Châu Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn lục địa với bệnh đậu mùa khỉ: Liệu một đại dịch toàn cầu mới có bùng phát?

18:28 | 14/08/2024;
Trước lo ngại về đậu mùa khỉ có thể vượt ra khỏi biên giới Châu Phi và gây ra một đại dịch toàn cầu mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang họp để quyết định xem có nên kích hoạt mức cảnh báo toàn cầu cao nhất về dịch bệnh này hay không?

Hôm nay, Cơ quan giám sát y tế của Liên minh châu Phi (CDC) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đối với bệnh đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh dịch bệnh này đang hoành hành trên khắp châu lục.

Theo số liệu của CDC châu Phi, kể từ tháng 1/2022 đến ngày 4/8 năm nay, châu lục này đã ghi nhận 38.465 ca mắc đậu mùa khỉ và 1.456 ca tử vong. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng ca mắc đậu mùa khỉ ở Châu Phi đã tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch bệnh ảnh hưởng xuyên biên giới, với nhiều quốc gia bao gồm Burundi, Cameroon, Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, Nam Phi, Uganda và Kenya. Trong đó, CHDC Congo chiếm hơn 96% tổng số ca mắc và tử vong. Cơ quan y tế nước này cho biết gần 70% các trường hợp mắc bệnh mpox ở nước này là ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Châu Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn lục địa với bệnh đậu mùa khỉ: Liệu một đại dịch toàn cầu mới có bùng phát?- Ảnh 1.

Ông Jean Kaseya, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Châu Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn lục địa với bệnh đậu mùa khỉ.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 13/8, ông Jean Kaseya, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Châu Phi cho biết: "Hiện nay, đậu mùa khỉ đã vượt qua biên giới, ảnh hưởng đến hàng nghìn người trên khắp lục địa, các gia đình đã bị chia cắt, nỗi đau và sự đau khổ đã chạm đến mọi ngóc ngách của lục địa chúng ta".

Trước lo ngại về đậu mùa khỉ có thể vượt ra khỏi biên giới Châu Phi và gây ra một đại dịch toàn cầu mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang họp để quyết định xem có nên kích hoạt mức cảnh báo toàn cầu cao nhất về dịch bệnh này hay không?

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Mpox (Monkeypox virus). Đây là một loại virus lây nhiễm từ động vật sang người, thuộc chi Orthopoxvirus, cùng chi với virus Variola gây ra bệnh đậu mùa.

Khi lây nhiễm trên người, Mpox gây ra các triệu chứng giống với bệnh đậu mùa nhưng ở thể nhẹ hơn. Bệnh nhân ban đầu thường sốt, đau cơ và đau họng. Khi virus tiếp tục nhân lên trong cơ thể, chúng sẽ gây ra những cơn đau đầu dữ dội, làm sưng hạch bạch huyết và khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược.

Tiếp đó, virus tập trung lại và tạo thành các ổ phát ban bên ngoài bề mặt da. Giai đoạn đầu của phát ban, bệnh nhân sẽ thấy ngứa và nổi các nốt phẳng trên da, thường tập trung ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mặt, niêm mạc miệng, cổ họng, hậu môn và bộ phận sinh dục.

Một vài ngày sau, các nốt phẳng sưng lên, tiến triển thành mụn nước. Khi mụn nước quá lớn, chúng sẽ vỡ ra, giải phóng virus tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người tiếp xúc. Vết thương của bệnh nhân sau đó khô lại, đóng vảy và hình thành da mới.

Châu Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn lục địa với bệnh đậu mùa khỉ: Liệu một đại dịch toàn cầu mới có bùng phát?- Ảnh 2.

Các nốt triệu chứng của đậu mùa khỉ.

Toàn bộ các triệu chứng này diễn ra trong vòng 2-4 tuần. Đa số các bệnh nhân có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, virus Mpox sẽ tồn tại dai dẳng trong cơ thể và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm não và mù lòa do tổn thương giác mạc.

Các đối tượng dễ bị biến chứng sau khi nhiễm đậu mùa khỉ nhất là trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu, người nhiễm HIV hoặc các bệnh suy yếu miễn dịch khác. Phụ nữ nhiễm virus đậu mùa khỉ trong thời kỳ mang thai có thể dẫn tới thai chết lưu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong khi nhiễm đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 1-10% tùy vào bối cảnh và khả năng tiếp cận y tế. Con số được đánh giá là thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa, do virus Variola gây ra.

Trước khi bị xóa sổ vào năm 1980 nhờ sự phổ biến của vắc-xin, đậu mùa đã gây ra cái chết cho 500 triệu người trong thế kỷ 20. Tỷ lệ tử vong trung bình là 30-35% và lên tới 60-80% ở trẻ em.

Với tỷ lệ tử vong thấp và đa số các trường hợp nhiễm bệnh có thể tự khỏi, đậu mùa khỉ không phải là "bóng ma" đậu mùa hồi sinh trở lại.

Tuy nhiên, bởi sự bùng phát phức tạp của virus Mpox ở Châu Phi, vào tháng 7 năm 2022 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn tuyên bố đây là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng động gây ra mối quan ngại quốc tế (PHEIC).

PHEIC là mức độ cảnh báo cao nhất về sức khỏe toàn cầu theo Điều lệ Y tế Quốc tế. Trước đây, nó đã được thiết lập cho đại dịch COVID-19, đại dịch Ebola năm 2016 và đại dịch cúm lợn H1N1 năm 2009.

Châu Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn lục địa với bệnh đậu mùa khỉ: Liệu một đại dịch toàn cầu mới có bùng phát?- Ảnh 3.

Đến tháng 5/2023, do tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ đã tạm thời lắng dịu, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, với việc virus lại đang bùng phát trở lại như hiện nay, các quan chức WHO lại đang họp khẩn để quyết định có hay không ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh này?

Đánh giá khả năng lây lan toàn cầu của đậu mùa khỉ

Tiến sĩ Cheryl Walter, nhà virus học đồng thời là giảng viên cao cấp về Khoa học y sinh tại Đại học Hull cho biết diễn biến tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ ở Châu Phi hiện tại rất đáng lo ngại.

"Như chúng ta đã biết thông qua các bệnh như COVID-19 , virus có tốc độ biến đổi về mặt di truyền và đột biến khá nhanh. Mpox cũng không phải ngoại lệ", cô nói. "Trước đây chúng ta chỉ có 2 chủng mpox – nhánh I và nhánh II. Hãy nghĩ về chúng như hai nhánh lớn trên một cái cây. Cho đến khoảng 5 hoặc 6 năm trước, các nhánh này không đa dạng như hiện nay.

Có điều gì đó đã thay đổi. Những nhánh này đang phát triển và lá trên các nhánh cay đang trở nên nhiều hơn. Trên thực tế, chúng ta có các nhánh con mới cho cả chủng đậu mùa khỉ I và II, vì vậy 2 nhánh nhánh mới đã xuất hiện".

Đậu mùa khỉ nhóm II ít nguy hiểm hơn nhiều với tỷ lệ tử vong khoảng 0,1% . Nói cách khác, cứ một nghìn người thì có khoảng một người tử vong. Thế nhưng, đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở Châu Phi hiện tại có sự xuất hiện của virus nhánh I, với tỷ lệ tử vong gấp 30-40 lần.

Điều đó có nghĩa là cứ một trăm người thì có ba hoặc bốn người tử vong. Nhiều trường hợp là trẻ em. Chúng ta hãy lấy COVID-19 làm ví dụ so sánh một lần nữa. Dịch bệnh này được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp công cộng quốc tế từ ngày 30 tháng 1 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, với tỷ lệ tử vong ước tính là 1,2%.

Con số của virus đậu mùa khỉ nhánh II hiện là 3-4%.

Châu Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn lục địa với bệnh đậu mùa khỉ: Liệu một đại dịch toàn cầu mới có bùng phát?- Ảnh 4.

Virus mpox có hai nhánh, trong đó, nhánh II cực kỳ nguy hiểm.

Mpox là một loại virus ít được nghiên cứu. Cho đến gần đây, mỗi năm chỉ có một số lượng ít trường hợp được xác nhận. Nó chủ yếu xảy ra ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới ở miền Trung và Tây Phi. Có rất ít cơ hội để virus thích nghi với vật chủ là con người.

Chúng ta không biết liệu những thay đổi về gen có khiến những loại virus này lây lan dễ dàng hơn hay không và liệu các biến thể đang lưu hành có nguy hiểm hơn không. Nhưng có một điều chắc chắn, virus đang liên tục biến đổi khi chúng lây lan từ người sang người.

Càng có nhiều người nhiễm bệnh thì bệnh càng có nhiều cơ hội cho virus đột biến và có khả năng trở nên độc hại hơn hoặc dễ lây truyền hơn.

Có 2 lý do chính khiến bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh là thời gian ủ bệnh dài và triệu chứng không rõ ràng. Virus mpox có thể lây nhiễm một ai đó từ 5-21 ngày trước khi triệu chứng xuất hiện. Một người có thể bị nhiễm mpox trong thời gian ủ bệnh này và đi du lịch đến một quốc gia khác và truyền bệnh vào quốc gia đó.

Các triệu chứng ban đầu không rõ ràng và bao gồm sưng hạch, sốt và cảm thấy hơi mệt mỏi. Người ta ước tính 10% số người bị nhiễm mpox không có triệu chứng. Chỉ khi phát ban xuất hiện thì mới có thể biết chắc đó không phải là cảm lạnh, cúm hay COVID-19. Thêm vào đó, khi trẻ em bị phát ban, chúng có thể bị nhầm với bệnh thủy đậu hoặc một trong những bệnh truyền nhiễm khác ở trẻ em.

Do dó, đậu mùa khỉ hoàn toàn có khả năng trở thành một dịch bệnh toàn cầu và WHO hiện đang phải theo dõi sát sao để đánh giá khả năng đó.

Châu Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn lục địa với bệnh đậu mùa khỉ: Liệu một đại dịch toàn cầu mới có bùng phát?- Ảnh 5.

Đậu mùa khỉ ảnh hưởng tới nhiều quốc gia Châu Phi bao gồm Burundi, Cameroon, Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, Nam Phi, Uganda và Kenya. Trong đó, CHDC Congo chiếm hơn 96% tổng số ca mắc và tử vong.

Làm thế nào để ngăn đậu mùa khỉ không trở thành đại dịch toàn cầu?

Theo tiến sĩ Walter, các nước Châu Phi hiện có rất ít nguồn lực để chống lại căn bệnh này. "Tình trạng thiếu vắc-xin là một vấn đề lớn", cô nói. "Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi ước tính chỉ có 200.000 liều vắc-xin có sẵn cho các nước Châu Phi so với nhu cầu ít nhất là 10 triệu liều.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều có thể làm để ngăn chặn đậu mùa khỉ trở thành đại dịch toàn cầu.

Đầu tiên, đó là phải đẩy mạnh việc xét nghiệm chẩn đoán và cách ly. "Xét nghiệm là công cụ số một trong cuộc chiến với đậu mùa khỉ. Chúng ta cần biết những ca bệnh này ở đâu và ai trong cộng đồng đang mang virus", tiến sĩ Walter nói.

Sau đại dịch COVID-19, các nước Châu Phi đã được tập dượt kỹ càng để có thể xét nghiệm tầm soát đậu mùa khỉ, bởi các xét nghiệm đơn giản như sử dụng tăm bông lấy dịch mũi, hầu họng trong cộng đồng, cho kết quả nhanh trong 30 phút là tương đương với kinh nghiệm trước đó từ đại dịch COVID.

Thứ hai, cũng là kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 trước đó, các nước Châu Phi sẽ vẫn cần có vắc-xin. Vì đậu mùa khỉ rất giống với bệnh đậu mùa nên chúng ta có thể sử dụng vắc-xin đậu mùa cho đậu mùa khỉ. Có điều, số lượng dự trữ vắc-xin ở Châu Phi hiện có hạn và chúng ta không thể sản xuất vắc-xin đậu mùa đủ nhanh. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đang kêu gọi các quốc gia khác hỗ trợ Châu Phi trong việc phân phối vắc-xin, thậm chí sản xuất thế hệ vắc-xin đậu mùa khỉ mới.

Cuối cùng, việc tuyên truyền đến người dân thực hành các biện pháp phòng ngừa như 5K trước đây là cần thiết.

Châu Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn lục địa với bệnh đậu mùa khỉ: Liệu một đại dịch toàn cầu mới có bùng phát?- Ảnh 6.

Cơ chế lây nhiễm đậu mùa khỉ. Ảnh: VGP.

Tiến sĩ Walter khuyến cáo trong điều kiện tình trạng dịch bệnh phức tạp như hiện nay, người dân nên hạn chế đi du lịch tới các quốc gia Châu Phi. Virus Mpox chủ yếu lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc gần gũi, các con đường tiếp xúc phổ biến được liệt kê bao gồm:

- Mặt đối mặt (nói chuyện hoặc thở)

- Da kề da (sờ, chạm hoặc quan hệ tình dục)

- Truyền miệng (hôn)

- Miệng kề da (quan hệ tình dục bằng miệng hoặc hôn da)

- Các giọt hô hấp hoặc khí dung phát tán trong phạm vi hẹp

Điều đó có nghĩa là khi một người khỏe mạnh tiếp xúc với người mang virus đậu mùa khỉ thông qua các con đường trên, họ nhiều khả năng sẽ nhiễm bệnh. Ngoài ra, tiếp xúc gián tiếp với đồ vật mang bệnh phẩm của người nhiễm bệnh như quần áo, ga trải giường, khăn mặt, bàn chải, đồ dùng vệ sinh cá nhân, kim xăm… cũng tạo ra nguy cơ lây nhiễm.

Cơ chế lây nhiễm này được WHO gọi là lây truyền qua vật trung gian (fomite). Bất kể khi nào người bệnh đậu mùa khỉ để lại dịch cơ thể chứa virus của họ trên một bề mặt hoặc vật phẩm, người khỏe mạnh tiếp xúc với dịch này và để dịch đó nhiễm vào niêm mạc, vết loét hoặc vết thương hở thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Châu Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn lục địa với bệnh đậu mùa khỉ: Liệu một đại dịch toàn cầu mới có bùng phát?- Ảnh 7.

Phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ, Ảnh: HCDC.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người dân tự bảo vệ mình trước virus đậu mùa khỉ bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang, hạn chế đến vùng có dịch bệnh lưu hành, hạn chế tiếp xúc (đặc biệt là không quan hệ tình dục) với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ.

Ngoài ra, bạn nên che chắn hoặc băng các vết thương hở xuất hiện trên cơ thể mình, súc miệng nước muối để điều trị vết loét nếu có trong miệng, tránh chạm vào các bề mặt nghi ngờ có mầm bệnh.

Nếu nghi ngờ bản thân nhiễm đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần tự cách ly và liên hệ ngay với cơ quan y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn