Hà Nội, những ngày này ánh sáng vẫn trong như nhiều năm trước. Giãn cách xã hội, tôi ngồi nhà nhớ về những ngày ấm yên bên ông bà cùng anh chị em họ. Ông ngoại tôi có năm người con. Với tôi, đó là một sự may mắn khi gia đình của năm người con đều làm việc và sinh sống ở Hà Nội nên thế hệ các cháu được gần gũi với nhau và với ông bà. Trong chín người cháu, có bốn người thuộc thế hệ 8X chúng tôi sàn sàn tuổi nhau nên thường hay chơi với nhau và có thời gian đi khắp chốn cùng ông bà nhiều hơn một chút: Chị Phương Tâm, tôi, em Minh Trung và Hoài Nam. Ký ức của chúng tôi luôn có ông bà, có nhà 30 Hoàng Diệu và có những ngọn sóng bạc đầu.
Mùa hè, chúng tôi thường được đi biển cùng ông bà. Nơi chúng tôi đến nhiều nhất là bãi biển Đồ Sơn, nhưng cũng có những năm đi Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Nẵng. Ông bà có thể đưa một đứa đi trước và trông vài ngày nhưng nếu có hai cháu trở lên thì sẽ cần có người lớn đi cùng để lo chăm và an toàn khi tắm biển. Các cậu các dì cũng như ba mẹ tôi như vậy sẽ thay phiên nhau đi để trông trẻ con. Ở với ông bà nhiều năm như vậy cũng chẳng thấy ông mắng các cháu bao giờ. Trong nhà, ông bà luôn có những nguyên tắc: lễ phép, đúng giờ, nếp ăn uống, không đòi hỏi vô lý… Có một lần đi biển, tôi giận dỗi chị em, không chịu xuống ăn cơm. Vùng vằng mãi, mẹ tôi cũng bảo xuống ăn cùng cả nhà, lúc giữa bữa. Bữa cơm diễn ra bình thường, tuy là cũng sợ ông bà mắng lắm. Đến gần cuối bữa, ông mới nói nhẹ nhàng: “Lần sau xuống ăn đúng giờ!”. Ông nói nhẹ nhưng ngấm sâu. Nhà chúng tôi như vậy luôn cùng nhau ăn cơm trưa cơm tối, gặp nhau trao đổi nói chuyện. Bà ngoại tôi dặn nếu không ăn cơm nhà hay về ăn muộn thì phải báo để cắt cơm hoặc để phần.
Trong đại gia đình chúng tôi, ngoài những ngày giỗ tết, chúng tôi luôn về bên ông bà những ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Có một ngày luôn vui - ngày sinh nhật của ông 25/8. Đó là một ngày hội trong nhà.
Sinh nhật ông ngoại vào mùa hè, khi học sinh được nghỉ nên ngày ấy với những đứa cháu của ông thì thích lắm. Hoa mừng thọ ông tràn ngập mọi lối trong khuôn viên nhà 30 Hoàng Diệu. Ông bà tiếp khách từ sớm đến chiều. Năm 1991 là năm ông thượng thọ 80 tuổi, lúc đó tôi 10 tuổi, cả buổi sáng chạy chơi cùng Minh Trung (8 tuổi). Thời cấp một ấy, chỉ chạy chơi quanh vườn, thấy thật nhiều khách chứ chưa biết giúp đỡ trà nước, bánh kẹo như sau này. Năm đó, tôi mới cảm nhận được ngày sinh của ông thật nhiều đoàn, nhiều người đến nhà chúc mừng ông ngoại, còn chúng tôi thì vô tư lắm. Đến khoảng hơn 11h trưa, ông đi từ nhà làm việc ra đến ao cá, thấy hai chúng tôi ở đó. Ông liền bảo chụp ảnh với ông. Ông nhờ chú cảnh vệ kéo ra một cái ghế từ nhà đánh bóng bàn mà ở nhà gọi là nhà cầu. Ghế kê dưới giàn phong lan được bộ đội dựng bằng vỏ pháo 105 ly, trước ao cá nhỏ sau vườn. Chúng tôi, hai đứa, mỗi đứa đứng bên cạnh ông ngồi và được chụp ảnh. Sau này, khi nghĩ lại mới thấy thật quý, một bức ảnh chụp với ông mặc quân phục thời nhỏ. Ông dù rất bận rộn, có khi cũng mệt vẫn quan tâm và thương các cháu. Tôi nhớ sau này, khi em Nguyên Phong mới sinh năm 2001, ông bà dù đã rất lớn tuổi, vẫn đi thang gác thăm và chơi với em.
Những ngày 25/8 ngày xưa đó, buổi tối là thời gian cả nhà chúng tôi quây quần bên nhau. Ông nhận lời chúc và quà từ mỗi gia đình nhỏ. Quà sinh nhật thường là những đồ dùng tặng ông bà như vali, chăn, bút viết, khăn quàng, tranh vẽ, bức thư pháp... Năm 2003, chị em chúng tôi rủ nhau làm một quyển album ảnh kèm bút ký để tặng ông. Năm đó, Minh Trung đi học không về được vẫn liên lạc bằng email, gửi lời chúc và cảm nghĩ đến ông. Ông bà hài lòng và thích quà tặng của các cháu, luôn giữ album đó gần bên ông bà.
Khoảng lặng
"Tiếng đàn vẫn ngân trên phố phường Hà Nội
Một ngày ngừng gió lá thu vàng rơi
Dương cầm buông lơi"
Đó là lời bài hát "Tiếng đàn", nhạc sĩ – Thiếu tướng An Thuyên đã sáng tác trong những ngày đầu tháng 10 năm 2013 khi Đại tướng về trời. Quả thật, những năm này ông không còn chơi đàn nữa... Hoa lan, hoa hoàng anh, hoa mộc, hoa trà, hoa gạo trong nhà vẫn hàng năm khoe sắc mà không còn được đón bước chân ông nữa. Những năm ông khoẻ, ngày nào ông cũng đi bộ tập thể dục trong vườn.
Một lần, lúc tôi lớn rồi, sau khi học đại học về nhà thăm ông, tôi lại được cùng ông đi bộ trong vườn. Hai ông cháu yên lặng bước trên đường gạch lá dứa đỏ. Đang đi, ông rẽ sang nhà làm việc, đi vào căn phòng bên tay trái. Ông đứng yên nhìn tượng Bác Hồ trong phòng, rồi ông rơi nước mắt. Ông không nói, tôi cũng không hỏi. Suy nghĩ của tôi là ông nhớ Bác Hồ nhiều và có lẽ cả những người đồng chí đã cùng hoạt động. Tôi đứng cạnh ông lặng im. Một lúc lâu, ông quay đi ra. Tôi dìu ông xuống những bậc cầu thang, hai ông cháu đi bộ một vòng quanh vườn nữa rồi vào nhà, vẫn lặng im không trao đổi. Cuộc đời ông, có quá nhiều chuyện tôi không biết và cũng không thể hiểu. Nếu có ai chia sẻ, chỉ có thể là bà ngoại.
"Làm chắt cho tốt!"
Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước hoà bình, ông bà đã nhiều tuổi. Chúng tôi có cuộc sống yêu thương êm ấm, nhưng sẽ rất khó cảm nhận được chiến tranh là thế nào. Sự nghiệp của ông được các dì, các cậu, ba mẹ chúng tôi kể lại và hướng dẫn tự tìm hiểu. Cuộc đời cống hiến của Đại tướng, cách Đại tướng đối nhân xử thế, rèn luyện bản thân mãi luôn là tấm gương sáng ngời cho các cháu học tập. Ông bà đã cho chúng tôi một bầu trời yêu thương, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương gia đình. Di sản của ông để lại cho chúng tôi lòng yêu nước và niềm đam mê học hỏi không ngừng, và rất rất nhiều sách.
Ngày 28/5/2008, tôi đưa con trai mới sinh được hơn một tháng về chúc mừng ông nhân 60 năm ngày phong quân hàm Đại tướng. Ông ngoại, lúc đó đã yếu hơn nên ít đi lại, lần đầu gặp chắt mới sinh. Trong lần đầu gặp nhau ấy, ông đã dặn Thiện Minh như thế này: "Làm chắt cho tốt!". Lời dặn của ông chắc không chỉ cho Thiện Minh mà thế hệ cháu như chúng tôi cũng mãi ghi nhớ. Theo lời ông, những người cháu chắt của ông phấn đấu sống tốt, làm việc tốt trong khả năng của mình, có ích cho xã hội, cho đất nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn