu trong nhà.

Tổng số tiền cụ Cẩm gửi vào Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thạch Thất là 660 triệu đồng. Ngày 23/12/2013, vì tuổi cao nên đi lại khó khăn, cụ đã nhờ cô cháu ngoại là Nguyễn Thị Nhất chở ra ngân hàng để rút tiền lãi. Ngoài ra, cụ Cẩm còn bảo Nhất rút 6 triệu đồng từ tiền gốc để về nhà có việc. Vì không biết chữ nên tất cả những giao dịch đó, cụ ủy thác bằng miệng để Nhất làm hộ.

Kể từ đó trở đi, lần nào ra ngân hàng giao dịch, cụ Cẩm cũng nhờ Nhất “hộ tống” và hoàn toàn tin tưởng vào cô cháu gái này. Thời gian cứ thế trôi đi, đến tháng 7/2014, trong một lần đi giao dịch với cháu, cụ Cẩm vô tình phát hiện ra số tiền gửi tiết kiệm của mình bị vơi mất một nửa. Thấy sự việc bất minh, cụ Cẩm trình báo công an.

Sau khi nhận được đơn trình báo của cụ Cẩm, cơ quan công an huyện Thạch Thất đã vào cuộc điều tra, làm rõ thì phát hiện ra người lấy tiền của cụ không ai khác chính là Nguyễn Thị Nhất. Ngay sau đó, Nhất đã bị cơ quan điều tra triệu tập để làm rõ.

Theo kết quả điều tra, tính đến tháng 7/2014, tương ứng với 13 lần “tháp tùng” bà ngoại ra ngân hàng rút tiền, Nhất đã lặng lẽ chiếm đoạt của bà ngoại hơn 300 triệu đồng, trong tổng số 416 triệu đồng mà cụ Cẩm điểm chỉ vào các giấy tờ giao dịch với ngân hàng.

Tại phiên tòa hôm ấy, Nhất khai nhận, ngay trong lần đầu tiên hộ tống bà ngoại đi rút tiền lãi, lợi dụng sự già cả và không biết chữ của bà, Nhất đã rút 36 triệu thay vì 6 triệu như “chỉ thị” của bà. Số tiền chênh lệch 30 triệu đồng đó, cô cháu gái này giấu bà để chi tiêu cho riêng mình.

Sau lần đầu ngon ăn, những lần sau, mỗi khi đi giao dịch cùng bà, Nhất đều tự ý làm thủ tục rút ruột từ 20 đến 30 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm của bà. Sau 13 lần dùng thủ đoạn này, Nhất đã “đánh cắp” của bà ngoại số tiền hơn 300 triệu đồng.

Khi vụ việc bị phát giác, Nhất đã bỏ trốn khỏi địa phương và cuối năm 2014, lúc đối tượng trở về nhà thì bị bắt giữ và khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139, Bộ luật Hình sự.

2. Tại phiên tòa hôm ấy, bị cáo Nguyễn Thị Nhất thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Mỗi lần cô cháu gái kể lại hành vi lợi dụng sự tin tưởng của bà để chiếm đoạt tài sản, cụ Cẩm lại một lần đưa tay lau nước mắt.

Số tiền cô cháu chiếm đoạt trái pháp luật sẽ được thu hồi và trả lại cho cụ, nhưng có lẽ điều mà cụ bà này đau đớn: Người cụ tin tưởng nhất lại chính là kẻ gây ra sự việc tày trời.

Không chỉ khai nhận rành rọt từng lần chiếm đoạt tiền của bà ngoại đúng như kết quả điều tra của cơ quan công an, Nhất còn khai báo đã mang số tiền chiếm đoạt được đi cho, tặng nhiều người quen khác.

Cụ thể, sau mỗi lần rút tiền của bà, Nhất mang đi cho vợ chồng người em bên chồng 48,5 triệu đồng, cho một người bạn ở Phú Thọ 16 triệu đồng và tặng một người dì 10 triệu đồng. Toàn bộ số tiền bất chính ấy đã bị Cơ quan điều tra nhanh chóng thu hồi, trả cho cụ Cẩm.

nhat.jpg
 Bị cáo Nguyễn Thị Nhất tại phiên phúc thẩm

Tại phiên xét xử phúc thẩm, cụ Cẩm đã đề nghị HĐXX làm rõ về nguồn gốc số tiền tiết kiệm 200 triệu đồng của Nhất tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thạch Thất. Bị hại cho rằng, số tiền này do Nhất chiếm đoạt của bà mà có, vì vậy đề nghị thu hồi và trả lại cho cụ. Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ, lời khai của các bên, HĐXX phúc thẩm khẳng định không có cơ sở để chấp thuận yêu cầu của bị hại buộc bị cáo Nhất phải “sang ngang” cuốn sổ tiết kiệm trị giá 200 triệu đồng.

Tại tòa, số tiền 200 triệu đồng trong sổ tiết kiệm mà bị cáo Nhất đứng tên được xác định là của một người khác, không liên quan đến số tiền mà Nhất chiếm đoạt của bà ngoại. Nhất chỉ đứng tên hộ người đó trong cuốn sổ tiết kiệm này mà thôi.

Được nói lời sau cùng, Nhất khóc nức nở quay ra xin lỗi bị hại cũng chính là bà ngoại của mình. Nhìn thấy cảnh đó, cụ Cẩm đành quay mặt đi.

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, lời khai của các bên, HĐXX phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm đã áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tội trạng mà bị cáo gây ra và kháng nghị tăng nặng hình phạt của Viện kiểm sát là có căn cứ. Từ đó, HĐXX phúc thẩm quyết định tăng hình phạt từ 5 năm tù lên 7 năm 6 tháng tù giam đối với Nguyễn Thị Nhất về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phiên tòa kết thúc, nhìn cháu bị dẫn đi với mức án nặng hơn trước đó, cụ Cẩm lấy khăn lau vội những giọt nước mắt. Cụ tâm sự: “Tôi kháng cáo chỉ mong lấy lại tiền chứ đâu phải để bắt nó đi tù lâu hơn”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn